Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước lớn, cần có hành động dứt khoát yêu cầu Trung Quốc từ bỏ yêu sách về "đường lưỡi bò".
Trước tình hình căng thẳng ở Biển Đông do hành động của Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế thuộc chủ quyền của Việt Nam, phóng viên VOV đã có cuộc phỏng vấn với Tướng Daniel Schaeffer - nguyên Tùy viên quân sự Đại sứ quán Pháp tại Trung quốc, Việt Nam và Thái Lan, nay là chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu châu Á 21 của Pháp.
Pv: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về hành động vừa qua của Trung Quốc trong việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế thuộc chủ quyền của Việt Nam?
Ông Daniel Schaeffer: Tôi cho rằng, đây là một bước đi nữa của nhà cầm quyền Trung Quốc trong chiến lược nhằm cụ thể hóa việc khẳng định tham vọng ở Biển Đông với việc thực hiện yêu sách về "đường lưỡi bò 9 đoạn". Đây là một phần trong chiến lược mà Trung Quốc đã đẩy mạnh thực hiện suốt từ năm 2006 đến nay, để bằng sức mạnh buộc các nước trên thế giới phải công nhận về sự tồn tại của "đường lưỡi bò", rằng vùng biển ở trong "đường lưỡi bò" là vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc và Trung Quốc có các quyền trong vùng biển này.
Hành động này của Trung Quốc cộng thêm vào các hành động bá quyền trước đây mà chúng ta có thể điểm ra như việc nước này "tự khoanh" một vùng rộng lớn bao phủ gần hết Biển Đông để cấm tàu cá nước ngoài, ngoài tàu của Trung Quốc, đánh bắt hải sản nếu không được Trung Quốc cho phép.
Thêm vào đó là những sức ép mà Bắc Kinh đã áp dụng nhằm buộc các công ty dầu khí nước ngoài phải hủy các hợp đồng hợp tác khai thác dầu khí đã ký với Việt Nam và Philippines. Trong khi đó, Tổng công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) lại tung ra các gói thầu nhằm hợp tác với các công ty nước ngoài để thăm dò và khai thác dầu khí tại 9 lô thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Ngoài ra, phía Trung Quốc cũng thực hiện nhiều hành động gây căng thẳng ở phía Nam Biển Đông, tại khu vực bãi ngầm James Shoal, bãi cạn Luconia... Đối với Philippines, Trung Quốc cũng tiến hành nhiều hoạt động chống nước này tại khu vực bãi Hoàng Nham ...
Các hành động này của Trung Quốc nhằm áp đặt toàn bộ khu vực thuộc các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và dải Macclesfield thuộc quyền quản lý của cơ quan hành chính Tam Sa của Trung Quốc. Như vậy, chúng ta có thể thấy đây là một hành động tiếp tục gây căng thẳng của Trung Quốc trong việc khẳng định yêu sách về "đường lưỡi bò" ở Biển Đông.
Pv: Hành động này của Trung Quốc đã và đang vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế?
Ông Daniel Schaeffer: Hiển nhiên là dù với lý lẽ gì đi nữa, thì việc Trung Quốc đưa ra yêu sách "đường lưỡi bò" là hành động vi phạm luật quốc tế, và hành động này không hề hợp pháp bất chấp việc Trung Quốc cho rằng "đường lưỡi bò" đã tồn tại trước Công ước Montego Bay về luật biển năm 1982.
Ngược về quá khứ, đường “lưỡi bò” được phía Trung Quốc đưa ra từ năm 1947, nhưng ở thời điểm đó, đây chỉ là một đường vẽ mà không đi kèm với bất kỳ yêu sách hay đòi hỏi chính thức nào từ phía Trung Quốc. Phải đến tận ngày 9/5/2009, Trung Quốc mới đưa ra yêu sách chủ quyền đầu tiên với việc nước này đệ trình một biên bản (note-verbal) lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc để phản đối việc Việt Nam và Malaysia phối hợp trình Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa (Commission on the Limits of the Continental Shelf – CLCS) của Liên Hợp Quốc về việc phân chia khu vực thềm lục địa kéo dài liên quan đến hai nước.
Lúc đó, phía Trung Quốc cho rằng sự việc này là "đáng lo ngại" đối với quyền của họ. Chỉ cho tới lúc đó, phía Trung Quốc mới chính thức đưa ra đòi hỏi chủ quyền và cho rằng khu vực biển Đông nằm trong "đường lưỡi bò" là thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Như vậy, tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc có sau Công ước về luật biển Montego Bay 1982. Do đó, mọi hành động nhằm khẳng định chủ quyền về "đường lưỡi bò" của Trung Quốc đều là bất hợp pháp và phi lý.
Pv: Với hành động đưa giàn khoan khổng lồ HD 981 vào Biển Đông, theo ông, đâu là mục đích thực sự của Trung Quốc?
Ông Daniel Schaeffer: Như tôi đã nói ở trên, mục đích dễ nhận thấy của Trung Quốc là bằng sức mạnh, hoặc bằng việc lẳng lặng hành động, buộc các nước trên thế giới phải công nhận rằng 80% Biển Đông nằm trong "đường lưỡi bò 9 đoạn" là lãnh hải của Trung Quốc. Đó là mục đích đầu tiên của Trung Quốc.
Tại sao phía Trung Quốc lại có mục đích như vậy? Đó là Trung Quốc muốn độc chiếm nguồn tài nguyên dầu lửa, khí đốt hải sản... Nguồn lợi này là rất lớn, nhưng nó chỉ là bề nổi để che giấu một thực tế là Trung Quốc muốn tạo một lối đi an toàn cho tất cả các tàu ngầm của mình ra vào căn cứ hải quân ở trên đảo Hải Nam, qua các khu vực nước sâu ở Biển Đông hoặc đi qua eo biển giữa Philippines và Đài Loan; và đặc biệt là để triển khai các tàu ngầm nguyên tử, tàu ngầm tấn công hạt nhân (SSBN) có khả năng tiếp cận đến các mục tiêu dọc bờ biển của Mỹ. Đây không phải là để tấn công nước Mỹ mà ít nhất là để thông báo Trung Quốc đang là mối đe dọa sát sườn của Mỹ.
Vấn đề của Trung Quốc là ở chỗ, các tàu ngầm của nước này không có đủ khả năng bảo mật hành trình và dễ dàng bị phát hiện bởi các thiết bị phát hiện thông thường trong vùng biển này. Trung Quốc không muốn các tàu ngầm của mình bị phát hiện và các nghiên cứu của Trung Quốc đều cho rằng cần biến Biển Đông thành lãnh địa cho tàu ngầm của nước này hoạt động mà không gặp trở ngại và bị các tàu ngầm nước ngoài, đặc biệt là của Mỹ phát hiện, giống như cách Liên Xô sử dụng eo biển Bering trước đât trong thời kỳ chiến tranh Lạnh.
Do vậy, những hành động gây căng thẳng của Trung Quốc về dầu khí hay về đánh bắt cá trong khu vực chỉ là nhằm che giấu những lợi ích chiến lược trong việc triển khai bí mật các tàu ngầm của mình tại căn cứ Tam Á ở phía Nam đảo Hải Nam.
Pv: Trước những hành động phi lý của Trung Quốc, đặc biệt là hành động đưa giàn khoan vào Biển Đông, cộng đồng quốc tế đã có những phản ứng như thế nào và liệu những phản ứng đó có đủ để ngăn chặn hành động của Trung Quốc, thưa ông?
Ông Daniel Schaeffer: Tôi biết rằng nước Mỹ đã có những phản ứng ngay lập tức phản đối hành động hiếu chiến và thái độ ngạo mạn, coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu, Australia, Canada, Nhật, Nga... cần có hành động dứt khoát, kêu gọi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc yêu cầu Trung Quốc trả lời về những cam kết của họ đối với Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển, từ bỏ những yêu sách về chủ quyền đối với "đường lưỡi bò". Chỉ khi Trung Quốc từ bỏ yêu sách về "đường lưỡi bò", lúc đó chúng ta mới có thể đàm phán về các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông./.
**Xin cảm ơn ông!
Theo Đào Dũng/VOV- Paris