Sáng 14-3, khi ống kính máy quay ở trường quay S2 (Đài phát thanh - truyền hình Đà Nẵng) hướng về dãy ghế áp chót bên dưới hội trường thì anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Lanh mới giật thót mình nhận ra người đồng đội năm xưa - tiểu đội trưởng Gạc Ma Lê Hữu Thảo.
Đã 25 năm kể từ ngày đảo Gạc Ma rơi vào tay Trung Quốc cũng là lúc họ bặt tin nhau...
Những người đồng đội
Di chứng của vết thương năm xưa khiến anh đi lại vất vả hơn nhiều. Và trong những dòng hồi ức của người anh hùng này về cuộc đối mặt đầy bi tráng nhưng kiên cường vào sáng 14-3 năm xưa là những giây phút cuộn mình vào lá cờ Tổ quốc trước khi bị lưỡi lê của quân Trung Quốc đâm xéo vai... “Lúc đó tôi chỉ biết rằng nếu còn mình thì còn đảo, mất người là đảo mất”. Và chính trong giờ phút sinh tử ấy, anh Lanh được đồng đội cứu đưa lên xuồng sang tàu HQ-505. Và người khiêng anh lên xuồng đó không ai khác chính là tiểu đội trưởng Lê Hữu Thảo.Anh hùng Nguyễn Văn Lanh, người trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma năm 1988, xuất hiện tại cuộc giao lưu mang tên “Hướng về Trường Sa thân yêu” (do Hội Cựu chiến binh, Thành đoàn Đà Nẵng, Đài phát thanh - truyền hình Đà Nẵng cùng Ban liên lạc bộ đội Trường Sa giai đoạn 1984-1987 phối hợp tổ chức thực hiện) với bộ quân phục hải quân đã bạc màu, chỉ có những tấm huân chương trên ngực là lấp lánh, sáng ngời như một minh chứng cho sự không gục ngã của những người lính ở tuyến đầu 25 năm về trước.
Vậy mà đã 25 năm, những lo toan của cuộc sống đời thường khiến những người lính Trường Sa năm xưa chưa một lần gặp mặt. Một phần tư thế kỷ đã trôi qua, vậy mà khi đồng đội cũ xuất hiện, anh Lanh lập tức nhận ra, ôm chầm lấy người bạn chiến đấu năm xưa. Cả hội trường lặng im trước giây phút hội ngộ quá đỗi đặc biệt này. Ngay cả người dẫn chương trình cũng phải thốt lên: “Đây là một cuộc gặp đặc biệt mà ban tổ chức cũng không ngờ trước”.
Anh hùng Nguyễn Văn Lanh thổ lộ: “25 năm rồi tôi mới gặp lại Thảo. Còn nhiều lắm, nhiều lắm những đồng đội còn đang thất lạc nhau”... Ngồi bên cạnh đồng đội cũ, cựu binh Lê Hữu Thảo nói trong nghẹn ngào: “Chúng tôi khi ấy nhận lệnh không được nổ súng vậy mà phía Trung Quốc bằng tàu to, súng lớn... tất cả nhắm nã thẳng vào đồng đội tôi khi trong tay họ không có lấy một tấc sắt”...
Mong trở lại Gạc Ma
Những người lính Trường Sa của năm 1988 đã gặp lại nhau tại TP Đà Nẵng trong một chương trình giao lưu hết sức ý nghĩa. Những cái bắt tay thật chặt, những cái choàng vai nhau lặng lẽ... tất cả đều diễn ra trong niềm xúc động dâng trào. Nhưng trong họ, vẫn luôn đau đáu một điều: Trường Sa.
“25 năm qua, không lúc nào tôi không mong mỏi được trở lại cụm đảo Cô Lin - Gạc Ma - Len Đao để được thả những vòng hoa trên biển, được cúi chào những người đồng đội thương yêu khi ngã xuống chỉ mới đôi mươi. Nhưng sức khỏe đã không thể cho phép tôi đi biển thêm lần nữa”. Cũng như anh Lanh, anh Lê Hữu Thảo tâm niệm: “Những người đồng đội của chúng tôi hi sinh lúc còn quá trẻ. Vậy nên nếu được trở lại Gạc Ma lần nữa, ngoài vòng hoa, tôi sẽ mang tặng đồng đội của mình những vật dụng cần thiết khác. Và cũng mong sao những đồng đội còn sống của tôi được cùng nhau lên chuyến tàu ra lại vùng biển thiêng liêng đó của Tổ quốc”.
Những nỗi niềm của người lính Trường Sa năm xưa đơn giản chỉ là vậy. Họ đau đáu vì đồng đội của mình đang phải nằm lại giữa biển xanh mênh mông.
Vất vả đời thường
Ít ai biết rằng sau ngày 14-3 bi hùng ấy, những người lính may mắn sống sót trở về đất liền giờ đây vẫn đang phải quay cuồng với “cơm áo gạo tiền”. Bên cốc trà vừa rót nghi ngút khói, anh Thảo tâm sự: Sau ngày giải ngũ, bản thân anh phải đối mặt với nhiều khó khăn của cuộc sống thường nhật. Cũng phải đi làm khắp nơi nhưng chỉ đủ đắp đổi qua ngày. “Bây giờ tôi vẫn chưa có việc làm nào cho thật ổn định cả”.
Cùng đồng cảm với hoàn cảnh các đồng đội cũ, cựu binh Nguyễn Văn Tấn - đại diện Ban liên lạc cựu binh Trường Sa tại TP Đà Nẵng - cho biết: “Sau giải ngũ, phần lớn anh em trở về từ Trường Sa sau năm 1988 đều mất sức khỏe nên làm việc gì cũng khó... Kinh tế gần như phụ thuộc vào gia đình... vậy nên rất cần sự đùm bọc của cả cộng đồng vì tuổi xuân của họ đã gửi lại ở Gạc Ma”.
Hai buổi sáng, giữa 25 năm... 25 năm trước, khi nằm trên giường bệnh nghe bản tin buổi sáng của Đài Tiếng nói Việt Nam đọc danh sách những liệt sĩ hi sinh trong cuộc chiến bảo vệ đảo Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao, ông Phan Văn Bé (ở Hòa Cường, Đà Nẵng) vừa chuẩn bị xuất viện bỗng ngã vật xuống, máu từ vết mổ sắp lành chợt bục ra, ông Bé vừa nghe tên con ông, Phan Văn Sự - chiến sĩ trung đoàn công binh E83 - có tên trong số những liệt sĩ vừa được cô phát thanh viên đọc trên đài. Và ông Bé đã trút hơi thở cuối cùng buổi chiều hôm đó. Hôm chúng tôi đến Hòa Cường thăm gia đình liệt sĩ Phan Văn Sự, bà Lê Thị Muộn - mẹ của liệt sĩ Phan Văn Sự - đang chuẩn bị làm đám giỗ, một cái giỗ chung cùng ngày cho chồng bà - ông Phan Văn Bé, và con trai Phan Văn Sự đã nằm lại dưới đáy biển Gạc Ma. Cũng đúng 25 năm sau sự kiện 64 liệt sĩ hải quân nhân dân Việt Nam hi sinh khi bảo vệ vùng biển đảo Trường Sa ấy, tại Đông Hà (Quảng Trị), ông Hoàng Sĩ - bố của liệt sĩ Hoàng Ánh Đông, liệt sĩ Gạc Ma năm nào - cũng trút hơi thở cuối cùng đúng vào dịp giỗ con trai mình. Một ông bố chết khi vừa nghe tin con hi sinh. Một người cha chết sau 25 năm mỏi mòn chờ đợi. Giữa 25 năm ấy là bao nhiêu nữa những ông bố, bà mẹ của 64 liệt sĩ Gạc Ma cũng ra đi trong chờ đợi mỏi mòn. Biết là con mình đã hi sinh, nhưng ai cũng khôn nguôi ngóng vọng, bởi ai cũng tin rằng di cốt của con cái mình có thể đang nằm dưới lòng biển lạnh kia, trong khoang con tàu HQ-604. Ba năm trước, đã có tám gia đình liệt sĩ hi sinh ở Gạc Ma may mắn nhận hài cốt của con trai được đưa về từ lòng biển nhờ kỹ thuật xác định ADN. Những ngôi “mộ gió” không xương cốt của các anh mà gia đình lập nên ở nghĩa trang đã được thay bằng chút di cốt nhỏ nhoi. Suốt những miền quê chúng tôi đi qua, từ Hải Phòng, Ninh Bình đến Quảng Bình, Quảng Trị hay Đà Nẵng, Tuy Hòa..., những bà mẹ liệt sĩ dù đã cạn nước mắt khóc con nhưng vẫn canh cánh bên lòng về chút hình hài con mình đang nằm dưới lòng biển lạnh, rằng bao giờ đưa được con về? Nếu ai đã chứng kiến hình ảnh mẹ Lê Thị Muộn mỗi khi bà mặc chiếc áo hải quân - di vật của con để lại sau ngày hi sinh - mới thấm thía nỗi đau của người mẹ. Đấy là chiếc áo mẹ Muộn nhận được do đồng đội của con mang về, mẹ tỉ mẩn ngồi khâu tay, sửa sang thành chiếc áo cho mình, mỗi dịp rằm, 30, mồng 1, ngày 27-7, ngày giỗ con... mẹ lại mặc chiếc áo ấy, để giữ chút hơi ấm của đứa con mẹ đứt ruột mang nặng đẻ đau rồi tiễn con đi bảo vệ Tổ quốc, như muôn ngàn, lớp lớp người mẹ Việt! Nhớ về 25 năm trước, xin hãy nhớ đến hài cốt những người lính đang nằm trong lòng biển và nỗi niềm khắc khoải ngóng trông của những người mẹ: bao giờ và làm thế nào đưa được chút xác thân con mình trong chiếc tàu HQ-604 kia trở về, kịp trước khi mẹ ra đi về thế giới khác. Nhớ về 25 năm trước, hãy nhớ đến những người lính Gạc Ma năm ấy giờ đang nhọc nhằn mưu sinh, chạy vạy ngược xuôi với gánh nặng cơm áo mỗi ngày như Dương Văn Dũng, Lê Hữu Thảo, Mai Xuân Hải, Lê Văn Đông... Nhớ về 25 năm trước, cũng chính là để yêu thương hơn mỗi tấc núi tấc sông, mỗi cánh rừng, góc bể thắm máu bao lớp người đã gìn giữ và bảo vệ để rồi trao lại cho chúng ta những ngày tháng bình yên hôm nay! Khi chúng ta bắt đầu với một ngày bình yên, xin đừng quên những ngày không bình yên, như buổi sáng 14-3-1988 trên vùng biển Trường Sa... |
Theo Lê Đức Dục - TTO