VỌNG RA BIỂN
Mỹ vạch tội Trung Quốc trên Biển Đông
09:02 | 20/03/2015

Trong vòng ít tháng Trung Quốc đã biến các bãi đá trên Biển Đông thành 6 căn cứ quân sự.

Mỹ vạch tội Trung Quốc trên Biển Đông
Một xác tàu chiến từ Thế chiến II được binh sĩ Philippines sử dụng để đồn trú ở Scarborough

Tờ Washington Post mới đây cho đăng bài viết của các chuyên gia Mỹ vạch trần hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông. Bài viết cũng đề xuất các bước đi cụ thể của Mỹ nhằm đưa Trung Quốc vào “khuôn khổ”.

Kể tội Trung Quốc

Hai tác giả Michael J. Green và Mira Rapp Hooper cho rằng chỉ trong vòng ít tháng Trung Quốc đã biến đổi một số bãi và bãi đá nhỏ trên Biển Đông thành 6 căn cứ quân sự. Đây là hành động gây đe dọa cho một số quốc gia trong khu vực như Philippines và Việt Nam.

Động thái này là diễn biến mới nhất trong một loạt hành động gây hấn của Trung Quốc.

Hồi năm 2012, các lực lượng hàng hải Trung Quốc đã dồn ép Philippines từ bãi cạn Scarborough (Hoàng Nham) cho tới các tiền đồn ở phía Bắc quần đảo Trường Sa. Cũng trong năm 2012, Bắc Kinh tuyên bố khu vực này nằm dưới quyền quản lý của một khu vực hành chính mới được thành lập.

Tháng 5/2014, các tàu chiến Trung Quốc đã hộ tống đưa giàn khoan dầu khổng lồ "Hải Dương-981" vào vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Việt Nam.

Việc có các vũng cạn và đường băng tại những căn cứ ở quần đảo Trường Sa sẽ cho phép lực lượng không quân và hải quân Trung Quốc duy trì sự hiện diện thường trực tại Biển Đông mà không cần phải quay về đất liền để tiếp nhiên liệu hay sửa chữa.

Giới chức Trung Quốc từng cảnh báo rằng cuối cùng khu vực này cũng sẽ được thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ). Theo đó, mọi máy bay muốn đi qua khu vực cần phải đăng ký với chính quyền Bắc Kinh, giống như điều Trung Quốc từng làm trên Biển Hoa Đông.

Trung Quốc cũng đã thận trọng khi lựa chọn xây dựng các căn cứ quân sự trên những đảo mà tiềm lực của các nước xung quanh không đủ mạnh để thách thức Trung Quốc, cũng như không hoàn toàn nằm trong diện bảo vệ trong các hiệp ước an ninh của Mỹ. Điều này trái ngược với tình thế ở Biển Hoa Đông, nơi Bắc Kinh phải tránh đụng độ với Lực lượng Phòng vệ trên biển hùng mạnh của Nhật Bản và tránh châm ngòi cho hành động can thiệp của Mỹ liên quan tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Ảnh chụp bãi Gaven vào tháng 3/2014 (trái) và tháng 11/2014 (phải) cho thấy hoạt động xây dựng của Trung Quốc
Ảnh chụp bãi Gaven vào tháng 3/2014 (trái) và tháng 11/2014 (phải) cho thấy hoạt                                        động xây dựng của Trung Quốc

Đối sách với Trung Quốc

Theo hai chuyên gia Mỹ, nước này không có quyền lợi trong các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, song Washington có lợi ích quan trọng trong việc không để Trung Quốc sử dụng áp lực thay đổi hiện trạng.

Sẽ khó ngăn chặn Trung Quốc bồi đắp đất đá và xây dựng căn cứ trên các đảo, song có thể thực thi nhiều biện pháp khác nhằm khuyến cáo Bắc Kinh không nên đi theo xu hướng này.

Thứ nhất, Washington nên tiếp tục đầu tư giúp xây dựng năng lực cho các quốc gia trong khu vực như Philippines và Việt Nam - những nước bị đe dọa trực tiếp nhất từ sự tăng cường lực lượng nhanh chóng của Bắc Kinh. Đặc biệt, Mỹ nên ủng hộ nỗ lực của các nước Đông Nam Á cải thiện khả năng giám sát hàng hải. Nhật Bản và các đồng minh khác sẵn sàng giúp đầu tư cơ sở hạ tầng và chuyển giao thiết bị.

Thứ hai, hải quân Mỹ cần phải thể hiện rằng các hành động của Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng tới vấn đề tự do hàng hải trong khu vực. Việc Mỹ triển khai luân phiên 4 tàu chiến tới Singapore sẽ giúp ích cho điều này, song những tàu này và các tàu chiến khác thuộc Hạm đội 7 Hải quân Mỹ cũng nên tăng cường hoạt động diễn tập với các đối tác trong khu vực. Bắc Kinh cũng nên hiểu rằng mọi tuyên bố thiết lập ADIZ trên Biển Đông là "không thể chấp nhận được".

Tàu chiến USS Fort Worth (LCS3) của Mỹ tại Singapore hôm 17/2
             Tàu chiến USS Fort Worth (LCS3) của Mỹ tại Singapore hôm 17/2

Thứ ba, Washington cần ủng hộ các biện pháp ngoại giao và pháp lý của các nước Đông Nam Á nhằm kiềm chế tham vọng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Mỹ lâu nay vẫn khuyến khích việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), song Bắc Kinh dường như muốn trì hoãn tiến trình đàm phán.

Trong bối cảnh đó, Washington nên tăng cường ủng hộ các nỗ lực giải quyết tranh cãi bằng luật pháp quốc tế. Philippines đang kiện các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ra tòa án quốc tế và Mỹ nên cung cấp những thông tin chi tiết cho thấy Trung Quốc đang thay đổi nguyên trạng quần đảo Trường Sa.

Mục tiêu chính sách của Mỹ không nhằm đánh bại Trung Quốc trên mặt trận ngoại giao ở châu Á mà là nhằm đưa Bắc Kinh đi theo một con đường ngoại giao trách nhiệm hơn. Mặc dù Washington đã có những bước đi nhỏ theo hướng này song dường như vẫn đang cân nhắc xem hiện tại đã là thời điểm thật sự thích hợp cho một mối quan hệ căng thẳng với Bắc Kinh hay không?

Việc Trung Quốc nhanh chóng tăng cường lực lượng ở Biển Đông sẽ khiến vấn đề này trở nên rõ ràng hơn. Nếu không có một sự phản ứng mạnh mẽ ngay lúc này thì gần như chắc chắn sẽ xảy ra một cuộc đối đầu nguy hiểm hơn trong tương lai.

  Theo An Ninh - Đất Việt

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng