Kê Gà, cái tên ghép ngồ ngộ, vui vui, ẩn dấu một điều gì đấy như một lời mời gọi thầm.
Trên đường từ Đồn biên phòng B50 ra trạm biên phòng phía giáp bờ biển, tôi hỏi hấp hởi:
- Sao đã “kê” còn “gà”, đồng chí Phó đồn trưởng?
Người cán bộ trẻ cao to, người sắt lại trong bộ quân phục lính biên phòng quay lại phía tôi, giọng phà trong gió biển:
- Em thấy bà con ở đây gọi vậy. Trên văn bản cũng ghi như vậy. Cả cái bảng chữ đục vào tường ngọn hải đăng cổ cũng rướn lên bốn chữ to tướng: “Hải đăng Kê Gà”.
Tôi lẩm bẩm một mình:
- Vui đấy và lạ nữa!
Nhà văn Khánh Chi, Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật Bình Thuận đưa ô tô giúp chúng tôi lên trạm cho đỡ tốn thì giờ. Từ khi dải bờ biển được xác định là tuyến biên giới thì cái trạm nhỏ gọn đã là bộ phận tiền tiêu của đồn. Chỉ mấy giây sau chúng tôi đã có mặt tại mép nước. Tất cả đã đứng sững lại, nhìn xói qua luồng nước sâu tới ngọn hải đăng đứng sừng sững trên chót mũi Kê Gà.
Dân quanh vùng vẫn quen gọi mũi Kê Gà là mũi Điện, nơi không ai biết rõ từ thủa nào đã bị đứt ra, rồi tách khỏi đất liền thành một hòn đảo nhỏ. Người Trung bộ gọi những đảo nhỏ là “hòn”. Thanh Hóa có Hòn Nẹ, Hòn Mê; Nghệ An có Hòn Ngư, Hòn Mắt; Quảng Bình có Hòn La… Ở Bình Thuận có Hòn Lớn (tức đảo Phú Quý); phía bắc thành phố biển xinh đẹp Phan Thiết có Hòn Rơm… Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là Hòn Kê Gà. Cái “hòn” ấy cách trạm biên phòng một dải nước sâu. Một luồng nước sâu và dữ thì đúng hơn. Cả hai phía “đất liền” và “đảo” những khối đá sát vào nhau, rồi lại như bị khía ra, xẻ ra thành những khóm đá sùi lên, nhọn hoắt và lượn bâng quơ tạo thành voi nằm, hổ phục, sư tử biển quần nhau, đám hà mã ngoác mồm… Rồi những tướng gà mình thon, mào khủng, mỏ quắp, như sắp gáy to lên, báo hiệu bình minh biển, hay báo tin lành và có khi báo cả tin dữ nữa.
Quan sát một hồi tôi thầm khen thế bố trí nhà nghề theo chiến thuật mũi nhọn, đuôi dài của khu phòng thủ Kê Gà. Phía ngoài cùng là núi đá dựng đứng với ngọn hải đăng cổ. Qua luồng nước cách ngăn với đất liền vấp ngay trạm biên phòng. Và sau cùng vượt qua tỉnh lộ, gặp cơ ngơi vừa trang nghiêm, im lặng, vừa sôi động của một đồn biên phòng làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới trên biển đảo của Tổ quốc.
Đoàn nhà văn đi thực tế biển đảo được đồng chí Phó chính trị viên đồn thông báo tóm tắt tình hình rồi nói luôn:
- Mời các anh, các chị “vượt biển” lên đảo, sang với hải đăng Kê Gà.
Đúng là vượt biển thật. Luồng nước rộng, sâu, xanh đen. Những bờ đá lớn mờ xám giống như những ông cá voi khổng lồ ken vào nhau. Phó đồn trưởng biên phòng nói như xin lỗi:
- Ngày thường vẫn có ca nô nhỏ chở khách du lịch từ Khách Vân, Khách Bảo sang với đảo. Hôm nay lỡ, mong các nhà văn sang đảo bằng thúng (thuyền thúng).
Gió đông lộng thổi, những con sóng lừng lững nhô đầu trắng nối nhau chờm lên bờ đá. Tôi đưa mắt nhìn và ước lượng, khoảng cách này, bình thường một mình tôi bơi vo được sang tới bờ bên kia. Còn bây giờ cả đoàn lặng lẽ tụm vào nhau tỏ vẻ lo lắng nhưng đầy quyết tâm.
Chính trị viên đồn Nguyễn Văn Cao mời nữ sỹ Phạm Hồ Thu đi vào một thúng ra đảo trước. Phạm Hồ Thu nhanh nhẹn xuống thuyền. Chị là cựu phóng viên báo Nhân Dân, nhà thơ có phẩm cấp, vừa có bài thơ “Viết ở Sa Vĩ” đăng trên báo Nhân Dân cuối tuần bày tỏ tình yêu Tổ quốc, là người thiết tha nhất với chuyến đi biển đảo lần này. Thúng của chúng tôi khua mái chèo sau. Cô Duyên, phóng viên ảnh của Hội Văn học - Nghệ thuật Bình Thuận hai tay ôm máy ảnh Nikon nhà nghề. Tôi nhắc cô: “Em một tay che sóng cho máy, một tay nắm chắc đoạn tre gốc làm thang ngang thuyền. Ngồi sát vào nhau”. Ngồi cạnh tôi, Huyền, cô cán bộ của Hội Văn học Nghệ thuật Bình Thuận thoáng nỗi lo trên nét mặt, con chị mới đầy mười bẩy tháng tuổi.
Sáu người trên một chiếc thuyền thúng. Tôi vẫn nghi ngại cái anh thúng này lắm. Nó tròn lung lủng, người chèo không giỏi, dễ bị xoay tròn, gặp sóng mạnh bay như mảnh sành thia lia trên mặt nước và dễ ụp như chơi.
Những chiếc thúng tròng trành rời bãi, bơi lắc lư theo những lạch đá. Có chỗ đá như các ngài Nam Hải Đại Vương dãn ra vừa chỗ cho thúng lách qua. Người Trạm trưởng biên phòng, gồng hai cánh tay bổ mái chèo xuống đấu những con sóng. Cái thúng lắc mạnh, trườn về phía mũi Kê Gà. Huyền giọng nhỏ nhẹ quay người nói với Duyên:
- Mấy bờ đá đẹp thần tiên, chụp đi Duyên ơi!
Thuyền chở nhà văn. Bờ đá cổ xưa. Sóng nước bời bời. Hải đăng chỉ đường… Máy kỹ thuật số, Duyên giơ lên bấm liền mấy kiểu. Bất ngờ một con sóng lừng lững, đen sầm xô đến. Chiếc thúng văng vào bờ đá. Người lính biên phòng dày dặn bổ gấp mái chèo. Không kịp. Con sóng dữ chồm lên, nâng cái thúng, lia nó va vào khối đá đen xì. Tiếng Duyên kêu to: “Ối giời ơi!” và tay tôi tuột ra khỏi chiếc xà tre, đập gối vào miệng thúng. Nước biển ào vào. Người lính biên phòng kịp ghìm một bên chèo vào hòn đá giữ cho thúng khỏi bị lật. Tôi nhắc anh chị em ngồi chắc chắn và sát vào nhau. Nước này chưa đủ chìm thuyền. Ra khỏi hòn đá nhanh, tránh con sóng lộng đang tới. Tôi pha trò để chị em yên lòng: “Yên trí, có sao thì anh có thể cắp hai em hai bên nách rồi bơi vào bờ đá cổ kia như trong phim Liên Xô “Người thứ 41 ấy”.
Thuyền đi trước đã cặp bờ đảo, anh chở thuyền dáng người đen cháy đứng trên cồn đá nói át gió:
- Đi chếch phải, lánh sóng. Lướt khuất vào bờ đá kia. Đấy, khuất gió rồi. An toàn rồi.
Tôi cởi đôi giầy da bộ đội sũng nước để gần vào đống giầy dép, trong đầu thoáng nghĩ những đôi dép không còn chủ trên bãi đá. Tôi cúi xuống vắt bớt nước ở hai ống quần rồi chạy lên dốc theo kịp anh em lên chân ngọn hải đăng nổi tiếng.
Tháp hải đăng Kê Gà người Pháp xây bằng gạch từ năm 1888, để mộc nguyên như vậy đến giờ. Không phải thứ gạch lên men sành các cụ ta đun bằng bổi, hay thứ gạch đỏ hồng Giếng Đáy, Hạ Long, Quảng Ninh. Nó là thứ gạch máy đều tăm tắp, mầu vàng nâu. Hải đăng cao sáu mươi lăm thước tây. Từ chân đế lên tới đỉnh cao bốn mươi mốt mét. Cái phần tôn cho nó cao đến sáu mươi lăm mét chính là mũi Kê Gà, một mỏm đồi, một mũi đất đá bị cắt ra khỏi đất liền bởi một luồng nước sâu nên sạch sẽ, lao xao cát dưới chân chúng tôi. Mấy ông nhà văn sành sỏi cứ khen lấy khen để hải đăng Kê Gà chuẩn mực, bền vững, có thể đứng hiên ngang chiếu ánh sáng ra biển Đông, còn mấy bà thì thốt lên: “ Đẹp quá! Hùng vĩ quá!”.
Tôi xắn mấy dải quần, xăm xăm bước lên cầu thang. Một trăm tám mươi ba bậc sắt cấu trúc hình cuốn giống như các bậc gạch trong tháp chùa Cổ Lễ, Lộc Vượng, Nam Hà - Kiểu kiến trúc tiêu biểu của Đại Việt. Các bậc sắt còn tốt, hai hàng vết chân bước lên xuống sáng ánh thép. Hồi người Pháp xây dựng chưa có công nghệ hàn, các bậc sắt được vít chặt vào hai giá đỡ hai bên bằng đinh bù long tán đầu theo cách thức người Pháp làm nên tháp Effen.
Tôi và nhà văn quân đội Nguyễn Thế Hùng, nhà văn cựu chiến binh Nguyễn Tiến Hóa trèo thêm mười mấy bậc thép tròn loại không rỉ, trắng rờn rợn để tới bầu đèn lớn vẫn đang quay. Chúng tôi đứng lặng, tì ngực vào thanh sắt tròn nghe tiếng gió thốc vào lưng tê lạnh và nghe tiếng sóng biển đuổi nhau phía xa. Đã hơn một thế kỷ cái bầu đèn lưng chừng trời này vẫn nghe tiếng gió và tiếng sóng biển quê hương như vậy.
Trời loạng nhoạng tối, sắp đến giờ ngọn hải đăng bật sáng, phóng ra thứ ánh sáng dẫn luồng cho những con tàu đi trên biển xa phía ngoài Hòn Lớn - Phú Quý.
Nữ văn sĩ Phạm Hồ Thu đứng đón ở chân ngọn hải đăng nói nhỏ:
- Một thúng về trước. Cô Duyên ôm máy ảnh về rồi. Cô ấy sợ hỏng ống kính nên phải vào bờ bảo quản sơ bộ. Còn lại có hai “bà” này thôi. Ta vào gặp ông chúa đảo đã rồi hẵng về.
Ông Nguyễn Văn Sách, vị “chúa đảo” ngồi trong nhà có ý đợi chúng tôi. Bộ bàn ghế gỗ mộc, không sơn phết. Ông cao, gầy, ở vào tuổi ngũ tuần. Nhìn làn da đen nắng và gió biển sậm lại toát ra sức lực và tình yêu cuộc sống. Ông nhìn Phạm Hồ Thu, nhìn tôi rồi nhìn Huyền lâu hơn vì thấy chị đang bồn chồn. Ông nói chậm:
- Trời tối hẳn về mới ngại các anh chị ạ! Còn nhìn rõ mặt thì người với thúng thì còn đi được.
Rồi ông tiếp tục bằng cái giọng nhỏ nhẹ khác hẳn giọng nói như sóng vỗ của các ngư dân sống trên biển:
- Các anh, các chị còn ít thời giờ, ở đây không đủ chỗ ngủ. Không có nhà khách. Cũng không có đồ ăn tử tế. Nào xin mời các nhà văn ngồi xuống đây ngồi xuống đây. Đã vội thì tôi xin nói gọn thôi. Tôi quê ở Quy Nhơn, Bình Định. Quê tôi sinh ra vua Quang trung và cũng có cụ Đào Duy Từ, và sinh ra hậu tổ tuồng, bậc đại quan, cụ Đào Tấn và còn có thi sĩ Hàn Mặc Tử. Có lẽ máu thi sĩ, nghệ sĩ các cụ đã ngấm sang tôi. Có lòng yêu văn chương, nặng lòng như các anh, các chị tôi mới ở được với biển, sống với các cây đèn biển, ngọn hải đăng ba mươi hai năm liền.
Làm cái anh lính canh đèn từng ấy năm không ở lỳ một chỗ. Tôi ở Hòn Lớn tám năm. Cù Lao Xanh mười tám năm rồi mới về đến Kê Gà. Cái mũi có ngọn đèn biển soi xa tới đảo Phú Quý cách đất liền 85 hải lý. Nó còn chỉ hướng cho Hòn Hài, cách ngoài Phú Quý 35 hải lý nữa và là điểm xuất phát xa nhất để cho ta tính được đường nội thủy của biển Việt Nam... Tôi nhớ cái bi kịch buồn thảm của cha con ông gác đèn mà một nhà văn nào đó đã viết. Còn tôi thì không như vậy. Tôi về đất liền, tôi yêu, tôi lấy vợ, sinh con, xây nhà, dựng cơ nghiệp rồi tôi lại ra với hải đăng. Có như thế mới sống lâu dài được, mới ở lâu dài được chứ phải không các bậc kỹ sư tâm hồn?
Chia tay với ông “chúa đảo”. Chúng tôi đi nhanh xuống bến. Hai cái thúng đã chờ lâu. Huyền vội xuống trước ngồi giữa thúng. Có lẽ cô vừa nghe được tiếng khóc của đứa con non nớt mới mười bảy tháng tuổi.
Mặt biển tối sầm. Gió đông lộng tóc. Những con sóng lớn hơn khi chiều, nối nhau dữ dội. Chúng tôi ngồi sát vào nhau. Đi được một đoạn, thuyền thúng đằng trước dừng lại chờ. Người cầm mái chèo đen cháy tôi thấy khi chiều ghé sát mạn thúng tôi hỏi nhỏ:
- Có mấy người?
- Năm người.
Anh nói nhỏ đủ cho người lái thuyền bên tôi nghe thấy.
- Để tôi chở thuyền nặng, cậu sang thuyền tôi, non tay ra quãng nữa là lật thuyền đấy. Tối nay không liều được đâu. Toàn là tài sản quốc gia đấy, nỡm ạ!
Và họ đổi thuyền cho nhau.
Chiếc thúng bên tôi đi chậm, tránh những con sóng gần do va đập vào đá. Tới gần bờ tôi nhìn thấy mấy cán bộ biên phòng đứng không yên, lộ rõ vẻ sốt ruột. Chính trị viên đồn hỏi vọng xuống:
- Lâm Hoa Bằng đi thuyền đấy à?
- Vâng.
- Ngon rồi.
Anh nắm tay Hoa Bằng dắt lại phía chúng tôi:
- Vị này tên là Lâm Hoa Bằng, tên có vẻ ca kỹ cải lương vậy nhưng là vị tướng của cúng tôi. Bằng là dân sở tại nhập ngũ vào đồn biên phòng B50. Quê xã Tấn Thành, căn cứ của vùng chiến khu Phan Thiết thời đánh Mỹ. Anh đã ra quân, nhà ở gần trạm biên phòng. Có lẽ phải phong cho cậu này là “Thủy sư Đô đốc”. Những lúc vượt biển ra Kê Gà khó khăn Bằng đều giúp một tay. Cái ông Nguyễn Văn Sách ngoài biển kia là “Gà trắng đại dương”, gà gáy báo biển yên lành, còn Hoa Bằng đây là “Gà chọi đen” cưỡi sóng…
Phan Thiết ngày biển động
Theo ĐÀO THẮNG - VNQĐ