VỌNG RA BIỂN
Gạc Ma, 26 năm chờ đợi
08:49 | 14/03/2014

Chiều 13-3, tại Đà Nẵng, Liên đoàn Lao động VN tổ chức lễ phát động chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa - Trường Sa”. 26 năm, những người lính Trường Sa năm xưa lại gặp nhau trong nỗi nhớ thương đồng đội ngã xuống trong trận chiến năm 1988.

Gạc Ma, 26 năm chờ đợi
Thân nhân các liệt sĩ không cầm được nước mắt khi nhắc đến sự hi sinh của con em mình - Ảnh: Hữu Khá

26 năm. Những người lính trong trận chiến ở Gạc Ma năm xưa không ngờ rằng họ lại có cơ hội gặp nhau trong buổi lễ đầy ân nghĩa như thế này. Cả hội trường lặng giữa dòng nước mắt trong phút mặc niệm. Những người mẹ già nua, những người vợ khắc khổ của các liệt sĩ Gạc Ma nức nở nhớ thương những người đã khuất.

Tôn vinh những người bảo vệ Tổ quốc

Bước lên bục phát biểu, ông Đặng Ngọc Tùng - chủ tịch Liên đoàn Lao động VN - xúc động nghẹn ngào: “40 năm trước, ngày 19-1-1974, Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của VN. 74 sĩ quan, thủy thủ quân lực VN cộng hòa kiên cường chiến đấu bảo vệ đảo và hi sinh, vĩnh viễn nằm lại ở vùng biển Hoàng Sa. Máu của những người con đất Việt, dù trong các hoàn cảnh lịch sử khác nhau, đã đổ xuống để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc VN yêu dấu. Ghi nhận công ơn đó, chia sẻ nỗi đau của những người mẹ, người vợ, người con có người thân đã hi sinh bảo vệ Hoàng Sa (1974), Trường Sa (1988) là việc làm rất cần thiết của cả cộng đồng và xã hội.”

Từng lời nói đầy ân nghĩa và trách nhiệm của ông Tùng như thôi thúc mỗi người dân đất Việt phải có trách nhiệm hơn với Tổ quốc, với đồng đội, với nhân dân mình: “Chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa - Trường Sa” là để tri ân các chiến sĩ đã ngã xuống vì Hoàng Sa, Trường Sa, để lịch sử không quên, tôn vinh những người con đất Việt anh dũng hi sinh bảo vệ Tổ quốc và thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Tôi cũng kỳ vọng chương trình sẽ góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau”.

Theo ông Tùng, chương trình sẽ vận động các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước ủng hộ các nguồn lực để xây dựng đền tưởng niệm 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân VN anh dũng hi sinh trong trận Gạc Ma (tại tỉnh Khánh Hòa) và hỗ trợ cha, mẹ, vợ, con, thân nhân của những người lính hi sinh trong hai trận chiến Hoàng Sa (1974) và Trường Sa (1988) đang gặp khó khăn.

Thay chồng nuôi con

Suốt từ đầu buổi giao lưu, người phụ nữ khắc khổ Phạm Thị Ninh (huyện Diễn Châu, Nghệ An), vợ liệt sĩ Phan Huy Sơn, không giấu được nỗi đau mất chồng. 26 năm trôi qua nhưng nỗi đau vẫn hằn sâu trong tim chị. Suốt bao đêm chị ôm con nhìn di ảnh chồng, tay mân mê những kỷ vật anh để lại. Khi được mời lên sân khấu, chị ôm ngực kể từng lời: “Ngày anh Sơn hi sinh, tôi đang mang thai đứa con gái được ba tháng, trong lúc đứa con trai đầu mới chập chững bước đi”. Nói đến đây chị Ninh ôm mặt khóc nức nở: “Sau ngày biết tin anh hi sinh, cũng là lúc đứa con trai đầu của tôi đổ bệnh nặng. Giờ đây 30 tuổi rồi mà nó vẫn bệnh tật, khờ dại như đứa trẻ lên ba”.

Chị Ninh kể bao năm nay mấy mẹ con chị sống lam lũ, miếng ăn chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Khổ cực mấy chị cũng chịu được nhưng mỗi lần đi làm đồng về giữa trưa phải chạy khắp xóm tìm cậu con trai ngây dại khiến chị đau đớn vô cùng. Có lúc chị đứng khóc giữa trưa với con mà nghĩ đến bàn tay, bờ vai của chồng. Nỗi đau cứ chồng chất lên nhau, nhưng trong đôi mắt của người vợ, người mẹ này vẫn luôn ánh lên một niềm tin mãnh liệt: “Tôi đã vĩnh viễn mất anh, các con cũng không bao giờ được gặp bố nữa, chỉ mong sao máu thịt anh hòa vào nước biển trong xanh ngoài kia luôn có ý nghĩa”. Giờ đây, những cánh thư tay hoen ố theo thời gian vẫn luôn được chị cất giữ cẩn thận như một niềm tin để vượt qua những ngày gian khó. Dưới ánh đèn mờ trong ngôi nhà tình nghĩa, ba mẹ con chị Ninh vẫn lần giở từng kỷ vật, đọc kỹ những lời dặn dò, yêu thương của anh Sơn như chính hơi ấm của người chồng, người cha vẫn còn ở đâu đây.

Suốt cả buổi giao lưu, tên người thuyền trưởng tàu HQ-604 Vũ Phi Trừ luôn được nhắc đến. Ngày anh Trừ hi sinh, con trai anh là Vũ Xuân Khoa chỉ mới ba tháng tuổi. Giờ đây Khoa, con trai vị thuyền trưởng can trường năm xưa, đã là một chàng trai cao lớn. Tuổi thơ Khoa lớn lên với những ký ức về cha thông qua lời kể của mẹ. “Trước chuyến đi định mệnh ra Gạc Ma, bố Trừ có về quê thăm mẹ con em. Khi chia tay, bố hứa sau chuyến công tác này sẽ về đưa mẹ con em vào Cam Ranh định cư cùng bố. Thế nhưng, không ngờ đó là chuyến đi mãi mãi của bố. Bây giờ, nghe các chú kể về trận chiến, em như chứng kiến được hình ảnh cuối cùng của bố ngã xuống trước mắt mình” - Khoa nghẹn ngào. Và để khỏa lấp phần nào nỗi nhớ cha từ hàng chục năm nay, vừa qua Khoa cùng các chiến sĩ hải quân về với Trường Sa, nơi cha cùng đồng đội của mình đã nằm xuống.

Bốn con ra trận, chỉ một người trở về

Lặng lẽ, trầm ngâm ngồi ở một góc khuất, ông Trần Văn Thu (anh trai liệt sĩ Trần Văn Bảy, hi sinh trong trận chiến Gạc Ma) luôn dõi mắt hướng về mẹ các liệt sĩ. Ông Thu đau đớn nói ba mẹ ông bốn lần tiễn bốn con trai vào chiến trường thì chỉ có mình ông trở về. Ông Thu nói như cầu nguyện: “Gia đình vẫn mong một ngày được tìm thấy các em, dù chỉ là một phần hình hài còn sót lại. Mỏi mòn chờ đợi con, bốn năm trước cha mẹ tôi đã ra đi. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, mẹ tôi kêu tôi lại bên giường bệnh dặn rằng: “Con phải thay ba mẹ cố tìm hài cốt của các em về. Có tìm được hài cốt của em, nơi chín suối mẹ mới yên lòng”. Mấy năm nay tôi vẫn dò hỏi khắp nơi với hi vọng thực hiện được tâm nguyện của mẹ nhưng vẫn chưa có tin tức gì”.

Theo HỮU KHÁ - PHAN CHUNG - TTO

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng