Dù Trung Quốc cố tình gia tăng sức ép bằng hành động truy đuổi, đâm chìm tàu, cướp tài sản, nhưng ngư dân miền Trung vẫn can trường bám biển, không chút sợ hãi. Để có thể bám biển dài ngày, chung sức bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc, nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đóng mới tàu cá công suất lớn thẳng tiến vùng biển Hoàng Sa...
Hơn nửa tháng qua, công nhân Công ty Đóng tàu An Thuận, thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) đã phải tận dụng cả thời gian ban đêm để làm việc, nhằm kịp tiến độ bàn giao tàu cá mới cho ngư dân ra khơi. Đứng bên chiếc tàu cá còn thơm mùi sơn mới mang số hiệu TTH-95003, ngư dân Nguyễn Văn Bình (trú thị trấn Thuận An) cho biết: “Hơn 10 năm bám ngư trường Hoàng Sa, cùng với ngư dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đánh bắt hải sản. Bây giờ, Trung Quốc ngang ngược đem giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm lãnh hải; dùng đội tàu hộ tống, như: Hải cảnh, kiểm ngư, tàu quân sự trá hình tàu cá; thậm chí cả tàu quân sự, để tấn công, đâm va tàu cá ngư dân mình, cướp bóc tài sản, ngay trên ngư trường truyền thống nên bà con ngư dân ai cũng căm phẫn. Để chung sức cùng bà con ngư dân miền Trung bám biển, bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc, vợ chồng tui quyết định vay mượn kinh phí đóng mới chiếc tàu công suất trên 400 mã lực này. Chỉ ít hôm nữa thôi, tàu cá của gia đình sẽ ra khơi và phối hợp với các tổ tàu đoàn kết khác để đánh bắt hải sản ở vùng biển Hoàng Sa...”. Không chỉ anh Bình, mà hiện nhiều ngư dân trên địa bàn xã Phú Thuận; Phú Hải (huyện Phú Vang); Hải Dương (thị xã Hương Trà)... cùng chung chí hướng, vay mượn tiền đóng mới tàu cá công suất lớn, với quyết tâm bám biển Hoàng Sa để bảo vệ ngư trường truyền thống...
Nhìn cảnh các anh em công nhân nỗ lực đục đẽo giữa tiết trời nắng nóng để kịp bàn giao tàu cá cho ngư dân, ông Phạm Bá Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Tàu thuyền An Thuận không giấu được nỗi lòng: “Bà con ngư dân ở các địa phương đang thi nhau đặt hàng đóng mới nhiều tàu cá có công suất lớn. Đây thật sự thể hiện tinh thần bám biển, bảo vệ ngư trường của ngư dân mình…”.
Trong khi đó, hơn 2 tuần qua, nhiều tàu cá công suất lớn vừa được đóng mới trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế đã được hạ thủy và thẳng tiến ra ngư trường Hoàng Sa. Vừa cho tàu cập cảng Thừa Thiên - Huế sau chuyến ra khơi đầu tiên ở ngư trường Hoàng Sa, ngư dân Ngô Đoàn (38 tuổi, ở thôn Hải Bình, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang), chủ tàu cá TTH-95032 không giấu được sự xúc động khi trò chuyện cùng chúng tôi: “Chiếc tàu cá này được đóng mới với công suất 550CV và được hạ thủy vào giữa tháng 5 vừa rồi. Ngay sau khi ra biển, tui cùng 9 anh em ngư dân trong thôn đã cho tàu hướng ra ngư trường Hoàng Sa để khai thác thủy sản. Có ra gần khu vực “điểm nóng” và tận mắt thấy tàu Cảnh sát biển, tàu Kiểm ngư của Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ chấp pháp gần khu vực giàn khoan Hải Dương 981 đặt trái phép thì càng yên tâm khi thả lưới đánh bắt hải sản…”. Anh Đoàn còn cho biết, trong chuyến ra khơi Hoàng Sa đầu tiên này, tàu anh đánh bắt được gần 20 tấn hải sản các loại như cá ngừ, thu, nục chuối, cá chim và nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế khác. “Tui cho anh em trên tàu nghỉ sức ít bữa, sau khi tiếp đủ nhiên liệu thì 2 hôm nữa lại nổ máy cho tàu ra biển Hoàng Sa...”, hướng ánh mắt nhìn ra biển Đông, anh Đoàn chia sẻ quyết tâm của mình.
ng Nguyễn Lương Hiền, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Thừa Thiên - Huế còn cho hay, để tăng cường hoạt động khai thác thủy hải sản ở vùng biển xa bờ, nhất là ngư trường Hoàng Sa, ngư dân thị trấn Thuận An đã thành lập Chi hội nghề cá với gần 30 tàu cá công suất lớn. “Để bảo vệ ngư trường truyền thống, thời gian qua Chi hội đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động và kêu gọi các cơ quan chức năng tạo điều kiện hỗ trợ vốn, giúp ngư dân được đóng mới tàu công suất lớn, cải hoán máy móc để có thể vươn khơi xa hơn. Qua đó, góp phần cùng các ngư dân ở tỉnh bạn chung sức bảo vệ chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc”, ông Hiền khẳng định.
Theo CAND