VỌNG RA BIỂN
Thêm học giả Trung Quốc yêu cầu bãi bỏ “đường lưỡi bò”
09:15 | 15/05/2013

 Nhiều học giả, nhà nghiên cứu có lương tri, thức thời ở Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ yêu sách ngang ngược, vô lý của chính phủ họ về cái gọi là “Đường 9 đoạn”.

Thêm học giả Trung Quốc yêu cầu bãi bỏ “đường lưỡi bò”
Lễ chào cờ trên đảo Trường Sa, quần đảo Trường Sa, Việt Nam.

 

Mới đây nhất, ngày 30/4, một học giả Trung Quốc lấy bút danh là Lý Oa Đằng đăng trên Sina, diễn đàn mạng lớn nhất Trung Quốc, bài viết “Cửu đoạn tuyến đích tồn phế” (Đường 9 đoạn, giữ lại hay xóa bỏ). Bài viết đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ của bạn đọc và được đăng lại trên nhiều trang mạng cá nhân, trong đó có học giả Trung Quốc nổi tiếng Lý Lệnh Hoa.

Khi đăng lại bài này, ông Lý Lệnh Hoa bày tỏ trong lời giới thiệu: “Bài viết của ông Lý Oa Đằng rất đáng coi trọng. “Đường 9 đoạn” do nước ta đơn phương chủ trương chồng lên diện tích rất lớn vùng biển đặc quyền kinh tế 200 hải lý mà các nước xung quanh Nam Hải (Biển Đông) chủ trương theo tinh thần Công ước biển Liên Hợp Quốc (LHQ) năm 1982, từ đó xuất hiện một loạt bất đồng và mâu thuẫn. Trong tình hình kinh tế toàn cầu đang không ngừng nhất thể hóa, nhà nước ta cần nghiêm túc xem xét kiến nghị của Lý tiên sinh, sớm bãi bỏ cái đường “lịch sử truyền thống” này để mở đường cho việc giải quyết tận gốc vấn đề Nam Hải (Biển Đông)”.

TPO xin giới thiệu với bạn đọc bài viết của học giả Lý Oa Đằng:

“Trong giới học thuật quốc tế, tiêu điểm của vấn đề Nam Hải (cách gọi của Trung Quốc, dưới đây vẫn để như tác giả dùng nhưng xin độc giả hiểu là Biển Đông - TP) không phải là vấn đề chủ quyền của các hòn đảo ở đây, mà là vấn đề “Đường 9 đoạn”. Đó chính là điều cần phải xử lý đầu tiên cho việc giải quyết hòa bình vấn đề Nam Hải. Xem xét việc bãi bỏ “Đường 9 đoạn” vừa có tính lý luận, vừa có tính hiện thực; xin phân tích như sau:

Thứ nhất, lập ra “Đường biên giới 9 đoạn" không có căn cứ gì

Các bên ở Nam Hải đều có căn cứ lý lẽ nhất định của họ về vấn đề quy thuộc các đảo, chỉ duy nhất “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc là không có bất cứ căn cứ gì.

Từ tiền thân của nó, bắt đầu với việc Bạch Mi Sơ năm 1936 tự vẽ ra đường đứt đoạn trong “Trung Quốc kiến thiết tân đồ” đã thiếu căn cứ. Ông ta viết những nơi đó “là nơi ngư dân chúng ta mưu sinh, đương nhiên chủ quyền thuộc về ta”.

Không hề có bất cứ chứng cứ nào cho thấy các vị văn nhân đó có được căn cứ gì, đã điều tra gì khi vẽ ra cái đường ấy. Có thể khẳng định rằng: đó là một cái đường được vẽ ra một cách hết sức chủ quan.

“Đường 9 đoạn” được chính thức vẽ vào bản đồ Trung Quốc là khi vẽ bản đồ Nam Hải lần thứ hai (lúc đó là Đường 11 đoạn). Từ bấy đến nay, “Đường 9 đoạn” cũng không có bất cứ định nghĩa nào, chẳng ai biết rốt cục nó là cái gì, chính phủ cũng chưa hề có sự giải thích chính thức. Có một giả thuyết: đó là kết quả của việc một quan chức phụ trách Vụ Nội chính hồi đó tên là Trịnh Tư Ước, tiện tay vẽ vào.

Thứ hai, “Đường 9 đoạn” không phải là đường lãnh hải của Trung Quốc và cũng thiếu tính pháp luật

Trung Quốc luôn nói về “Đường 9 đoạn”, nhưng Trung Quốc xưa nay chưa hề nói rõ “Đường 9 đoạn” rốt cục là cái gì. Điều nực cười là, “Đường 9 đoạn” đã vẽ trên bản đồ Trung Quốc hơn 60 năm mà các chuyên gia trong nước đến nay vẫn tranh cãi chưa ngưng nó là cái gì. Chính phủ cũng chưa bày tỏ thái độ, cũng chẳng có lấy một văn bản nào tuyên bố hoặc định nghĩa về “Đường 9 đoạn”.

Theo nghiên cứu thì thấy “Đường 9 đoạn” liên tục được sửa đổi trên bản đồ Trung Quốc. Ngoài 2 đoạn bị loại bỏ trong Vịnh Bắc Bộ do đã phân định ranh giới với Việt Nam (nên mới từ “Đường 11 đoạn” thời Dân quốc biến thành “Đường 9 đoạn” bây giờ), còn có rất nhiều những thay đổi nhỏ khác. Điều này cho thấy, “Đường 9 đoạn” căn bản không có địa vị pháp luật rõ ràng.

Xét về mặt pháp luật, “Đường 9 đoạn” không phải là đường lãnh hải của Trung Quốc. Do “Luật Lãnh hải và vùng phụ cận nước CHND Trung Hoa” ban hành năm 1992 quy định lãnh hải Trung Quốc là 12 hải lý tính từ đường cơ sở; “Tuyên bố về đường cơ sở lãnh hải nước CHND Trung Hoa” năm 1996 đã quy định đường cơ sở lãnh hải cho quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam - TP), vì vậy vùng biển phía bên ngoài 12 hải lý tính từ đường cơ sở lãnh hải đều không thuộc lãnh hải Trung Quốc, nhưng những vùng biển đó lại nằm bên trong “Đường 9 đoạn”.

Điều này chứng minh “Đường 9 đoạn” không phải là đường lãnh hải của Trung Quốc! Khá nhiều chuyên gia về luật biển của Trung Quốc cho rằng “Đường 9 đoạn” không phải là đường lãnh hải hay đường thể hiện lãnh thổ Trung Quốc mà chỉ dùng để chỉ các đảo phía trong là lãnh thổ Trung Quốc (theo quan điểm của Trung Quốc - TP) mà thôi. Như vậy thì việc xóa bỏ “Đường 9 đoạn” không có bất cứ trở ngại nào về pháp luật, chỉ cần loại bỏ nó hoặc sửa đổi lại bản đồ là xong.

Theo Thu Thủy - TPO

(giới thiệu và dịch)

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng