VỌNG RA BIỂN
“Cái yếu nhất của Trung Quốc là không có đạo lý và pháp lý”
15:07 | 14/05/2014

“Trung Quốc mạnh thật nhưng họ có rất nhiều điểm yếu. Cái yếu nhất của họ là không có đạo lý và pháp lý.. nên chúng ta không có gì phải lo lắng”, Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương nói.

 “Cái yếu nhất của Trung Quốc là không có đạo lý và pháp lý”


Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an, đưa ra bình luận trên tại cuộc họp chia sẻ thông tin về Biển Đông với các tổ chức phi chính phủ do Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam tổ chức sáng 13/5 tại Hà Nội.

Bình luận về sự việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép và điều tàu vào vùng biển Việt Nam một cách bất hợp pháp, Thiếu tướng Lê Văn Cương nói: “Đây là nhà của chúng tôi, chúng tôi có quyền ngăn cấm các hành vi vi phạm, chứ không phải là tranh chấp. Trong thời gian gần đây, ít nhất từ năm 2010 đến nay, năm nào Trung Quốc cũng gây hấn với Việt Nam, không để nhân dân Việt Nam được sống yên ổn, trong khi đó, không một ngư dân nào của Việt Nam đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc”.

Trung Quốc cắt cáp của tàu Việt Nam, xua đuổi ngư dân đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thậm chí thành lập thành phố Tam Sa bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Vụ hạ đặt giàn khoan lần này là một sự xâm lăng pháp lý cực kỳ nghiêm trọng của Trung Quốc.

Ông cũng nhấn mạnh Trung Quốc đã chọn thời điểm hạ đặt giàn khoan đúng sau chuyến đi của Tổng thống Mỹ tới 4 nước châu Á gần đây. Trong chuyến công du này, Mỹ tuyên bố rằng Mỹ sẽ bảo vệ toàn bộ vùng lãnh thổ của Nhật Bản, cả quần đảo Sensaku và đây là lần đầu tiên Mỹ tuyên bố thẳng thắn như vậy. Chính điều này làm Trung Quốc nhụt chí không dám gây sự với Nhật Bản và họ quay sang Việt Nam. “Ban đầu Trung Quốc định “giết khỉ dọa gà” nhưng không thành công nên chuyển sang “giết gà dọa khỉ”, chuyển từ Hoa Đông xuống Biển Đông.

Trung Quốc lừa dối dư luận, chà đạp luật pháp quốc tế

Thiếu tướng Lê Văn Cương đưa ra nhận xét xung quanh vụ hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981: “Trong một thời gian ngắn, xét về mặt hành vi học, Trung Quốc có 3 loại hành vi: vi phạm luật pháp quốc tế, sử dụng bạo lực và lừa dối dư luận quốc tế. Bản chất lừa dối đã thâm căn cố đế trong Trung Quốc 5.000 năm nay rồi”.

Ông đề cập đến Chiến tranh biên giới nổ ra ngày 17/2/1979 như một minh chứng cho sự lừa dối dư luận của Trung Quốc. Quân Trung Quốc tràn lên 6 tỉnh biên giới của Việt Nam giữa ban ngày, rõ ràng là như vậy, nhưng tất cả báo chí của Trung Quốc đều nói rằng chính quân đội Việt Nam tấn công Trung Quốc và Trung Quốc buộc phải tự vệ. Lần này, Trung Quốc ngang ngược tấn công tàu của Việt Nam nhưng một mực phủ nhận, đổ lỗi cho Việt Nam đâm tàu của họ “171 lần”.

Trong bài phát biểu của mình tại cuộc họp, Luật sư Lê Thanh Sơn - Văn phòng luật sư AIC - khẳng định: “Trung Quốc đã đưa ra những lập luận xảo ngôn, đánh tráo khái niệm mà chúng tôi gọi là lừa dối công luận. Trung Quốc đã sử dụng đánh tráo khái niệm đối với sự việc trước đó với Philippines. Trong điều 121 của Công ước Luật biển 1982 quy định rằng các đảo không đủ điều kiện cho con người sinh sống thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, nhưng Trung Quốc cố tình hiểu sai và vận dụng sai. Ngay như đảo Tri Tôn cũng không có người sinh sống”.

“Họ đánh tráo các khái niệm từ chỗ biến không có thành có, bên cạnh đó, họ liên kết các bãi đá ngầm, các đảo không có người sinh sống thành một cái được gọi là quốc đảo, nhưng điều này không chấp nhận được vì đã là đảo thì phải có người sinh sống. Trung Quốc hoàn toàn thiếu cơ sở pháp lý nên Trung Quốc không tham gia vụ kiện của Philipines được. Họ vận dụng Điều 298 của Công ước Luật biển 1982 để phủ quyết”, ông Sơn cho hay.

Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, những lần trước Việt Nam phản ứng chưa tương xứng với hành động gây hấn của Trung Quốc nhưng lần này thì khác, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố nói rõ hành động sai trái Trung Quốc và thái độ kiên quyết của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24 vừa qua.

“Tôi đã dành 32 năm nghiên cứu Trung Quốc nhưng chưa bao giờ phía Việt Nam, Chính phủ và người dân phản ứng rõ ràng, mạch lạc như bây giờ. Chưa bao giờ Việt Nam lại tạo điều kiện cho cộng đồng quốc tế lên tiếng nhanh và kịp thời trước hành động ngang ngược của Trung Quốc như thế”, ông nhấn mạnh.

Cuối năm 2013, sau khi Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên vùng biển Nhật Bản nhưng quốc tế cũng không phản ứng mạnh bằng lần này. Việt Nam đã biết kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại trong sự việc đấu tranh chống hành vi sai phạm của Trung Quốc.

Người dân Trung Quốc đang bị lừa dối

Trao đổi riêng với PV Dân trí, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng: Thứ nhất là Trung Quốc đã bất chấp, chà đạp lên luật pháp quốc tế. Thứ 2 là phản ánh đầy đủ lãnh đạo Trung Quốc bao giờ cũng “nói một đằng làm một nẻo”. “Trong khi Việt Nam không có tàu quân đội thì Trung Quốc lại đưa tàu tên lửa tấn công nhanh, tàu săn ngầm... cùng máy bay yểm trợ. Đây là hành động sử dùng vũ lực đe dọa, cưỡng bức mà Hiến chương Liên Hợp quốc cấm, công ước luật biển cấm” - Thiếu tướng Lê Văn Cương khẳng định.

PV: Thưa Thiếu tướng, đã có rất nhiều cách thức đấu tranh được Việt Nam, thế giới, các nước ASEAN đưa ra nhằm ngăn chặn, chấm dứt mọi hoạt động của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Tuy nhiên Trung Quốc vẫn rất hung hăng và ngày càng có những hành động nghiêm trọng hơn. Khi đó cộng đồng quốc tế cần có những phản ứng tiếp theo như thế nào?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trước hết phải nói quan điểm của 10 nước ASEAN về việc giải quyết tranh chấp trên biển Đông là bằng con đường thương lượng hòa bình và không dùng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế. Cam kết không làm mất ổn định, đảo lộn tình hình trong khu vực. ASEAN thống nhất kêu gọi tất cả các nước liên quan và các cường quốc trên thế giới phải có trách nhiệm tham gia vào việc giải quyết hòa bình ổn định tình hình trên biển Đông.

Còn về phương pháp đấu tranh của Việt Nam trước đây và hiện tại vẫn là trao đổi song phương với Trung Quốc bằng các biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế. Vì sao chúng ta từ trước đến nay đấu tranh với Trung Quốc xâm lược vẫn kiên trì phương thức đấu tranh này? Bởi nó phù hợp với xu thế ổn định hòa bình, phát triển của thế giới; phù hợp với lợi ích của nhân dân 2 nước, với nguyện vọng của 10 nước ASEAN và với sự bang giao hòa hiếu giữa Việt Nam - Trung Quốc. Bởi nó xuất phát từ tình cảm của nhân dân 2 dân tộc có mối quan hệ bền chặt trải qua nhiều cuộc chiến tranh. Chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng, hơn 1 tỉ người dân Trung Quốc họ cũng tốt như người dân Việt Nam. Nhưng trong vấn đề tranh cướp chủ quyền biển Đông của ta, người dân Trung Quốc đang bị những nhà lãnh đạo của nước họ “đánh lừa”. Vì vậy thế giới và Việt Nam cần tuyên truyền làm sao để người dân Trung Quốc hiểu rõ bản chất vấn đề này.

Thưa Thiếu tướng, Việt Nam và các nước trên thế giới đang lên án rất mạnh mẽ, phản đối Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm chủ quyền Việt Nam và có các hành động đe dọa dùng vũ lực... Tiếp theo cộng đồng quốc tế có thể dùng biện pháp mạnh hơn như áp dụng các lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc, như một số nước vẫn làm?

Trước hết phải dùng cái biện pháp lên án. Trong 3 thập kỷ gần đây, năm nào cũng vậy, Trung Quốc đều gây hấn với Việt Nam. Nhưng chưa bao giờ thế giới lại phản ứng dữ dội, quyết liệt và nhanh như vậy. Bây giờ mình tiếp tục phản đối. Những nhà lãnh đạo Trung Quốc họ sợ nhất là việc bị cô lập. Sợ nhất là 8 tỉ người trên hành tinh này nhận thức họ là kẻ hung hăng, hiếu chiến, độc ác.

Chính vì thế phương tiện truyền thông, truyền hình là vũ khí đấu tranh vô cùng quan trọng, làm cho cộng đồng quốc tế thấy được bản chất hung hăng và hiếu chiến của Trung Quốc. Cần phải làm cho 1,3 tỉ người Trung Quốc và 8 tỉ người trên hành tinh này biết rằng hành động của Trung Quốc đối với Việt Nam là sai. Các phương tiện truyền thông của Việt Nam và thế giới phải bằng mọi cách tác động, “đánh thức” 1,3 tỉ người Trung Quốc, giúp họ hiểu điều này.


Nguồn Dân trí

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng