VỌNG RA BIỂN
Triễn lãm Chủ quyền biển đảo trên Cửu đỉnh triều Nguyễn
08:04 | 03/06/2014

Chiều 2-6, tại sân nhà hát Duyệt Thị Đường, Đại nội Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã tổ chức triển lãm trưng bày một số tài liệu lịch sử liên quan đến chủ quyền biển, đảo Việt Nam được khắc trên Cửu đỉnh triều Nguyễn.

 

Triễn lãm Chủ quyền biển đảo trên Cửu đỉnh triều Nguyễn

Tại triển lãm đã giới thiệu hình tượng biển phía Đông của Tổ quốc trên Cao đỉnh được nhà vua cho chạm khắc trên Cửu đỉnh vào năm Minh Mạng thứ 17 (1836). Ngoài ra, một số thuyền chiến đấu, thuyền cổ, thuyền để quân, quan tuần tiễu trên biển Hoàng Sa - Trường Sa của thủy binh thời nhà Nguyễn được chạm khắc . Tiêu biểu là ô thuyền, loại thuyền đi biển được sơn màu đen, dùng tay chèo, có buồm tốc độ lướt nhanh, sản xuất nhiều dưới thời Gia Long, Minh Mạng cho quân tuần tiễu dọc bờ biển… Nổi bật trên Cửu đỉnh là hình ảnh Đông Hải, trong đó có quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Trong đó Cao đỉnh (tức là đỉnh tượng trưng cho vua Gia Long) có hình ảnh biển Đông (Đông Hải), Nhân đỉnh (đỉnh vua Minh Mạng) khắc biển Nam (Nam Hải), Chương đỉnh (đỉnh vua Triệu Trị) có hình ảnh biển Tây (Tây Hải). Điều này chứng tỏ biển Đông được triều đình nhà Nguyễn thời bấy giờ quan tâm một cách đặc biệt nên đã thể hiện ở Cao đỉnh… 

Theo các nhà nghiên cứu Huế, thời vua Minh Mạng ranh giới hành chính các địa phương và các vùng biển được phân chia rất rõ ràng trong phân cấp quản lý Nhà nước. Biển Đông kéo dài từ phía bắc cho đến Bình Thuận, bao gồm cả dải cát vàng Hoàng Sa, Trường Sa hay còn gọi là Vạn lý Ba Bình. Biển Nam bao gồm từ Bình Thuận đến Hà Tiên có nhiều hòn đảo như Đại Kim, Mảnh Hảo, Nội Trức, Côn Đảo, Phú Quốc, Thổ Châu... tiếp giáp với hải phận của các nước Malaysia, Indonesia… Biển Tây là vùng biển giáp với vịnh Thái Lan.

Ba vùng biển Việt Nam được khắc trên Cửu đỉnh với hình ảnh sông nước nhấp nhô, ẩn hiện rất nhiều đảo lớn nhỏ, chính giữa hình ảnh là đại tự khắc nổi ghi tên mỗi vùng biển Đông Hải, Nam Hải, Tây Hải. Đây là thông điệp khẳng định chủ quyền biển đảo của đất nước độc đáo, ấn tượng nhất mà vua Minh Mạng để lại trong tiến trình lịch sử bảo vệ và giữ gìn biển đảo của Tổ quốc.

Dịp này, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cũng đã trao 50 triệu đồng ủng hộ chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông” cho đại diện báo Tuổi Trẻ tại Huế. Trong đó, 25 triệu đồng do cán bộ, người lao động đóng góp tại buổi lễ, 20 triệu đồng thu từ tiền bán vé chương trình đêm nhạc “Bốn mùa yêu thương” vào tối 31-5 và 5 triệu đồng do các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế ủng hộ.


NT

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng