Ngày 14-7, một cuộc gặp xúc động diễn ra tại Phủ chủ tịch: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp thân mật 80 cựu chiến binh sư đoàn 356 - đơn vị lập nhiều thành tích bảo vệ biên giới phía Bắc tại các cao điểm thuộc xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang 30 năm trước.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bước xuống chân cầu thang Phủ chủ tịch chào đón những người cựu chiến binh sư đoàn 356.
Tay bắt mặt mừng với những người lính đã chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm xưa, người đứng đầu Nhà nước vồn vã nói: “Tôi đã đọc bài phỏng vấn rất xúc động trên báoTuổi Trẻ về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Vị Xuyên (Hà Giang) của các đồng chí, được biết các đồng chí vừa có chuyến thăm lại chiến trường xưa. Hôm nay gặp nhau đây tôi rất vui mừng”.
Lịch sử dân tộc đã tiếp sức
"Tôi rất mong chúng ta có thể xây được một miếu thờ những anh em liệt sĩ. Miếu thờ không chỉ dành riêng cho các liệt sĩ của sư đoàn 356 mà còn dành cho cả các liệt sĩ đã hi sinh trên mặt trận Vị Xuyên suốt những tháng năm chiến đấu chống quân phương Bắc xâm lược"
Đại tá NGUYỄN VĂN THÀNH |
Sau khi ân cần hỏi thăm sức khỏe, hoàn cảnh gia đình của các cựu chiến binh sư đoàn 356, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh trong những ngày này, chúng ta đang hướng tới kỷ niệm Ngày thương binh, liệt sĩ (27-7) để Tổ quốc, nhân dân tri ân những người đã hi sinh xương máu của mình trong công cuộc bảo vệ và xây dựng, phát triển đất nước.
Được biết, sư đoàn 356 đã chọn ngày 12-7 (ngày diễn ra cuộc tấn công tổng lực) làm ngày truyền thống, trong những năm tháng đó nhiều cán bộ, chiến sĩ của sư đoàn đã anh dũng ngã xuống để bảo vệ một dải biên cương.
“Cán bộ, chiến sĩ sư đoàn 356 đã có những sự hi sinh rất lớn lao. Lúc bấy giờ cả nước dồn sức bảo vệ biên giới phía Bắc trong cuộc chiến tranh chính nghĩa thuộc về chúng ta. Do điều kiện lịch sử, do một số địa hình nên cuộc chiến đấu của các đồng chí diễn ra rất khốc liệt. Những người lính sư đoàn 356 đã chiến đấu hết sức ngoan cường, tôi nghĩ rằng trong cuộc chiến đấu đó, lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc đã tiếp sức các đồng chí” - Chủ tịch nước nói.
Trong không khí xúc động, thân mật của cuộc gặp, đại tá Nguyễn Đức Cam - nguyên phó sư đoàn trưởng - nhớ lại: “Năm 1984, do yêu cầu của nhiệm vụ, sư đoàn được điều động sang Hà Giang. Từ năm 1984-1988, sư đoàn 356 chiến đấu để giữ vững từng tấc đất, ngọn cỏ của biên giới Vị Xuyên. Sư đoàn có hai liệt sĩ được phong anh hùng, một tiểu đoàn là anh hùng lực lượng vũ trang”.
Còn với cựu chiến binh Đặng Việt Châu, suốt 30 năm sau trận tấn công tổng lực “cứ nghe thấy tiếng sấm động là nhớ về những ngày hào hùng, đau thương ở chiến trường”.
Ông Châu nói: “Suốt từ tháng 5 đến tháng 12-1984, ngày nào không có tiếng bom đạn, không có đổ máu hi sinh là ngày không bình thường. Lúc bấy giờ, người lính sư đoàn 356 đã khắc trên báng súng những lời thề “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử”, “Giặc này phải đánh, không thắng không về” dù chiến đấu ở Vị Xuyên ngày đó là gian nguy, là cái chết cận kề, là những ngày ăn gạo hẩm, nằm hang đá, uống nước suối, gian khó vô cùng”.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chụp ảnh lưu niệm cùng các cựu chiến binh sư đoàn 356 - Ảnh: Võ Văn Thành |
Giải quyết ngay 3 vấn đề
Đề đạt nguyện vọng với Chủ tịch nước, các cựu chiến binh sư đoàn 356 kiến nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn chiến trường Vị Xuyên, đồng thời tạo điều kiện xây dựng nơi đây một đền thờ để có chỗ thăm viếng, hương khói.
Đại tá Nguyễn Đức Cam cũng cho biết nhiều cán bộ, chiến sĩ của sư đoàn 356 đã gặp khó khăn về thủ tục, giấy tờ khi thực hiện chế độ, chính sách theo quy định.
Chăm chú lắng nghe, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đồng ý với các kiến nghị của đại diện sư đoàn. “Đề nghị văn phòng truyền đạt ý kiến của tôi với tinh thần như vậy cho Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Bộ Quốc phòng. Một là vấn đề quy tập hài cốt liệt sĩ. Những đồng đội còn sống ở đây để anh em nằm lại nơi biên cương là không thể ngủ được. Hai là vấn đề giải quyết chế độ, chính sách, nếu vì nhiều lý do không còn giấy tờ cần thiết thì phải tạo điều kiện giải quyết linh hoạt trên cơ sở quy định. Không vì quan liêu mà không làm. Ngay ngày mai ban liên lạc sư đoàn phối hợp với các cơ quan có liên quan bắt tay vào làm sớm, chúng tôi sẽ cùng tham gia. Ba là việc xây dựng nhà thờ tưởng niệm, tôi đồng ý, vấn đề bây giờ là nghiên cứu thiết kế sao cho hợp lý” - Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước cũng đề nghị các cơ quan chức năng rà soát xem có hay không những trường hợp tương tự như sư đoàn 356 để đề ra lộ trình giải quyết tổng thể.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng dành thời gian tâm sự với những người cựu chiến binh Vị Xuyên. Chủ tịch nước nói còn nhớ trong những năm tháng đó, người dân khắp mọi miền Tổ quốc từ Lạng Sơn, Hà Giang đến thành phố mang tên Bác... đều hướng về biên giới, “tôi nhớ mãi một lần về Cà Mau, mấy bà má hỏi tình hình biên giới phía Bắc, giọng rất sôi sục”.
Chủ tịch nước một lần nữa khẳng định cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc là chính nghĩa, chúng ta chỉ phản kích tự vệ, không tiến đánh ai cả.
“Các đồng chí vừa lên thăm lại chiến trường xưa, đó là chiến trường hoàn toàn nằm trên đất chúng ta, nằm ở phía chúng ta với phân giới cắm mốc rất rõ ràng. Điều đó chứng tỏ chúng ta đã chiến đấu để bảo vệ mảnh đất biên cương của mình, không thể chối cãi được”.
Theo Chủ tịch nước, một ngày nào đó khi các nhà sử học hai bên ngồi lại với nhau, trên cơ sở khách quan, sự thật, chân lý sẽ đều thấy rằng chính nghĩa thuộc về Việt Nam.
Trang sử mới của sư đoàn
Trước khi ra về, đại tá Nguyễn Đức Cam tâm sự ngày 14-7-2014 cũng sẽ được ghi lại trong trang sử của những người lính sư đoàn 356. Bởi vào ngày đó, những người còn sống đã thay mặt những người đã nằm lại ở Vị Xuyên bày tỏ được những trăn trở, nguyện vọng của mình lên Chủ tịch nước.
“Cuộc gặp là một phần thưởng cao quý mà chúng tôi chưa bao giờ nghĩ tới” - đại tá Nguyễn Đức Cam xúc động nói.
“Anh em chúng tôi vui lắm” - cựu chiến binh Nguyễn Đình Thắng, người được đồng đội gọi vui là Thắng “còng”, chia sẻ. Cứ cần hỏi gì về sư đoàn 356, đồng đội cứ chỉ mọi người đến hỏi ông Thắng.
Năm 2005, lần đầu cùng vợ con và đồng đội trở lại Vị Xuyên, có lẽ người cựu chiến binh này cũng không ngờ mình vừa bước vào một cuộc hành trình mới, đó là tìm lại và viết tiếp những trang sử của sư đoàn... Và giờ trước mắt họ sẽ là một chặng đường rất dài để tìm lại các đồng đội cũ đã ngã xuống, đưa họ trở về trong vòng tay gia đình, anh em sau 30 năm nằm lại nơi sương gió biên cương.
“Tôi rất mong chúng ta có thể xây được một miếu thờ những anh em liệt sĩ. Miếu thờ không chỉ dành riêng cho các liệt sĩ của sư đoàn 356 mà còn dành cho cả các liệt sĩ đã hi sinh trên mặt trận Vị Xuyên suốt những tháng năm chiến đấu chống quân phương Bắc xâm lược” - đại tá Nguyễn Văn Thành (nguyên sư đoàn phó hậu cần) bày tỏ.
Đại tá Nguyễn Đức Cam nói kế hoạch quy tập hài cốt của những người lính sư đoàn 356 bắt đầu ngay buổi sáng hôm nay 15-7.
Vẫn sẵn sàng lên đường Từ Vị Xuyên về đến Hà Nội, những người lính tuyên văn của sư đoàn 356 lại hát khúc Về đây đồng đội ơi tại cuộc gặp mặt Chủ tịch nước. Vẫn còn vẹn nguyên những cảm xúc như lần đầu hát trên đài hương cao điểm 468, vẫn những đôi mắt đỏ hoe và giọt nước mắt tràn mi. Nhưng khúc hát gọi đồng đội của sư đoàn 356 ngày 14-7 ở Hà Nội có cả niềm rưng rưng hạnh phúc. “Cách đây 30 năm chúng tôi nghĩ gì khi bước vào cuộc chiến đó. Lúc mười tám, đôi mươi chúng tôi nghĩ đơn giản có ba điều: đó là Tổ quốc, gia đình và đồng đội, ba điều đó không thể tách rời. Sau 30 năm, chúng tôi đang sống cuộc sống của những đồng đội đã hi sinh tặng lại. Chúng tôi sống cuộc sống bình thường để con cháu lớn lên có trách nhiệm với gia đình, Tổ quốc, đồng đội. Chúng tôi biết Chủ tịch nước là người có quyền hạn thống lĩnh lực lượng vũ trang, ra lệnh tổng động viên. Chúng ta mong muốn cháy bỏng hòa bình nhưng vì Tổ quốc thiêng liêng, bất cứ khi nào Chủ tịch nước ra lệnh, chúng tôi lại sẵn sàng lên đường” - nhạc sĩ Trương Quý Hải, cũng là một người lính sư đoàn 356, bày tỏ. |
Theo HÀ HƯƠNG - VÕ VĂN THÀNH - TTO