Đó là ý kiến của nhiều học giả quốc tế được trình bày trong hội thảo “Hoàng Sa - Trường Sa: sự thật lịch sử” và triển lãm “Hoàng Sa - Trường Sa: phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam” được tổ chức tại Đà Nẵng sáng 20-6.
Tham gia hội thảo có 100 học giả, nhà nghiên cứu quốc tế và Việt Nam.
Phải chơi bằng luật quốc tế
Mở đầu hội thảo, giáo sư Carlyle A. Thayer - Học viện Quốc phòng Úc - nói tranh chấp hiện nay về quyền và chủ quyền trong các vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa chỉ có thể giải quyết dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Việt Nam cần tranh thủ mạnh mẽ điểm này trong các trao đổi cấp chính phủ với Trung Quốc.
Cùng quan điểm, giáo sư Jerome A. Cohen, giám đốc Viện luật Mỹ - Á tại Trường đại học Luật New York, cho rằng giờ đây Trung Quốc đang lớn mạnh hơn nhiều về quân sự và đang ngày càng quyết đoán với những yêu sách ở biển Đông, không những chống lại Việt Nam mà cả các nước khác trong khu vực. Philippines, trong hoàn cảnh giống như Việt Nam hiện nay, đã quyết định đề xuất cơ chế trọng tài để chống lại Trung Quốc trên cơ sở giải quyết tranh chấp theo UNCLOS mà Trung Quốc, Philippines cũng như Việt Nam cam kết tuân thủ. Giáo sư Jerome A. Cohen nhấn mạnh: “Luật quốc tế luôn là thứ vũ khí phòng vệ có giá trị đối với nước yếu”. Theo giáo sư Jerome A. Cohen, chắc chắn giải pháp hòa bình sẽ phụ thuộc vào ngoại giao nhưng cũng không nên bỏ qua sự trợ giúp mà các thể chế pháp lý quốc tế có thể cung cấp.
Áp lực dư luận quốc tế
Trao đổi bên lề hội thảo về những rủi ro mà Việt Nam có thể gặp phải khi kiện Trung Quốc ra tòa, giáo sư Erik Franckx - ĐH Tự do Brussels, Bỉ, thành viên tòa trọng tài thường trực - cho biết khi khởi kiện ra tòa án công lý quốc tế (ICJ) bắt buộc phải có hai bên chấp nhận. Trong tình hình hiện nay, khả năng kiện ra tòa này rất khó vì Trung Quốc có thể từ chối. Ví dụ như Nhật Bản, họ chủ động đưa những vụ việc tranh chấp đảo Senkaku ra tòa công lý nhưng phía Trung Quốc không có phản hồi. Tuy nhiên, giáo sư Erik Franckx cũng nói những cơ chế giải quyết tranh chấp bằng UNCLOS. Trung Quốc cũng tham gia ký UNCLOS nên phải có trách nhiệm thực hiện.
Giáo sư Erik Franckx nhìn nhận Việt Nam và Philippines có thể cùng chọn một vấn đề cần tập trung yêu cầu Trung Quốc định nghĩa, giải thích, chứng minh về đường chín đoạn. Nhưng Việt Nam cần lưu ý là Trung Quốc có những tuyên bố để loại bỏ mình ra khỏi những ràng buộc với các nước, các tổ chức quốc tế. “Kết quả xấu nhất có thể là tòa nói không đủ thẩm quyền xử lý vấn đề của Việt Nam và Philippines trong vụ kiện với Trung Quốc. Nhưng ít nhất Việt Nam cũng sẵn sàng chứng minh điều này” - giáo sư Erik Franckx nói.
Đề cập việc Trung Quốc một mặt đưa các vấn đề tranh chấp biển Đông ra Liên Hiệp Quốc nhưng mặt khác họ lại phủ nhận vai trò của trọng tài quốc tế, giáo sư Erik bình luận: Trung Quốc muốn thể hiện lòng tin với cộng đồng quốc tế nên đưa vấn đề này ra. Nhưng Trung Quốc lại không muốn có sự can thiệp của bên thứ ba. “Điều đó cho thấy Trung Quốc phải có những phản hồi trước lập luận của Việt Nam và buộc phải biện hộ cho hành động của mình, phải lên tiếng trước áp lực của dư luận quốc tế” - giáo sư Erik nêu rõ.
Theo ông Jerome A. Cohen, Việt Nam vẫn nên đưa ra tòa án quốc tế, coi đây là sự thể hiện cho thế giới thấy mong muốn chân thành về một giải pháp hòa bình, công bằng.
HỮU KHÁ - ĐOÀN CƯỜNG
Cảnh giác với trò “vỏ bọc ngư dân” Học giả Lưu Anh Rô, tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng, đưa ra cảnh báo: nhìn lại lịch sử về quá trình cướp đoạt Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1954 đến năm 1975 cho thấy Trung Quốc âm thầm trong một thời gian dài về việc sử dụng “vỏ bọc ngư dân” hiện diện tại Hoàng Sa. Đây là động thái nhằm tạo ra sự hiện hữu trong hoạt động kinh tế trên thực địa, sau đó là thu thập tin tức tình báo, tiếp đến là lén đổ bộ lên đảo cắm cờ, rồi khi có cơ hội thì huy động một lực lượng quân sự lớn, giả dạng ngư dân để đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Theo ông Rô, lợi dụng lúc Pháp rút khỏi Việt Nam, ngày 30-5-1956 Trung Quốc đưa lực lượng quân sự giả dạng ngư dân bất ngờ đổ bộ lên chiếm đóng đảo Phú Lâm - đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Để che mắt dư luận thế giới, Trung Quốc lén lút huy động các “tàu cá” chở ximăng, sắt, cát... ra đảo Phú Lâm. Trung Quốc còn sử dụng “tàu cá” ngụy trang chở đến hàng trăm “ngư dân” (thực chất là quân đội chính quy Trung Quốc) cùng vũ khí, đạn dược áp sát quần đảo Hoàng Sa chờ... ngày khai hỏa. “Theo chúng tôi, có một bài học lớn là cần hết sức cảnh giác sự thỏa hiệp ngấm ngầm giữa các cường quốc cũng như quái chiêu “ngư dân, cờ lạ” nhằm liên tục tạo ra sự tranh chấp giả hiệu, để khi có điều kiện thì thực hiện một cuộc tiểu chiến tranh xâm lăng chớp nhoáng, đặt dư luận quốc tế trước một việc đã rồi như Trung Quốc từng làm đối với Hoàng Sa của chúng ta” - ông Rô nói. |
Góc bình luận
Có thể Nam Hải 9 sẽ thay thế Hải Dương 981 Việc Trung Quốc tiếp tục đưa các giàn khoan vào biển Đông, trong đó có giàn khoan Nam Hải 9 đến cửa vịnh Bắc bộ, theo tôi là hành động không thiện chí giữa lúc hai bên đang có những tiếp xúc và Việt Nam kiên trì giải quyết vụ việc giàn khoan Hải Dương 981 bằng các biện pháp hòa bình. Hành động tiếp tục đưa giàn khoan là vi phạm thỏa thuận giữa lãnh đạo hai nước. Cụ thể, khu vực giàn khoan Nam Hải 9 dự kiến được đưa đến là gần khu vực cửa vịnh Bắc bộ. Thực chất đây là khu vực Việt Nam và Trung Quốc đã đàm phán để phân định nhiều lần nhưng chưa đạt được kết quả và thực tế cũng khó đạt được kết quả. Lý do, việc phân định này lại liên quan trực tiếp đến các đảo ở Hoàng Sa mà các đảo đó Trung Quốc vẫn luôn nói là không có tranh chấp, trong khi đây là các đảo của Việt Nam mà Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm. Theo tôi nhớ, khu vực Trung Quốc dự kiến đưa giàn khoan Nam Hải 9 đến thì trước đây họ từng cho tàu và giàn khoan vào khu vực đó, Việt Nam đã phản đối. Tại tọa độ mà giàn khoan Nam Hải 9 dự kiến đặt có ý kiến nói nằm ở phía đông đường phân định (về phía Trung Quốc), thật ra nó khá gần khu vực đảo Tri Tôn. Do đó, Việt Nam vẫn cần cảnh giác trước những hành vi mới của Trung Quốc. Rất có khả năng Trung Quốc kéo giàn khoan Nam Hải 9 ra, sau đó dần đưa đến thay thế giàn khoan Hải Dương 981. Giàn khoan Nam Hải 9 là giàn khoan nửa nổi nửa chìm, được mua từ nước ngoài, trong khi giàn khoan Hải Dương 981 là giàn khoan nổi, Trung Quốc tự đóng. Nam Hải 9 có sức chịu sóng biển, chống chịu các yếu tố thời tiết trong mùa mưa bão... tốt hơn. Không loại trừ khả năng họ đưa Nam Hải 9 ra để chuẩn bị duy trì giàn khoan trong mùa biển động. Đây sẽ là hành động làm phức tạp thêm tình hình và Việt Nam cần tiếp tục phản đối hành động này của Trung Quốc. C.V.KÌNH ghi
Tiếp tục “trở mặt” Hôm nay tôi chú ý đến chi tiết Trung Quốc cho trực thăng bay sáu vòng phía trên các tàu thực thi pháp luật Việt Nam, chụp ảnh, quay phim. Tôi cho rằng họ muốn quan sát thật kỹ các tàu của ta, tìm bằng chứng chứng minh đây là tàu hải quân trá hình (như Trung Quốc đang cải trang cho các tàu của họ), đồng thời tìm điểm yếu của các tàu để dễ bề gây tổn thất nhiều hơn trong đụng độ, va chạm. Việc tàu cảnh sát biển 8003 nhận ra “bạn” từng tuần tra chung với mình cách đó hai tháng, là tàu hải cảnh 3210 quyết liệt truy cản tàu của ta cũng là một điểm bất ngờ, dù vẫn nằm trong bản chất chung của toàn bộ sự việc. Điều này cũng chứng minh rằng sự trở mặt như trở bàn tay của Trung Quốc được thể hiện xuyên suốt từ cấp chiến lược tới chiến thuật. Cục Hải sự Trung Quốc lại mới thông báo về ba giàn khoan nữa sắp vào hoạt động tại biển Đông, tập trung sát vùng thềm lục địa Việt Nam. Rõ ràng Trung Quốc muốn gia tăng uy hiếp trong khu vực, đồng thời phân tán sự chú ý, đấu tranh của Việt Nam và nhiều nước khác ra nhiều hướng. Không loại trừ các hành động điên cuồng hơn như: sử dụng lực lượng vũ trang, đe dọa đưa hàng ngàn tàu cá ra tranh chấp ngư trường, bắt tàu bắt người, đóng thêm những bãi đá ngầm, tiếp tục xây dựng ở Chữ Thập, Châu Viên... P.VŨ ghi |
Theo TTO