Chiến hạm Đinh Tiên Hoàng của Việt Nam trên Biển Đông. Ảnh nguồn PNTD
Theo Phó Đô đốc Robert Thomas, các nước hoàn toàn có thể hợp tác với nhau để bảo đảm được vấn đề an ninh trên biển mà vẫn tôn trọng chủ quyền và vùng duyên hải của các quốc gia khác. Ví dụ rõ nhất về khả năng này là hợp tác quốc tế trong chiến dịch chống cướp biển ở Vịnh Aden.
Phát biểu với tư lệnh Hải quân các nước khác nhân cuộc Triển lãm Hàng hải và Hàng không Không gian Quốc tế Langkawi ở Malaysia, Tư lệnh Hạm đội 7 công nhận rằng vấn đề này "nói thì dễ, nhưng làm thì khó hơn", nhưng nếu các quốc gia ASEAN đi đầu trong việc này, thì: "Hãy tin tôi, Hạm đội 7 của Hoa Kỳ sẽ sẵn lòng hỗ trợ".
Tuyên bố của Phó Đô đốc chỉ huy hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ được cho là một dấu hiệu trấn an gửi đến các đồng minh, theo đó Hoa Kỳ sẽ ủng hộ các nước này trong việc đối phó với ý đồ của Trung Quốc, muốn chiếm trọn 4 phần 5 Biển Đông.
Trong thời gian gần đây, Bắc Kinh càng lúc càng gia tăng sức ép trên các quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc bằng cách tăng tốc độ và cường độ bồi đắp các bãi ngầm hay rạn san hô mà họ đánh chiếm của Việt Nam và Philippines, biến các nơi này thành các hòn đảo nhân tạo, có thể được dùng làm bàn đạp quân sự giúp Bắc Kinh thao túng toàn vùng Biển Đông.
Chính Phó Đô đốc Thomas, vào tháng Giêng vừa qua, đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ khuyến khích Nhật Bản mở rộng phạm vi tuần tra của quân đội nước này từ vùng Biển Hoa Đông qua vùng Biển Đông, một đề xuất được Tokyo đáp ứng thuận lợi.
Còn trong một bài phỏng vấn được công bố hôm 16/03/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen đã tuyên bố hoan nghênh việc Ấn Độ đóng một vai trò lớn hơn ở Biển Đông.
Đề xuất thành lập một lực lượng tuần tra biển chung của khối ASEAN tuy nhiên đã bị một vài chuyên gia cho là không tưởng.
Trả lời hãng tin Mỹ Bloomberg, ông Richard Bitzinger, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore nhận định rằng việc thành lập một lực lượng tuần tra biển chung là "một ý tưởng tốt đẹp, nhưng nó sẽ không bao giờ trở thành một thực tế có ý nghĩa".
Theo chuyên gia này, ngoài các khó khăn kỹ thuật trong việc tạo dựng khả năng phối hợp tác chiến giữa các nước, trang bị các thiết bị thông tin liên lạc đồng nhất, chấp thuận chia sẻ thông tin tình báo, còn có một vấn đề nan giải khác. Đó là tất cả các nước phải có cùng nhận thức về mối đe dọa chung.
Trong trường hợp Biển Đông, rõ ràng là có nhiều nước ASEAN không xem Trung Quốc là mối đe dọa.
Theo Trọng Thành- BizLIVE.vn