Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đài Loan nói rằng cuộc tập trận này chỉ là "thói quen và quy mô đã không mở rộng so với các năm trước" sau phản đối của Việt Nam.
Thông tấn xã Đài Loan ngày 4/11 đưa tin, Đài Loan đã "hạ thấp tầm quan trọng" của cuộc tập trận bắn đạn thật (bất hợp pháp - PV) đang tiến hành trên đảo Ba Bình nằm trong quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam - PV) và tin rằng nó sẽ không gây lo ngại, căng thẳng trong khu vực.
Anna Kao, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đài Loan nói rằng cuộc tập trận này chỉ là "thói quen và quy mô đã không mở rộng so với các năm trước" sau phản đối của Việt Nam. Tuy nhiên Đài Bắc vẫn bảo lưu quan điểm gần như toàn bộ Biển Đông là "lãnh thổ" của Trung Hoa dân quốc?! Và Đài Loan sẽ không cản trở tự do đi lại của tàu thuyền trong khu vực hay làm bất kỳ điều gì khiến căng thẳng gia tăng.
Trong khi đó, lấy cớ Trung Quốc và Việt Nam đang xây dựng cải tạo các đảo ở Trường Sa và "uy hiếp trực tiếp đảo Ba Bình", sáng hôm nay Nghiêm Minh - Bộ trưởng Quốc phòng, Vương Tiến Vượng - Cục trưởng Cục Cảnh sát biển và Khâu Chí Vĩ, nghị sĩ đại diện Ủy ban Quốc phòng và ngoại giao Viện Lập pháp Đài Loan lên đường thị sát bất hợp pháp đảo Ba Bình.
Đoàn quan chức Đài Loan ra Ba Bình với ý đồ thẩm định khả năng chiến đấu của lực lượng đồn trú, xem xét phương án trang bị tên lửa phòng không tầm ngắn và đặt tàu chiến thường trực bất hợp pháp ở đảo này.
Trước khi đi Khâu Chí Vĩ tuyên bố rằng gần đây Trung Quốc và Việt Nam mở rộng cải tạo các đảo, bãi đá ở Trường Sa trong khi Đài Loan vẫn còn bị động, đảo Ba Bình thì lại ở quá xa, "nếu Trung Quốc xuất kỳ bất ý, Đài Loan rất khó giữ nổi đảo Ba Bình".
Tuần trước, Ủy ban Quốc phòng và ngoại giao Viện Lập pháp Đài Loan đã thông qua nghị quyết phân bổ ngân sách và yêu cầu Bộ Quốc phòng Đài Loan bố trí tên lửa phòng không và chiến hạm thường trú bất hợp pháp ở đảo Ba Bình. Lâm Úc Phương, nghị sĩ nắm vai trò chủ đạo trong phương án cải tạo đảo Ba Bình cho rằng căn cứ Trung Quốc đang xây dựng trái phép ở đá Chữ Thập uy hiếp đảo Ba Bình mạnh nhất.
Truyền thông Trung Quốc và Đài Loan gần đây thường viện cớ "Việt Nam cũng xây dựng, cải tạo ở Trường Sa" để ngụy biện cho việc làm bất hợp pháp của họ bởi lẽ, Việt Nam mới thực sự là chủ nhân hợp pháp của quần đảo Trường Sa và việc tăng cường phòng thủ là đương nhiên, hợp pháp. Các bên liên quan trong đó có Trung Quốc và Đài Loan đã nhảy vào tranh chấp, chiếm đóng bất hợp pháp một số đảo, bãi đá ở Trường Sa và việc cải tạo của họ là bất hợp pháp - PV.
Mặt khác, Tuyên bố chung của các bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc và ASEAN ký kết năm 2002 gần như đã bị các bên này mà chủ yếu là Trung Quốc xem như không có khả năng ràng buộc. Họ vẫn tiếp tục, thậm chí đẩy mạnh hoạt động bất hợp pháp thay đổi hiện trạng.
Nếu Việt Nam với tư cách là nước có chủ quyền hợp pháp với quần đảo Trường Sa chỉ biết kêu gọi các bên liên quan (nhảy vào tranh chấp, chiếm đóng bất hợp pháp ở Trường Sa) tôn trọng DOC và không thay đổi hiện trạng mà Việt Nam không làm gì khác khi họ cứ lấn tới thì quả là ngây thơ, không tưởng và "mắc bẫy đạo đức" mà Bắc Kinh giăng ra - PV.
Theo Giao Duc.net