VỌNG RA BIỂN
Trường Sa, Hoàng Sa kết nối một lòng
09:27 | 28/04/2014

Đó là chia sẻ của những kiều bào được tận mắt chứng kiến sự thay đổi, vững vàng của biển đảo đất nước, vừa trở về sau chuyến đi thăm Trường Sa và nhà giàn DK1 do Ủy ban Nhà nước về người VN ở nước ngoài và Quân chủng hải quân tổ chức từ ngày 18 đến 27-4.

Trường Sa, Hoàng Sa kết nối một lòng
Đó là chia sẻ của những kiều bào được tận mắt chứng kiến sự thay đổi, vững vàng của biển đảo đất nước, vừa trở về sau chuyến đi thăm Trường Sa và nhà giàn DK1 do Ủy ban Nhà nước về người VN ở nước ngoài và Quân chủng hải quân tổ chức từ ngày 18 đến 27-4.

Sau chuyến đi, nhiều người nói rằng có thể còn có điều gì đó chưa hiểu nhau giữa một bộ phận kiều bào và chính quyền trong nước, nhưng riêng vấn đề chủ quyền của Trường Sa, Hoàng Sa thì trong nước, ngoài nước đều một lòng, không có sự dị biệt nào trong vấn đề này. Đó là một cơ hội, một chất xúc tác để người Việt trong và ngoài nước xích lại gần nhau hơn.

* Ông Nguyễn Phương Hùng (tổng biên tập kênh thông tin KBCHN, Hoa Kỳ):

Tôi trở về vì được mời gọi chân thành

Năm 2011 trong lần đầu tiên về nước, khi tiếp viên hàng không thông báo máy bay đang vào không phận VN, tôi đã khóc ngay trên máy bay. Đó là lần đầu tiên sau 57 năm tôi được về lại Phủ Lạng Thương (Bắc Giang), nơi chôn nhau cắt rốn; lần đầu tiên sau 36 năm trở lại Sài Gòn, nơi tôi bỏ đất nước ra đi. Sau chuyến trở về ấy, tôi nói với cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ rằng mình rất hối hận, vì lẽ ra phải trở về sớm hơn khi chứng kiến sự thay đổi, vững vàng của đất nước và cách mời gọi, đối đãi chân thành của chính quyền.

Không chỉ nhận được lời mời gọi chân thành từ Lãnh sự quán VN ở San Francisco, khi về VN tôi được tiếp đón rất ân cần và tạo điều kiện để tôi tác nghiệp với tư cách là một nhà báo hải ngoại. Bộ Ngoại giao khi đó đã sắp xếp cho tôi cùng với hai nhà báo hải ngoại khác là Etcetera Nguyễn (báo Việt Weekly) và Vũ Hoàng Lân (Bolsa TV) thực hiện hành trình Mai - Đào, đi xuyên đất nước để chứng kiến sự đổi thay. Và sau đó là chuyến ra thăm Trường Sa cùng kiều bào lần đầu tiên năm 2012.

Ở hải ngoại, một số phần tử cực đoan luôn nói xấu Nhà nước VN là không giữ được Trường Sa nữa. Nhưng những gì tôi được thấy ở Trường Sa hoàn toàn khác, 21 đảo chìm và đảo nổi được xây dựng vững chắc, quân và dân sống yên bình, thịnh vượng. Đây là một sự khẳng định rõ ràng rằng Nhà nước VN hiện nay đã làm hết sức mình để giữ vững chủ quyền Trường Sa.

Tôi trở về Hoa Kỳ và cho phát trên KBCHN nhiều phóng sự về Trường Sa, về sự phát triển của đất nước. Ban đầu cũng gặp không ít sự thù nghịch của những người chưa hiểu hết tình hình đất nước. Cuộc sống gia đình tôi cũng bị ảnh hưởng nhưng điều đó không làm tôi thay đổi suy nghĩ về đất nước. Ba năm sau lần trở về đầu tiên, đến nay tôi đã về nước tám lần, hai lần ra Trường Sa.

* Ông Lê Thanh Hải (nghiên cứu viên Viện hàn lâm Khoa học Ba Lan):

Chúng ta phải có mặt nhiều hơn ở các hội thảo quốc tế

Tôi mong muốn cơ quan phụ trách về người VN ở nước ngoài sẽ là cơ quan cấp bộ. Một cơ quan ở tầm như vậy mới đưa ra những quyết sách phù hợp và có sức nặng để đón nhận nguồn lực của một cộng đồng đông hơn dân số thủ đô Hà Nội và có đóng góp vào GDP của đất nước số tiền nhiều hơn cả dòng vốn FDI.

Riêng tôi, một người đang nghiên cứu về vấn đề chủ quyền của Hoàng Sa, Trường Sa còn mong muốn VN phải có chiến lược rõ ràng trong nghiên cứu về chủ quyền với biển Đông. Chúng ta hiện diện quá ít tại các hội thảo quốc tế về biển Đông và để các học giả Trung Quốc “lộng giả thành chân” trong việc khẳng định chủ quyền ở biển Đông. Cho dù có hàng ngàn luận văn, công trình nghiên cứu, hàng ngàn thạc sĩ, tiến sĩ nghiên cứu về chủ quyền biển Đông, về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa nhưng nếu không kịp thời có mặt ở những “điểm nóng” học thuật để đưa ra ý kiến của mình thì sự thừa nhận, thấu hiểu của thế giới về chủ quyền của VN trên biển Đông sẽ bị hạn chế.

* Nhà văn Nguyễn Tiến Lộc (chủ nhiệm tạp chí Người Việt Hải Ngoại, Vancouver, Canada):

Người Việt trong và ngoài nước xích lại gần hơn

Có thể còn có điều chưa hiểu nhau giữa một bộ phận kiều bào và chính quyền trong nước, nhưng riêng vấn đề chủ quyền của Trường Sa, Hoàng Sa thì trong nước, ngoài nước đều một lòng, không có sự dị biệt nào trong vấn đề này. Đó là một cơ hội, một chất xúc tác để người Việt trong và ngoài nước xích lại gần nhau hơn. Tất cả kiều bào về đây đều nhận thấy sự mời gọi chân thành, sự đối đãi bình đẳng. Trong chuyến đi này, từ ông thứ trưởng Bộ Ngoại giao, các sĩ quan hải quân đến những kiều bào dù là ở Đông Âu hay Bắc Mỹ, Đông Bắc Á, dù là mới sang định cư hay những người bỏ đất nước ra đi từ năm 1975 đều chan hòa, thân ái với nhau...

Điều tôi mong muốn nữa là Nhà nước nên chú ý tới những thế hệ Việt kiều trẻ tuổi, thế hệ thứ hai, thứ ba của những người ra đi sau năm 1975. Những thế hệ này dù có nhiều em không nói sõi tiếng Việt, chưa trở về VN nhưng tấm lòng với quê hương vẫn rất tha thiết. Các em có lợi thế nữa là không mang nặng định kiến, có học thức và năng động. Tôi mong trong những chuyến đi Trường Sa lần sau, trong các hoạt động của đất nước dành cho kiều bào sắp tới sẽ có nhiều hơn sự góp mặt của những thế hệ kiều bào này.

* Ông Vũ Xuân Dương (Việt kiều Nhật Bản):

Ấn tượng với sự chăm lo cho Trường Sa

Tôi thật sự vui vì thấy Trường Sa được Nhà nước chăm lo xây dựng vững chắc, từ đảo nổi đến đảo chìm, từ đời sống của chiến sĩ đến người dân. Trong điều kiện đất nước còn khó khăn, sự chăm lo đó thể hiện quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và làm cho kiều bào cảm thấy yên tâm, tin tưởng. Điều vui hơn nữa là trong sự chăm lo ấy với Trường Sa có sự hiện diện của nhiều tổ chức, cá nhân. Trong đó, tôi đặc biệt ấn tượng với công trình nhà ở cho chiến sĩ ở đảo Đá Tây A và Đá Tây C do bạn đọc báo Tuổi Trẻ đóng góp trong chương trình “Góp đá xây Trường Sa”. Đây là hai công trình rộng rãi, hiện đại nhất trong các đảo chìm tôi có dịp ghé thăm. Tôi cũng từng góp sức ủng hộ chương trình “Góp đá xây Trường Sa” khi ở Nhật Bản và những công trình này đã làm chúng tôi cảm thấy việc làm của mình ý nghĩa hơn.

Cơ sở vật chất ở Trường Sa hiện đã tương đối ổn, Nhà nước nên nghiên cứu để có những công trình hữu ích cho Trường Sa với hàm lượng chất xám cao hơn, giá trị sử dụng vững bền hơn. Khi có những yêu cầu, kế hoạch cụ thể thì chắc chắn kiều bào chúng tôi sẽ có cơ hội đóng góp chất xám và vật lực nhiều hơn cho Trường Sa.

Theo VIỄN SỰ - TTO

Thấm thía hơn hai chữ “đồng bào”

Sau ba lần tổ chức cho kiều bào ra thăm Trường Sa, bây giờ trước mỗi chuyến đi chúng tôi cũng có tâm trạng chờ đợi, háo hức không khác kiều bào. Chờ đợi, háo hức không chỉ vì được đến Trường Sa, mà ở đây chúng tôi được thấy nụ cười, nước mắt, những tình cảm dạt dào, xúc động mà kiều bào dành cho biển đảo, cho Tổ quốc. Có đi Trường Sa cùng kiều bào mới thấm thía hơn hai chữ “đồng bào”, mới thấy hết giá trị của việc chìa bàn tay ra cho nhau của những người cùng chung một dòng máu, một Tổ quốc.

Tình cảm ấy của kiều bào làm chúng tôi thấy trách nhiệm hơn, phải tổ chức cho kiều bào nhiều chuyến đi Trường Sa, nhiều chuyến đi đến những vùng đất thiêng của đất nước hơn nữa. Chắc chắn việc tổ chức cho kiều bào ra thăm Trường Sa sẽ được Ủy ban Nhà nước về người VN ở nước ngoài tiếp tục tổ chức trong các năm tới.

Ông NGUYỄN THANH SƠN
(thứ trưởng Bộ Ngoại giao, chủ nhiệm ủy ban 
Nhà nước về người VN ở nước ngoài)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng