VỌNG RA BIỂN
Tranh chấp Biển Đông được dự đoán còn phức tạp
09:17 | 21/11/2014

Các chuyên gia nhận định, nếu Trung Quốc đã tuyên bố Vùng nhận diện phòng không ở biển Hoa Đông thì rất có thể họ sẽ thực hiện việc này ở biển Đông, dẫn đến các xung đột có thể đe dọa hòa bình và an ninh khu vực. 

Chiều 18/11, Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 6 đã bế mạc tại Đà Nẵng. Sau hai ngày thảo luận, gần 200 học giả, chuyên gia trong nước và quốc tế đã vẽ ra bức tranh toàn cảnh cho vấn đề Biển Đông hiện nay. Với tầm quan trọng chiến lược, biển Đông trở thành không gian cạnh tranh gián tiếp giữa các cường quốc và là "nguồn cơn" làm phức tạp thêm tình hình.

Trung Quốc được dự đoán có tham vọng nâng tầm năng lực biển và sức mạnh hải quân của mình nhằm cho thế giới thấy sự hữu hình của một siêu cường. Trong khi đó, Mỹ cũng không dễ gì nhường lại khu vực Biển Đông cho Trung Quốc, bởi đi kèm với đó là lợi ích của nước này ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương dù mới đây hai bên đã có tuyên bố giảm đối đầu về quân sự.

IMG-3260-6021-1416369433.jpg

Các đại biểu, chuyên gia tham dự Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 6. Ảnh: Nguyễn Đông.

Chính tham vọng trở thành cường quốc biển tại Hoa Đông và Biển Đông đã khiến Trung Quốc có quan niệm mới về cấu trúc an ninh khu vực châu Á, và tình hình trở nên phức tạp thêm khi sự cạnh tranh giữa các nước lớn trong khu vực ngày càng trở nên gay gắt.

"Nếu Trung Quốc tiếp tục cứng rắn trong yêu sách của mình, cũng như hung hăng trong cách ứng xử thì căng thẳng giữa các nước láng giềng sẽ dẫn đến bất đồng", ông Anup Singh, nguyên Tư lệnh Hạm đội Hải quân miền Đông Ấn Độ, nói.

Theo ông Anup Singh, sau sự kiện Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, giữa Việt Nam và Trung Quốc đã rất khó khăn mới có thể xây dựng lại mối quan hệ tốt đẹp. Tuy nhiên, với hành động hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam hồi đầu tháng 5 vừa qua, chính Trung Quốc đã xới lại những căng thẳng cũ và khơi mào cho một giai đoạn không mấy dễ chịu.

"Ai cũng hiểu rằng Trung Quốc đang hành động với cách nghĩ chỉ dựa trên cơ sở của sự tự tin thái quá đến từ sức mạnh kinh tế và quân sự của mình", ông nói.

"Cán cân quyền lực đã mất cân bằng tại khu vực chiếm tới một nửa lượng hàng hóa vận chuyển của thế giới, sở hữu một nguồn năng lượng và nguyên liệu công nghiệp dồi dào - dầu khí - và các nền kinh tế đầy hứa hẹn. Tranh chấp đang làm gia tăng sự bất hòa, sự phản kháng và các cuộc biểu tình công khai không mấy dễ chịu, làm thay đổi kết cấu của việc chung sống hòa bình".

Ông Anup Singh nhận định môi trường địa chính trị tại biển Đông chắc chắc đã thay đổi theo hướng xấu đi trong vòng 5 năm qua. Lo ngại gia tăng cùng với việc Trung Quốc tăng sức mạnh hải quân và quyết đoán hơn trong các yêu sách chủ quyền. Đó là lý do tại sao các quốc gia trong khu vực đã bắt đầu một chiến dịch hiện đại hóa và mở rộng hoạt động quân sự, dấu hiệu của cuộc chạy đua vũ trang mới đang hiển hiện.

Giáo sư Robert Beckman và Tiến sĩ Phan Huy Thảo đến từ Trung tâm Luật Quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore nhấn mạnh trong tham luận của mình rằng, việc Trung Quốc thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông ngày 23/11/2013, chống lấn lên vùng ADIZ trước đó của Nhật Bản, Hàn Quốc gây ra nhiều quan ngại và vấp phải sự chỉ trích từ các nước cũng như các nhà bình luận trong khu vực.

"Nếu Trung Quốc đã tuyên bố ADIZ ở vùng biển Hoa Đông thì khả năng họ tuyên bố ADIZ ở biển Đông trong thời gian tới là có thể xảy ra, khi đó, tình hình sẽ hết sức phức tạp. Nó cũng sẽ dẫn đến các xung đột khiến cho hoà bình và an ninh khu vực trở nên phức tạp và khó giải quyết. Vì lợi ích hoà bình và ổn định khu vực, các quốc gia liên quan không nên tuyên bố và thực hiện ADIZ", bài tham luận của hai chuyên gia này nêu.

 

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia nhận định, các quốc gia sẽ tìm kiếm biện pháp pháp lý, thay cho những cuộc chạy đua vũ trang cho vấn đề Biển Đông. Từ đó dẫn đến việc định hướng lại các liên minh, và khả năng xảy ra cạnh tranh "không tốt đẹp" trên biển sẽ cao hơn.

Các học giả cho rằng hành động tốt nhất cho các quốc gia là tìm kiếm sự công bằng thông qua Tòa Công lý quốc tế, hay tòa trọng tài thường trực. Cộng đồng quốc tế cũng cần tăng cường tiếng nói phản đối nguy cơ đe dọa tới tự do trên biển và cho nền kinh tế thế giới. Trong tình hình căng thẳng hiện nay, các bên liên quan cần nỗ lực kiềm chế, không thực hiện các chính sách đơn phương làm thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông. Các hành động bồi đắp đảo nhân tạo để khẳng định yêu sách của mình không chỉ trái với luật pháp quốc tế hiện hành mà còn làm gia tăng nghi kỵ khiến tình hình thêm phức tạp, thậm chí có thể dẫn đến xung đột.

Ông Đặng Đình Quý, giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, nói những biến chuyển to lớn ở phạm vi toàn cầu và khu vực đang tác động trực tiếp và gián tiếp tới nhận thức, lợi ích, chiến lược và chính sách của tất cả các bên, tạo ra rất nhiều "khoảng mờ" trong không gian địa chính trị ở biển Đông, làm gia tăng nghi kỵ và nguy cơ rủi ro tính toán sai lầm, nhất là sai lầm về chiến lược, với các hệ lụy khó lường.

"Vấn đề được nhiều học giả bàn đến là việc hiểu rõ và thống nhất "luật chơi chung" ở biển Đông. Tuân thủ "luật chơi chung" là thước đo mức độ thiện chí và trách nhiệm của mỗi bên với hòa bình, ổn định và an ninh chung ở biển Đông", ông Quý nói.

Theo Nguyễn Đông - Vnexpress

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng