Một trường hợp bảo tồn độc đáo vừa diễn ra giữa lòng Phố cổ Hà Nội: "Hồi sinh" từ rạp hát Lạc Việt thời Pháp thuộc, Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ được xây lại với kiến trúc hoàn toàn mới và chỉ giữ lại duy nhất... một mảng tường cũ để lưu giữ dấu ấn quá khứ.
Nằm tại 50 Đào Duy Từ, trung tâm này được khánh thành vào hôm qua, 2/2. Rộng 460 m2 (với tổng diện tích sàn là 1265 m 2), cả ba tầng nổi và 1 tầng hầm của tòa nhà này đều được phân chia theo các chức năng chính về trưng bày triển lãm làng nghề, tư liệu lịch sử phố cổ, hội thảo hoặc biểu diễn nghệ thuật trong nước và quốc tế.
Trong lịch sử, khu vực này từng là nền cũ của rạp hát Sán Nhân Đài (sau đổi tên là Lạc Việt rồi Hiệp Thành) được xây dựng vào khoảng những năm đầu TK XX. Sau cách mạng, khi các gánh chèo ít còn hoạt động, rạp hát dần trở thành nơi cư trú của nhiều hộ dân, rồi bị phá hủy gần hết trong một vụ hỏa hoạn vào năm 1989.
Được biết, để có được Trung tâm như hiện tại, chính quyền quận Hoàn Kiếm đã phải bỏ ra khoảng 35 tỷ đồng để di dời các hộ dân bám trụ tại diện tích vẫn được gọi là "khu nhà cháy" này. Ngoài ra, kể từ năm 2013, thêm 30 tỷ đồng nữa được đầu tư để xây dựng Trung tâm, với sự cố vấn của các chuyên gia đến từ Toulouse (Pháp).
Điểm nổi bật về kiến trúc của Trung tâm mới chính là hình dáng tương đối trẻ trung và hiện đại. Với hệ thống cột và khung kính trên cao, kiến trúc này được coi là mô phỏng lại hình dáng nhà ống trong phố cổ Hà Nội, với các sân trong, cây xanh và những giếng trời lấy ánh sáng từ 2 đầu để tạo sự thông thoáng. Ở phía dưới, duy nhất một bức tường rộng chừng 10 m2 – còn sót lại từ rạp Lạc Việt cũ- được bảo tồn và gắn liền với kiến trúc chung để trở thành một phần tường ngoài của tòa nhà.
"Chúng tôi đã thuyết phục các chuyên gia bảo tồn khá lâu để đạt được sự đồng thuận về kiến trúc này. Sự thực, biến dạng theo thời gian, không tài liệu nào lưu giữ được kiến trúc nguyên bản của rạp Lạc Việt trong lịch sử, nên việc phục dựng hệt như cũ là bất khả thi" – KTS Nguyễn Hoàng Long (Viện Quy hoạch Kiến trúc đô thị và nông thôn), người tham gia lập đồ án, cho biết - " Kiến trúc mới vừa đảm bảo được công năng sử dụng của Trung tâm, vừa gợi sự kết nối với quá khứ nhưng vẫn tránh được lối mòn theo kiểu... giả cổ đầy cứng nhắc".
"Chúng ta hoàn toàn có thể vừa lưu giữ những tư liệu về một phố cổ Hà Nội trong quá khứ, vừa nghiên cứu tìm ra những phương án bảo tồn hợp lý, mang dấu ấn của nhịp sống hiện đại như trường hợp này" - có mặt tại lễ khai trương Trung tâm, nhà sử học Dương Trung Quốc tỏ ra khá hào hứng với ý tưởng thiết kế mới của Trung tâm - "Thực tế, việc bảo tồn với tư duy uyển chuyển, linh hoạt như vậy khá phổ biến tại các nước phát triển".
Có chức năng tổ chức các sự kiện văn hóa, giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của khu phố cổ, Trung tâm giao lưu văn hóa Phố cổ dự kiến sẽ mở cửa toàn bộ các ngày trong tuần. Đặc biệt, vào các tối cuối tuần, Trung tâm sẽ được mở cửa tới khuya để khớp với nhịp hoạt động của các phố đi bộ lân cận.
Theo Cúc Đường - Thể thao & Văn hóa