VỌNG RA BIỂN
Khơi dòng yêu nước, nối vòng tay kết đoàn
09:36 | 23/05/2014

Sự kiện giàn khoan dầu khí Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) do Trung Quốc hạ đặt trái phép tại vùng biển Việt Nam đã khiến cho dòng chảy yêu nước và tinh thần đoàn kết hướng về biển đảo, hướng về Tổ quốc của cộng đồng người Việt ở nước ngoài trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Khơi dòng yêu nước, nối vòng tay kết đoàn
Người Việt tại Slovakia biểu tình ôn hòa phản đối Trung Quốc trái phép hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam

Có lẽ chưa bao giờ, tin tức về hoạt động hướng về Tổ quốc của bà con người Việt ở khắp nơi trên thế giới lại dồn dập, liên tiếp như trong suốt hai tuần qua...

Thượng tôn luật pháp sở tại

Người Việt Nam ở nước ngoài đã chọn nhiều cách để bày tỏ tiếng nói của mình phù hợp với luật pháp sở tại, tới bà con kiều bào trên địa bàn và quan trọng nhất là tới những đối tượng mà bà con muốn truyền tải thông điệp như các cơ quan đại diện ngoại giao Trung Quốc tại các nước, người dân sở tại và bạn bè quốc tế. Đây là việc làm thiết thực để giúp người dân thế giới hiểu sâu sắc hơn, đúng hơn về sự vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc và một lần nữa chứng kiến truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết lớn lao, bền chặt của người Việt Nam mỗi khi chủ quyền đất nước bị xâm phạm.
Ngay sau khi chính quyền Trung Quốc trái phép hạ đặt giàn khoan dầu khí Hải Dương-981 trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và vấp phải những phản đối quyết liệt của Việt Nam và các nước, các hội, đoàn người Việt ở nước ngoài đã nhóm họp để thống nhất phương án thể hiện tiếng nói của mình. Thông thường, công tác chuẩn bị cho sự kiện, từ khâu xin phép chính quyền sở tại, thông báo tới cộng đồng và tới lúc tổ chức biểu tình-tuần hành mất khoảng một tuần.

Anh Kálmán Minh (kiều bào Hungary) cho biết: "Sau khi đã thống nhất về kế hoạch, nội dung chương trình biểu tình/tuần hành, chúng tôi tiến hành xin phép chính quyền địa phương nơi tổ chức. Sau khi xem xét, Sở Công an thành phố Budapest cấp phép cho Ban tổ chức sự kiện, trong giấy phép nêu rất rõ những hành động không được vi phạm. Tiếp đó, Sở Công an thành phố làm việc cụ thể với đại diện Ban tổ chức về thời gian, hình thức, tính chất của sự kiện, số người tham gia, lịch trình… để có biện pháp hỗ trợ đảm bảo an ninh, cấm đường cho đoàn tuần hành và xử lý nếu có hành vi phạm luật".
Ôn hòa để đạt hiệu quả

Từ ngày 10/5, sau cuộc biểu tình-tuần hành ôn hòa sớm nhất của 500 kiều bào Việt Nam tại Nhật Bản thì đã liên tiếp diễn ra các hoạt động tuần hành, mít tinh của người Việt trên khắp các châu lục như tại Australia, Mỹ, Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan, Séc, Bulgaria, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Lào, Sri Lanka… Lớn nhất là các cuộc tuần hành phản đối hành động sai trái của Trung Quốc tại Berlin (6.000 người tham gia), tại Hàn Quốc (3.000 người), tại Séc (2.000 người), tại Hungary (2.000 người)... Các cuộc tuần hành ôn hòa có sự tham gia của không chỉ người Việt Nam thuộc các lứa tuổi, tôn giáo, thành phần, mà còn có nhiều bạn bè quốc tế yêu mến Việt Nam. Đặc biệt, các cuộc tuần hành tại Mỹ còn có nhiều cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam cùng xuống đường.

Anh Thanh Hải (nghiên cứu sinh tại Đại học Quốc gia Australia) chia sẻ: "Chúng tôi tuần hành ôn hòa, hợp pháp để thể hiện khát khao hòa bình và công lý cho mảnh đất quê hương. Nhân dân Việt Nam cần cả hòa bình và công lý, chứ không phải là "hòa bình sợ hãi" hay một phần công lý thấm máu và nước mắt".

Anh Phạm Duy Hưng (kiều bào Séc) cho biết: "Khi chúng tôi tiến hành xin cấp phép cho cuộc biểu tình phản đối chính quyền Bắc Kinh, chính quyền Praha tỏ ra quan ngại trước con số hàng ngàn người tham gia biểu tình. Họ đã cử 50 cảnh sát đặc nhiệm bảo vệ Đại sứ quán Trung Quốc để đề phòng các hành vi quá khích nhưng cuối cùng họ đã bày tỏ sự cám ơn và ấn tượng tốt đẹp đối với người Việt Nam vì cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa và tuân thủ luật pháp".

Trong hàng trăm cuộc biểu tình, tuần hành lớn nhỏ của người Việt Nam tại các nước trên thế giới diễn ra liên tiếp trong suốt mấy tuần qua, cộng đồng quốc tế không nhận thấy có bất kỳ hành vi tiêu cực nào và chắc chắn, điều này gây được ấn tượng tốt đẹp với họ về người Việt Nam trong việc thể hiện tính chính nghĩa của mình. Một dân tộc ôn hòa và tôn trọng luật pháp xứng đáng được cộng đồng quốc tế chung tay bảo vệ trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Theo tgvn.com.vn

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Chân sóng (16/05/2014)