VỌNG RA BIỂN
Cảm động thông điệp ‘Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam’ trong 'gánh' xiếc Long An
08:41 | 09/07/2014

Lâu lắm rồi, sau nhiều lần xem xiếc... lừa, xiếc lưu động diễn 1 đêm “duy nhất” rồi... biến mất, người dân một số quận huyện của Hà Nội mới được xem những tiết mục xiếc đích thực, mà ở đó nghệ sĩ diễn bằng tất cả đam mê, trẻ con xem thì thích thú reo hò, còn người lớn đi từ lạ lẫm, đến ngạc nhiên, thán phục.

Đó là các tiết mục của 45 nghệ sĩ Đoàn xiếc nhân dân Long An, đoàn xiếc duy nhất của Đồng bằng Sông Cửu Long còn lại sau 32 năm thành lập, lần đầu ra Thủ đô biểu diễn.

Người lớn, trẻ con đều... "mãn nhãn"!

Đoàn “hành quân” đến Hà Nội vào những ngày cuối tháng 6 với 3 đêm diễn tại Lệ Mật (Gia Lâm), 4 đêm tại Đền Lừ (Hoàng Mai), 3 buổi tại Rạp xiếc Trung ương và sắp tới tại Ninh Hiệp (Gia Lâm) từ ngày 10 -13/7.


Những đêm diễn ở Thủ đô của đoàn xiếc Long An trật kín khán giả

Mỗi đêm diễn kéo dài khoảng gần 2 giờ với khoảng 5 tiết mục xiếc thú như: chó học bài, khỉ đi xe đạp, xay thóc giã gạo, rồi xiếc gấu, xiếc ngựa, xiếc trăn, rồi ảo thuật biến hóa... Các tiết mục này cũng bình thường như các đoàn xiếc tạp kỹ khác thôi. Nhưng cạnh đó là các tiết mục hài hước như đấm bốc, nhổ răng, nhằm giáo dục trẻ con và hàng loạt tiết mục xiếc “người” mạo hiểm như: đu trên vải lụa đẹp mắt, siêu nhân bay lượn của các nghệ sĩ Công Chí, Ngọc Giàu, Quốc Vũ, Mỹ Linh, Trúc Ly, làm nức lòng khán giả với những tiếng vỗ tay liên tiếp của khán giả và các em nhỏ.

Màn biểu diễn gây cảm giác thót tim nhất là của nghệ sĩ Thu Hoài với pha giữa thăng bằng trên kiếm, đế kiếm leo thang... và nghệ sĩ Thanh Thúy với nghệ thuật giữ thăng bằng qua chiếc chai thủy tinh tròn và 5 chồng cốc thủy tinh... khiến khán giả được nếm trải đủ mọi cung bậc cảm xúc cũng như được tận mắt chứng kiến đỉnh cao nghệ thuật xiếc đương đại, trong khi các nghệ sĩ không hề sử dụng dây đai hay lưới đỡ bảo hiểm gì... Đây chính điểm độc đáo nhất của xiếc Long An mà lần đầu tiên khán giả Thủ đô được biết.

Một nghệ sĩ của Rạp Xiếc Trung ương sau khi xem không khỏi thán phục và chạnh lòng nói rằng: “Ngay cả các tiết mục xiếc khỉ của chúng tôi còn phải dùng đến xích vì sợ... rơi!. Những màn diễn hơi mạo hiểm một chút thì luôn có lưới đỡ và dây đai bảo hiểm đi kèm. Đến chàng “Thạch Sanh” Tống Toàn Thắng khi “xử” chằn tinh thì con trăn tuy to, nhưng mà chỉ ngủ chứ không há miệng, lè lưỡi khiến người xem phát khiếp và cũng không có màn “hôn” trăn như nghệ sĩ Trường Chinh của xiếc Long An. Các nghệ sĩ Long An dừng như không có cảm giác sợ với các tiết mục trên cao, họ biểu diễn bằng bản năng, và điều này thật đáng được học tập”.


Nghệ sĩ Trường Chinh với những tiết mục xiếc trăn. Ảnh nhân vật cung cấp
 

Nhưng với khán giả, dường như những tiết mục mạo hiểm của Đoàn xiếc nhân dân Long An không phải là ở đẳng cấp nghệ thuật mà là sức nóng của ngọn lửa nhiệt tình, ấn tượng của những người quá yêu nghề. Chia sẻ với PV, ông Trần Văn Út, Trưởng đoàn xiếc Long An kể: Để có được những tiết mục mạo hiểm, hay giữ được thăng bằng trên kiếm, trên chai lọ tròn như vậy, các nghệ sĩ phải khổ luyện hàng năm trời mới có được. Hiện nay cả đoàn có 50 người, trừ 5 người làm hành chính ở nhà, còn lại cả 45 diễn viên đều ra Hà Nội biểu diễn. Trong khi, cả đoàn chỉ có vài người là được đào tạo chính quy, còn lại đều là những thanh thiếu niên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, có năng khiếu, yêu nghề, được các anh chị đi trước giờ đã chuyển sang các ngành nghề khác truyền lại hoặc kèm cặp nhau tập luyện. Long An chúng tôi là mảnh đất “trung dũng kiên cường", bởi một tỉnh nhỏ mà duy trì một đoàn xiếc như thế này không phải là chuyện dễ dàng, mà là cố gắng của toàn dân...

Nhắc nhở "Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam" tới từng trẻ nhỏ

Trong các tiết mục xiếc đầy chất lửa của Đoàn xiếc nhân dân Long An, đặc biệt xúc động với khán giả Thủ đô có lẽ là tiết mục mở đầu mang tính chất thông tấn, nhanh gọn, sôi động, với cờ, hoa, những bông sen của vùng Đồng Tháp Mười và tiết Hải quân vui chơi khép lại chương trình. Sắc áo hải quân hiện ra trên sàn diễn với các màn nhảy dây, chồng người trên xe đạp. 

Cuối tiết mục, các nghệ sĩ cầm cờ tung ra thông điệp “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” ấn tượng và xúc động. Liền ngay đó, MC tiến ra sân khấu nhắc nhở: “Các em hãy nhớ rằng, Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Ở đó có các chiến sĩ hải quân đang ngày đêm canh giữ biển đảo của Tổ quốc...”. Chương trình khép lại, các bé mới đứng lên ra về cùng ông bà, bố mẹ trong tiếc nuối...


Một tiết mục đu người trên cao mạo hiểm của các nghệ sĩ đoàn xiếc Long An

Theo ông Trần Văn Út, tiết mục Hải quân vui chơi được ra đời khi đoàn lên đường ra Hà Nội biểu diễn, ngay sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tiết mục và thông điệp Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam nhằm để giáo dục cho các em nhỏ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Cũng theo trưởng đoàn xiếc Long An, hàng năm đoàn đều lên kế hoạch đi biểu diễn, tham dự các cuộc liên hoan, nhưng thường chỉ diễn loanh quanh các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long phục vụ nhân dân. Năm 2012, lần đầu đoàn diễn ở TP.HCM và năm nay ra Hà Nội. 11 chuyến xe, chở người, chở thú, chở đạo cụ, chở bạt xiếc và sân khấu di động có sức chứa hơn 1.000 chỗ ngồi phục vụ khán giả Thủ đô. 

Nhận xét về khán giả thủ đô, ông Út cho biết: “Những đêm diễn ở Lệ Mật, Đền Lừ khán giả đều trật kín. Nhiều cụ già và trẻ nhỏ đêm nào cũng đi xem, dù có đêm trước giờ diễn trời mưa to. Nhưng diễn tại Rạp xiếc Trung ương thì ít khán giả có ít hơn vì có lẽ đây là “sân nhà” của các nghệ sĩ Hà Nội và khán giả ở đây dân trí cao hơn TP.HCM”.

Trường đoàn xiếc Trần Văn Út bên bia NSND Tạ Duy Hiển, người sáng lập ra ngành xiếc Việt Nam

“Được khán giả Thủ đô yêu mến vậy, đoàn bao giờ sẽ trở lại” - ông Út trả lời sang chuyện khác: “Chúng tôi còn lên kế hoạch diễn ở cả Hà Đông 3 đêm từ ngày 18- 20/7, nhưng ra Thủ đô này chúng tôi đi quá xa, quá dài, nắng, mưa, khí hậu ở đây không quen, chỗ ăn nghỉ trật trội... Có 2 diễn viên, không có ông bà nội, ngoại để gửi con, đành mang các cháu theo suốt dọc đường lưu diễn. Do vậy, diễn 3 đêm ở Ninh Hiệp (Gia Lâm) nữa là chúng tôi kết thúc về để tổng kết, xây dựng các vở mới, tập luyện và biểu diễn phục vụ khán giả nhà”

“Xong bữa tiệc này là chúng em đi luôn sang Ninh Hiệp. Xe đang chờ ngoài cổng Rạp xiếc Trung ương kia”, chị Ngọc Dung, cô giáo dạy thú học bài trong đoàn Xiếc Long An nói với Thethaovanhoa.vn“3 ngày nữa mới diễn, đoàn mình sang đó sớm thì ở vào đâu?” -  “Cả đoàn sẽ thuê một cái nhà để ở, đi chợ, nấu ăn, tập luyện... Thuê cả một cái nhà để ở thì sẽ rẻ hơn...”

Chia tay các nghệ sĩ Đoàn xiếc nhân dân Long An, tôi không khỏi khâm phục, bởi cũng làm nghệ thuật, nhưng có lẽ đây là loại hình nghệ thuật khắc nghiệt nhất và phải có một tình yêu lớn với xiếc thì mới theo nổi cái nghiệp này...

Theo Hoa Chanh - TTVH

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng