VỌNG RA BIỂN
Trung Quốc vươn vòi khai thác dầu khí ở Biển Đông
08:51 | 01/12/2014

Trung Quốc gần đây tuyên bố nước này dự tính sẽ khai thác một mỏ dầu lớn có khả năng cung cấp 6 triệu thùng/năm trên Biển Đông.

Trung Quốc vươn vòi khai thác dầu khí ở Biển Đông

Tờ VOV dẫn thông tin từ tờ Want China Times của Đài Loan cho biết, Trung Quốc dẫn từ bản Kế hoạch Hành động Chiến lược về Phát triển các Nguồn tài nguyên cùa Trung Quốc giai đoạn 2014-2020 về việc triển khai khai thác mỏ dầu kể trên.

Cho đến nay, Trung Quốc đã khai thác dầu tại nhiều khu vực ven bờ với diện tích tổng diện tích khoảng 160.000 km² tại Biển Đông, vùng biển có diện tích hơn 3 triệu km².

Với sự phát triển của các phương tiện công nghệ cho phép khoan dầu tại biển sâu và áp lực của nền kinh tế khát năng lượng, Trung Quốc đang có kế hoạch phát triển các giàn khoan ngoài khơi xa.

Cách nay hơn hai năm, ngày 23/06/2012, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã ngang nhiên loan báo mời nước ngoài đầu thầu thăm dò 9 lô dầu khí ở khu vực mà họ xác định là "vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc" ngoài Biển Đông.

Các lô dầu này nằm sát bờ biển miền Trung và miền Nam của Việt Nam, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.

Theo Reuters, tháng 07/2014, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc tuyên bố đang nghiên cứu khả năng xây dựng một nhà máy khí hóa lỏng nổi trị giá hàng tỷ USD để khai thác khí đốt ở vùng nước sâu của Biển Đông.

Biển Đông là khu vực được cho là có trữ lượng lớn về dầu khí. Theo nhật báo kinh tế Pháp   Les Echos, một số ước tính, đặc biệt của các công ty dầu khí và bộ ngành Trung Quốc, đưa ra các con số khổng lồ, từ 17-50 tỷ tấn. Tuy nhiên, theo nhiều ước đoán từ phía Mỹ, thì trữ lượng dầu Biển Đông chỉ ở mức khoảng 1,5 tỷ tấn.

Hồi đầu tháng 11/2014, Trung Quốc cũng tuyên bố họ vừa chế tạo thành công chiếc tàu khoan biển đầu tiên, mang tên "Reignwood Opus Tiger 1" được tài trợ bởi Tập đoàn Reignwood của Trung Quốc và được đóng tại xưởng đóng tàu Thượng Hải. Được biết, đây là tàu khoan đầu tiên Trung Quốc tự thiết kế và và thi công.

Số tiền chính xác đầu tư vào công trình này không được tiết lộ. Nhiều chuyên gia trong ngành ước đoán: tổng chi phí dự án vào khoảng 200 đến 300 triệu USD.

Tờ Tân Hoa Xã lớn tiếng khẳng định, công nghệ tiên tiến của Reignwood Opus Tiger cho phép nó có khả năng thăm dò nguồn dầu khí ở Biển Hoa Đông và cả Biển Đông, vùng biển vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.

Ông Liu tiết lộ thêm, một tàu khoan dầu thứ hai với những tiêu chuẩn tương tự đang trong quá trình xây dựng. Trong tương lai, Trung Quốc sẽ đóng thêm tàu giàn khoan hiện đại khác nhằm nâng cao hiệu suất khoan dầu tại nhiều vùng biển trên thế giới.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng tuyên bố giàn khoan Nam Hải 09 của họ đã có thể khai thác ở khu vực nước sâu ở Biển Đông sau khi kết thúc khai thác một mỏ dầu ở gần biển Hoa Đông. Trung Quốc cũng đang đóng thêm một giàn khoan Hải Dương 982, tương tự như chiếc 981 đã vi phạm vào lãnh hải Việt Nam hồi tháng 5 vừa qua.

Có thể nói Trung Quốc đang đầu tư ồ ạt vào các công nghệ thăm dò và khai thác dầu khí ở Biển Đông.

Theo baodatviet

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng