Mỹ và các đồng minh, đối tác cần tăng cường chia sẻ thông tin tình báo hàng hải để tạo điều kiện cho việc đưa ra phản ứng đa phương trước bất kỳ sự cố nào
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 24-11 tỏ ra cay cú sau khi Mỹ kêu gọi nước này ngừng xây đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, lên giọng chỉ trích: “Bất kỳ ai ở bên ngoài Trung Quốc không có quyền đưa ra các tuyên bố vô trách nhiệm về hoạt động của chúng tôi. Hoạt động xây dựng của Trung Quốc nhằm cải thiện điều kiện sống trên đảo”!
Cùng ngày, Thiếu trướng Trung Quốc La Viện cũng lớn tiếng bác bỏ lời kêu gọi nêu trên của Mỹ. Phát biểu với Thời báo Hoàn Cầu, ông La ngang ngược biện minh Bắc Kinh “xây dựng cơ sở hạ tầng trên bãi đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa) chủ yếu để cải thiện cuộc sống của những binh lính đồn trú tại đó” và đòi “Mỹ tránh xa vấn đề này”.
Trước đó, người phát ngôn quân đội Mỹ kêu gọi Trung Quốc ngưng hoạt động cải tạo đá thành đảo khiến tình hình biển Đông thêm căng thẳng. Lời kêu gọi này được đưa ra sau khi tạp chí quốc phòngIHS Jane’s cho biết Bắc Kinh đang cải tạo trái phép bãi đá Chữ Thập thành một đảo nhân tạo dài 3.000 m và rộng 200-300 m, đủ để đặt một đường băng.
Chứng kiến những động thái trên, nhà nghiên cứu người Mỹ Robert Haddick đã đề xuất 6 sáng kiến nhằm ngăn chặn Trung Quốc bành trướng ở biển Đông.
Viết trên tạp chí The National Interest hôm 24-11, ông Haddick cho rằng các nước trong khu vực cần khuyến khích, hỗ trợ hoạt động đánh bắt cá của ngư dân mình tại biển Đông và biển Hoa Đông, xem đây là ưu tiên hàng đầu về an ninh quốc gia.
Điều này không chỉ ngăn cản sự lấn át của tàu cá Trung Quốc mà còn giúp các nước tăng cường sự hiện diện của lực lượng thực thi pháp luật, bảo vệ bờ biển tại những nơi có nhiều tàu cá của nước mình hoạt động. Muốn vậy, các nước cần có chính sách và dành ngân sách để hỗ trợ lực lượng thực thi pháp luật, bảo vệ bờ biển như tăng cường mua sắm tàu tuần tra…
Sáng kiến tiếp theo là các cơ quan hàng hải Mỹ (cả dân sự lẫn quân sự) cùng những nước đồng minh, đối tác tăng cường chia sẻ thông tin, các chuyến thăm viếng và hoạt động đào tạo đa phương. Việc trao đổi thông tin, kinh nghiệm hoạt động, chuyên môn kỹ thuật có chi phí tương đối thấp nhưng sẽ giúp các bên cải thiện năng lực hàng hải.
Ngoài ra, các nước này nên thiết lập một hệ thống chia sẻ thông tin tình báo hàng hải cơ bản, từ đó tạo điều kiện cho việc đưa ra phản ứng đa phương trước bất kỳ sự cố nào, đồng thời cho phép phân bổ hiệu quả các nguồn lực trong quá trình phản ứng.
Bên cạnh đó, nhà hoạch định chính sách của các nước tham gia hệ thống nêu trên cần chuẩn bị thủ tục và nhân sự để ứng phó với bất kỳ sự cố hoặc cuộc khủng hoảng hàng hải nào có thể xảy ra. Mục đích của sáng kiến thứ năm này là giúp các nước quản lý khủng hoảng một cách trơn tru và hiệu quả, đồng thời ngăn cản các đối thủ tiềm tàng lợi dụng khủng hoảng để tạo ra đòn bẩy cho mình.
Cuối cùng, cần mở rộng số quốc gia tham gia các sáng kiến kể trên, qua đó gia tăng tính hợp pháp và nỗ lực bảo vệ an ninh hàng hải, chủ quyền lãnh thổ và quyền tài phán ở biển Đông, biển Hoa Đông.
Philippines phạt tiền ngư dân Trung Quốc
Một tòa án Philippines hôm 24-11 đã tuyên phạt 9 ngư dân Trung Quốc mỗi người 102.000 USD (khoảng 2,17 tỉ đồng) về tội đánh bắt trộm loài rùa biển xanh có nguy cơ tuyệt chủng trong vùng biển mà nước này xem là lãnh hải. Nếu không nộp phạt, các ngư dân này sẽ phải chịu án tù 6 tháng.
Tháng 5 vừa qua, cảnh sát Philippines đã bắt giữ 11 ngư dân Trung Quốc và tàu cá bên ngoài bãi Trăng Khuyết (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Sau đó, 2 ngư dân vị thành niên được thả về nước, 9 người còn lại bị tạm giữ để điều tra.
Bản án nêu trên được tuyên bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Bắc Kinh. Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario tuyên bố nước này “đơn giản là thực thi luật lệ của mình”.
Ph.Nghĩa