Sáng 18.6, tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội đã khai mạc triển lãm mỹ thuật chuyên đề Chủ quyền biển đảo Việt Nam. 55 tác phẩm là những sáng tác mới nhất của 50 tác giả, thuộc nhiều thể loại... thể hiện khát vọng hòa bình, tình yêu và quyết tâm bảo vệ biển đảo Tổ quốc.
Các nghệ sỹ luôn có tinh thần tự hào dân tộc, yêu nước, chứ không chỉ đắm đuối với nghệ thuật (lời nghệ sỹ Đào Hải Phong) và triển lãm diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thể hiện sự trỗi dậy của tinh thần ấy. Triển lãm thu hút hầu hết các họa sỹ nổi tiếng ở Hà Nội, nhiều người đã đi qua chiến tranh, tất cả trên tinh thần tự nguyện. Nhận được thông báo về triển lãm hơn 2 tuần trước, nghệ sỹ Đào Hải Phong gửi tác phẩm Đêm nơi biển đảo. Ông chia sẻ: không trực tiếp thể hiện vấn đề đang diễn ra trên Biển Đông, tôi muốn nói về tương lai của đảo, ở đó có sự sống phồn vinh, sự bình yên. Tương lai đó thôi thúc chúng ta phải bảo vệ, có tiếng nói để giữ sự bình yên của biển đảo, của Tổ quốc.
Tham gia triển lãm để thể hiện trách nhiệm công dân với đất nước, góp tiếng nói phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan vô điều kiện khỏi vùng biển của Việt Nam, họa sỹ Nguyễn Thành Chương khẳng định: Việt Nam là đất nước yêu hòa bình hơn bất kỳ quốc gia nào, bởi chúng ta đã trải qua hàng nghìn năm chống ngoại xâm, chiến tranh liên miên... Ông gửi gắm thông điệp ấy qua tranh sơn mài Nước sạch biển xanh, với mặt biển xanh thăm thẳm, bầu trời thanh bình. Trong bầu không khí ấy, những bông hoa sen nổi lên tượng trưng cho hồn cốt của người Việt, trong khó khăn, gian khổ, vẫn vươn lên. Họa sỹ Nguyễn Thành Chương từng vẽ nhiều tác phẩm về biển, gắn với mỗi thời điểm, sự kiện đặc biệt, như khi xảy ra sự kiện vịnh Bắc Bộ, hay vịnh Hạ Long được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới... Tác phẩm Biển Đông được trưng bày lần này, ông sử dụng hình tượng năm 2014 và những màu sắc tương phản mạnh mẽ để gợi đến sự kiện biển Đông dậy sóng.
Nhiều tác phẩm tại triển lãm được các nghệ sỹ sáng tác khi Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan 981 trái phép nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Bức tranh sơn dầu Trời yên biển lặng được họa sỹ Lê Thiết Cương hoàn thành cách đây một tuần, sơn còn chưa khô. Họa sỹ cho biết: Ý tưởng thực hiện tác phẩm này được lấy từ một câu thành ngữ của người Việt, vẫn đúng trong cuộc sống hiện đại và với cả câu chuyện của ngày hôm nay. Nếu trời không yên, biển không lặng thì không chỉ Việt Nam mà các nước xung quanh, cả thế giới đều không yên lòng... Họa sỹ Đoàn Thị Thu Hương vừa từ Trường Sa về đến Hà Nội ngày 9.6, đã gửi tới triển lãm tranh acrylic Lũy thép. Chuyến tàu ra đảo gặp mưa, sóng lớn khiến họa sỹ bị say sóng, nhưng bật dậy lúc nào là tôi vẽ lúc đó, tác phẩm được thực hiện trên tàu và hoàn thiện thêm khi về tới Hà Nội để kịp góp mặt tại triển lãm…
Bằng tài năng, tâm huyết của mình, các nghệ sỹ đã thể hiện vấn đề thời sự nóng bỏng dưới góc nhìn nghệ thuật. Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương cho rằng: triển lãm có tính thời sự, nhưng thực tế từ rất lâu rồi, các họa sỹ đã vẽ về biển đảo và vấn đề biển đảo đã ở trong máu, là mối quan tâm thường xuyên của các họa sỹ. Tuy vậy, trong tình hình hiện nay, họa sỹ có thể có những tác phẩm cập nhật hơn, thể hiện sự đồng lòng với nhân dân cả nước, với Đảng và Nhà nước, kiên quyết bảo vệ vùng biển, đất nước toàn vẹn.
Chủ quyền biển đảo Việt Nam là triển lãm mỹ thuật đầu tiên về biển đảo được tổ chức năm nay. Tiếp sau triển lãm này, Hội Mỹ thuật Việt Nam sẽ tổ chức 3 triển lãm: Đến với Trường Sa, giới thiệu tác phẩm của 30 họa sỹ đã đến Trường Sa trong những năm gần đây; triển lãm tranh cổ động về bảo vệ biển đảo Tổ quốc và triển lãm tranh đả kích về vấn đề Biển Đông.
Theo Lê Thủy - ĐBND