Doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa khẳng định đã chế tạo thành công hệ thống không khí tuần hoàn độc lập AIP, công nghệ được cho là mang tính quyết định đến thành bại của việc chế tạo tàu ngầm.
"Có công nghệ hệ thống không khí tuần hoàn độc lập (AIP), đồng nghĩa với việc chế tạo tàu ngầm Trường Sa mini của tôi 100% thành công", ông Nguyễn Quốc Hòa, doanh nhân trong lĩnh vực cơ khí ở Thái Bình, 53 tuổi nói với VnExpresssau hai tháng chế tạo hệ thống này. Ông Hòa cho biết, ông và các đồng nghiệp đang chuẩn bị đưa công nghệ này vào chiếc tàu ngầm mini để chạy thử nghiệm.
"Việc tạo công nghệ cho tàu ngầm lặn xuống nổi lên, bơi ra biển và quay trở về là không khó, chỉ cần nghiên cứu, tìm hiểu thêm là có thể làm được", ông Hòa lạc quan cho biết.
Để hoàn thành công nghệ trên, trong hai tháng qua, ông Hòa cho biết đã "ngốn" rất nhiều tài liệu của nước ngoài về AIP. Cũng trong thời gian này, ông và đồng nghiệp phải liên tục "tăng ca" để hoàn thiện công nghệ tàu ngầm. "Có lẽ với nhiều người, công nghệ này tạo ra ở Việt Nam là điều không tưởng và có thể vì tôi 'điếc không sợ súng' nên làm được", ông Hòa nói.
Theo doanh nhân người Thái Bình này, nguyên lý công nghệ AIP do ông và đồng nghiệp tạo ra cũng giống các nước trên thế giới, nhưng vật liệu, hình thức và chu trình thì khác với mục đích là "ba nhất" là rẻ nhất, nhỏ nhất và dễ chế tạo nhất.
Ông Hòa cung cấp thêm, hệ thống do ông tạo ra có ba phần gồm Lọc CO2 và khí độc; Lọc hơi nước; Lọc bụi carbon. Trong đó khó khăn nhất với nhóm là thiết kế phần lọc CO2 vì phải tính toán phương án làm sao lọc hết loại khí này. "Lý thuyết thì có nhưng thực tế thì chưa, các ứng dụng trong phòng thí nghiệm thì không mang ra ngoài thực tế được", ông Hòa nói.
Thông tin từ doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa cho biết, tàu ngầm mini Trường Sa có chiều dài 9 mét, cao 3 mét, được trang bị 2 động cơ diezel 90 Hp, hoạt động bằng Hệ thống không khí độc lập tuần hoàn (AIP). Tốc độ thiết kế tối đa 40km/h; Bán kính hoạt động 800 km; Thời gian lặn 15 giờ; Độ sâu lặn tối đa 50 m. |
"Ngoài hệ thống AIP chạy thành công, điều đặc biệt hơn là trước đây tôi nghĩ con tàu chỉ lặn 15 tiếng, nhưng theo tính toán mới nó có thể chạy liên tục một ngày một đêm", ông Hòa cho hay.
Ông Hòa đang chuẩn bị đưa hệ thống AIP vào trong tàu ngầm, sau đó mang thử nghiệm trong hồ nước gần xưởng sản xuất, tiếp theo, ông sẽ đưa tàu ngầm ra biển. Nếu thành công, ông Hòa sẽ tiếp tục tạo ra tàu ngầm lớn hơn, hiện đại hơn.
"Chế tạo tàu ngầm tôi muốn nhắn nhủ thế hệ trẻ rằng, thế hệ trước làm được, thì các bạn thế hệ sau hãy làm đi. Tàu ngầm không phải thứ gì đó kinh khủng, nhiều thứ còn phức tạp hơn cả công nghệ AIP nhiều. Người Việt mình vẫn làm thứ mà nhiều người cho là không tưởng", người đàn ông tuổi trung niên này tỏ vẻ tự tin.
Tàu ngầm Hoàng Sa mini do ông Hòa và nhóm nghiên cứu tạo. Ảnh: Q.H. |
Thông tin doanh nhân Thái Bình sẽ chế tạo chiếc tàu ngầm để thử nghiệm tại Việt Nam, khiến nhiều người "sửng sốt". Bên cạnh ý kiến ủng hộ và hy vọng ông Hòa sẽ thành công, thì không ít ý kiến bày tỏ lo ngại, ngờ vực dự án tàu ngầm của ông, nhất là về vấn đề công nghệ.
Công nghệ AIP (Air Independent Propulsion - động cơ đẩy sử dụng không khí độc lập), được ông Narcís Monturiol i Estarriol, kỹ sư người Tây Ban Nha đề xuất. Năm 1867, ông chế tạo thành công động cơ đẩy không khí độc lập dựa trên một phản ứng hóa học. Hiện có nhiều khái niệm quanh công nghệ AIP nhưng có cùng một nguyên tắc là giúp động cơ hoạt động dưới nước mà không cần đến ống thông hơi. Động cơ sử dụng công nghệ này không phải nước nào cũng có thể chế tạo.
Lo ngại về tính khả thi khi chế tạo động cơ công nghệ AIP tại Việt Nam càng có cơ sở khi đầu tháng 9 ông Hòa tuyên bố dừng dự án chế tạo tàu ngầm. Thực chất, doanh nhân này muốn có thêm thời gian để tập trung hoàn thành công nghệ AIP.
Trao đổi với VnExpress về công nghệ AIP, một chuyên gia cho rằng, ông Hòa cần xem xét cẩn thận. Việc tạo ra công nghệ này đúng là khó khăn nhất, nhưng còn nhiều yếu tố khác quyết định đến thành bại của tàu ngầm như thiết kế vật liệu, kết cấu, hình dáng, khung tàu và các thông số khác. Bên cạnh đó, ông Hòa cần thực hiện thêm nhiều thử nghiệm để đảm bảo con tàu lặn ở quãng đường xa mà không xảy ra sự cố nào.
Theo Hương Thu - vnexpress