VỌNG RA BIỂN
Đại tướng với Trường Sa năm 1988
17:43 | 11/10/2013

Ngay sau khi giải phóng miền Bắc, Đảng mà đặc biệt là Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã sớm nhận thức được vị trí, vai trò quan trọng của biển đảo.

Các đòn tấn công xâm lược Việt Nam đều xuất phát từ hướng biển

Đại tướng hiểu rất rõ là trong lịch sử hầu hết các đòn tiến công xâm lược Việt Nam đều xuất phát từ hướng biển mà nhiều trận chiến chiến lược đều diễn ra ở các vùng cửa biển. Vấn đề xây dựng, phát triển hải quân đã được đặt ra từ thời kỳ đó.

Nhưng bối cảnh ở miền Bắc giai đoạn những năm 1955 - 1956  còn rất khó khăn, tàu thuyền còn rất ít, thậm chí, hải quân ta còn phải dùng thuyền buồm. Ta bước vào chiến tranh trong điều kiện như thế, sau có sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế nhưng cũng rất hạn chế.

Trong giai đoạn 1959 - 1963 chúng ta xây dựng hàng loạt công trình phòng thủ ven biển để đề phòng địch đánh vào các vị trí trọng yếu. Lúc đó ta đã lên các phương án giả định địch đánh ra miền Bắc qua đường biển sẽ đánh vào đâu thì ở đó đều có xây dựng hệ thống phòng thủ.

Đại tướng cũng là người sớm nghĩ đến việc chi viện cho chiến trường miền Nam bằng đường biển. Điều này có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh chi viện qua đường Trường Sơn lúc đó mới ở giai đoạn “đi không dấu, nấu không khói”.

Cuối năm 1959, qua Đông Trường Sơn, ta đã đưa vào tây Thừa Thiên khoảng 700 kg vũ khí. Sang giai đoạn 1960 -1963, mặc dù huy động lực lượng đông lên hàng nghìn người nhưng chỉ tiêu vận chuyển chỉ đạt 25% kế hoạch. Mang vác chỉ được vũ khí nhẹ, vũ khí nặng phải tháo rời, nhiều khi thất lạc. Tình trạng tuyến vận chuyển chiến lược trên bộ lúc đó là thế.

Khi nước bạn Lào đồng ý cho ta mở tuyến Tây Trường Sơn, vận chuyển cơ giới được đưa vào, lúc đó đường Trường Sơn mới thực sự trở thành động mạch chính chi viện cho miền Nam.

Có lẽ nhìn trước được điều đó, ngay từ 7.1959, Quân ủy T.Ư và Bộ Tổng tham mưu quyết định thành lập Tiểu đoàn Vận tải thủy 603, có nhiệm vụ vận chuyển vũ khí trên biển chi viện cho miền Nam. Để bảo đảm bí mật, Tiểu đoàn 603 ẩn dưới tên gọi “Tập đoàn đánh cá sông Gianh”.

Sau khi rút kinh nghiệm giai đoạn đầu hoạt động không thành công, tháng 4.1962, Đoàn 759 (đơn vị vận tải biển được thành lập 2.1961) quyết định tổ chức chuyến trinh sát, mở đường từ Bắc vào Nam do đồng chí Bông Văn Dĩa là Bí thư chi bộ phụ trách. Thành công của chuyến đi đã đưa đến việc Quân ủy T.Ư thông qua Nghị quyết mở đường vận chuyển chiến lược trên biển vào 8.1962.

Chỉ đạo tuyến vận tải này được giao cho đồng chí Trần Văn Trà, Trung tướng, Phó tổng tham mưu trưởng, nhưng có thể nói việc xây dựng, phát triển tuyến chi viện trên biển này được Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan tâm theo dõi hằng ngày.

Ngày 11.10.1962, tàu gỗ Phương Đông 1 xuất phát từ Đồ Sơn (Hải Phòng) và đến 20.10.1962 đã an toàn cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) mang theo 30 tấn vũ khí chi viện cho miền Nam. Đây được coi là một trong những chiến công đầu tiên trên “đường mòn Hồ Chí Minh trên biển”, con đường vận tải chiến lược của ta trên biển Đông.

Ngay khi nhận được tin, Bác Hồ đã ngay lập tức cho gửi điện biểu dương, động viên. Cần nhớ rằng 30 tấn vũ khí lúc đó lớn lắm, không có số vũ khí này sẽ không có những trận Bình Giã, Đồng Xoài (1964 - 1965).

Khi tin ra đến Hà Nội đúng vào lúc Quân ủy T.Ư đang họp. Lúc đó đồng chí Phan Hàm, Trưởng phòng Tác chiến, Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu, đi vào rỉ tai Đại tướng thông tin về việc tàu Phương Đông đã cập bến an toàn.

Đại tướng nghe xong xúc động lắm. Đang họp, tự nhiên ông ứa nước mắt. Lúc đó không ai hiểu vì sao lại như vậy. Lúc đó, ông đứng lên nghẹn ngào nói: “Tuyến mở đường trên biển đã thành công. Đề nghị Quân ủy tạm giải lao 15 phút để liên hoan mừng thắng lợi”. Gọi là liên hoan nhưng thực ra chỉ là nước trà, kẹo lạc thôi. Kể câu chuyện ấy để thấy sự quan tâm của Đại tướng với "đường Trường Sơn trên biển".

Đến 2.1965 tuyến vận chuyển bị lộ do vụ Vũng Rô buộc hải quân ta phải tìm các tuyến đường vòng qua Hoàng Sa, Trường Sa, sát các vùng lãnh hải Philippines, Brunei, Indonesia rồi vòng về Việt Nam.

Hiệu quả vận tải từ 1965 trở đi không cao do đối phương đã tăng cường cảnh giác nhưng nhờ những chuyến đi đó hải quân ta nắm rõ địa hình Trường Sa. Không có chủ trương ấy, sau này việc giải phóng quần đảo Trường Sa sẽ rất khó khăn.

Đầu năm 1975, các tàu hải quân Trung Quốc đã lởn vởn ở khu vực đó rồi, có lẽ chỉ chậm một ngày là Trung Quốc đã chiếm đảo. Cũng cần nói thêm rằng ngay sau giải phóng Đà Nẵng (29.3.1975), chính Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp là người đầu tiên đã giao nhiệm vụ chỉ đạo sát sao tổ chức lực lượng đánh chiếm giải phóng các đảo Trường Sa.

Chuyện chưa kể năm 1988

Điều mà có lẽ ít người biết được là sau khi xảy ra sự kiện 14.3.1988, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã có những ý kiến chỉ đạo chiến lược hết sức sáng suốt, quan trọng giúp cho việc giữ gìn và bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Trong sự kiện ấy, Trung Quốc đã nổ súng xâm lược chiếm đóng khu vực bãi đá Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa) khiến 64 cán bộ, chiến sĩ hải quân của Việt Nam hy sinh.

Lực lượng của ta lúc đó rất mỏng và chấp hành không nổ súng trước để không mắc mưu khiêu khích của đối phương.

Thời điểm đó mặc dù Đại tướng không còn giữ vị trí Tổng tư lệnh nhưng tình cảm của Đại tướng với toàn quân không gì đo đếm được.

Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương lúc đó một mặt báo cáo cơ quan cấp trên nhưng đồng thời, với sự tôn trọng cũng như tình cảm gắn bó đã điện xin ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng đã gợi ý một mặt nên tổ chức nghi binh hút lực lượng đối phương quanh khu vực đá Gạc Ma, một mặt huy động tất cả lực lượng ở các vùng Hải quân tức tốc ra chiếm giữ các đảo nổi, đảo chìm thuộc chủ quyền Việt Nam chưa có quân đồn trú.

Từ gợi ý ấy của Đại tướng, được sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy T.Ư, cùng với nỗ lực quyết tâm rất lớn của Tư lệnh Giáp Văn Cương cũng như Quân chủng Hải quân, ta đã một mặt nghi binh để đối phương cho rằng ta chuẩn bị đánh chiếm lại Gạc Ma, mặt khác thực hiện theo ý kiến của Đại tướng. Việc chúng ta bảo vệ thành công các đảo, đá sau sự kiện 14.3.1988 thực sự có thể coi là một kỳ công chiến lược của Hải quân Việt Nam.

Đại tá, TS Vũ Tang Bồng, cho biết sau này có điều kiện được tiếp xúc và làm việc với Đại tướng, ông đã nhận thấy Đại tướng hết sức quan tâm đến việc bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Đại tá, TS Vũ Tang Bồng nhớ lại, vào năm 1995 trong một dịp chuyện trò, Đại tướng đã nói: “Theo mình, Bộ Chính trị nên sớm có một nghị quyết chuyên đề về xây dựng Hải quân”. Những ý kiến của Đại tướng về vấn đề biển đảo sau này cũng đã đưa đến các cấp có thẩm quyền. Đến 2007, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khoá X) đã thông qua Nghị quyết số 09-NQ/TW “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”.

Theo Tr.Sơn - TNO

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng