VỌNG RA BIỂN
Căn cứ lịch sử và pháp lý về chủ quyền biển đảo trong tư liệu Hán Nôm
15:00 | 06/06/2014

Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đang lưu giữ hàng trăm tư liệu Hán Nôm viết về lập trường của nhà nước phong kiến Việt Nam xác định chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển ở Biển Đông. Đây là những căn cứ vững chắc về lịch sử, khoa học và pháp lý khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Căn cứ lịch sử và pháp lý về chủ quyền biển đảo trong tư liệu Hán Nôm
Thiên hạ bản đồ, thời Lê có vẽ và viết về Bãi cát vàng (Hoàng Sa)

Thông tin trên được đưa ra tại họp báo quốc tế công bố cuốn sách Một số tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông tổ chức sáng 3.6, tại Hà Nội, nhằm giúp dư luận trong nước và quốc tế hiểu rõ hơn về chủ quyền biển đảo của Việt Nam trong lịch sử. Cuốn sách do Viện Nghiên cứu Hán Nôm thực hiện, NXB Khoa học xã hội ấn hành tháng 5.2014, nằm trong chương trình nghiên cứu chung về Biển Đông của Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhiều năm qua.

Ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài đã có nhiều đề tài, công trình nghiên cứu về chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển ở Biển Đông. Mỗi công trình, đề tài tiếp cận từ nhiều nguồn tài liệu và phương pháp nghiên cứu, nhưng đều khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông, do nhà nước Việt Nam quản lý và khai thác từ nhiều thế kỷ trong lịch sử. Nhiều năm qua, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã sưu tầm được vài trăm đơn vị tư liệu có nội dung thể hiện vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển ở Biển Đông, gồm hàng trăm tập bản đồ; vài chục bộ sử, địa chí, hội điển...; vài chục tập văn bản hành chính; các tập thơ văn, tạp văn... Từ năm 2009 - 2012, Viện Nghiên cứu Hán Nôm triển khai đề tài Thư mục Hán Nôm về biển, đảo Việt Nam, tiến hành khảo sát toàn bộ kho sách Hán Nôm của Viện và tuyển chọn những đoạn ghi chép hoặc vẽ về biển, đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam trong lịch sử. Đề tài đã được nghiệm thu cấp Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, bản thảo dày khoảng 3.000 trang. Theo Pgs, Ts Trịnh Khắc Mạnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm: Việc sưu tầm, biên dịch tư liệu có nội dung ghi chép về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển ở biển Đông trong kho sách Hán Nôm gặp nhiều khó khăn, như mò kim đáy bể, phải đọc vài trăm trang, thậm chí vài nghìn trang, mới tìm thấy vài dòng hay vài đoạn có nội dung cần tìm...

Ra mắt trong thời điểm Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cuốn sách Một số tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông giới thiệu 46 tư liệu Hán Nôm, gồm 18 bản đồ, 17 bộ sử, hội điển... ra đời từ thời nhà Lê đến thời nhà Nguyễn, trong đó có nhiều tư liệu gốc đang lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm lần đầu được công bố. Nội dung tư liệu thể hiện vấn đề chủ yếu: Một là, hàng năm nhà nước phái người ra quần đảo Hoàng Sa để đo đạc, cắm mốc, vẽ bản đồ về mang trình tấu triều đình. Các chuyến đi này đã được ghi trong bộ Đại Nam thực lục do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn từ năm 1821 - 1909, bên cạnh Quốc triều chính biên toát yếu, các châu bản của triều Nguyễn... Hai là, nhà nước đặt đội hải thuyền mang tên Hoàng Sa, Bắc Hải thực hiện những chuyến ra khơi để quản lý biển đảo, xây dựng miếu và đặt bia, ghi trong sách Đại Việt sử ký tục biên (được chúa Trịnh Sâm sai biên soạn vào năm 1775), Đại Nam thực lục, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn từ năm 1843 - 1851)... Ba là, nhà nước phong kiến Việt Nam luôn quan tâm giáo dục ý thức chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển ở Biển Đông cho các thế hệ người Việt Nam. Sách dạy học chữ Hán cho lớp đồng ấu cũng đã có những nội dung ghi chép về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển ở biển Đông như sách Khải đồng thuyết ước, khắc in năm Tự Đức Tân Tỵ (1881)...

Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, đây là những tư liệu có giá trị khoa học, là căn cứ lịch sử và pháp lý sinh động, khẳng định chủ quyền cũng như cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển ở Biển Đông. Thời gian tới, cuốn sách sẽ được dịch sang tiếng Anh để bạn bè quốc tế hiểu và ủng hộ cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.

Theo Lê Thủy - ĐBND
 
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng