“Mỹ tiếp tục có những bước đi vững chắc nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định ở biển Đông và chúng tôi đã thẳng thắn bày tỏ những mối quan ngại của chúng tôi”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke cho biết, theo tờ Philippine Star (Philippines) ngày 22.3.
Ông Rathke xác nhận Bộ Ngoại giao Mỹ đã nhận được lá thư từ các thượng nghị sĩ Mỹ báo động về quy mô và tốc độ bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc ở biển Đông, đồng thời kêu gọi chính phủ Mỹ cần có một chiến lược chính thức để ngăn hoạt động này của Bắc Kinh.
Khi được hỏi "ông có nhất trí với cáo buộc trong lá thư cho rằng Trung Quốc đang dùng những biện pháp phi quân sự gây hấn nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền nuốt chửng gần hết biển Đông?", ông Rathke
đáp: “Đây có thể không phải ngôn từ chúng tôi sử dụng, nhưng chúng tôi đã từng nói những hành động này là gây bất ổn”.
Trong thư, các thượng nghị sĩ nổi tiếng của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, gồm John McCain, Bob Corker, Jack Reed và Bob Menendez, cho biết hoạt động bồi đắp và xây dựng đảo của Trung Quốc đã cho quân đội nước này khả năng mở rộng phạm vi hoạt động và là “một thách thức trực diện, không chỉ đối với các quyền lợi của Mỹ và khu vực, mà còn cả cộng đồng quốc tế”.
Trường Sa là quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam và Bắc Kinh đang xây dựng trái phép đảo nhân tạo tại nhiều bãi đá ngầm tại đây.
Như Thanh Niên Online đã đưa tin, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 5.3, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết: “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
"Việc Trung Quốc xây dựng mở rộng trái phép công trình trên các bãi, đá và làm thay đổi nguyên trạng tại khu vực Trường Sa không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, mà còn vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) đã ký kết giữa Trung Quốc và ASEAN. Việt Nam phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động sai trái đó”, bà Hằng cho hay.
Trung Quốc ngày 8.3 ngang ngược nói việc Bắc Kinh xây dựng đảo nhân tạo tại 6 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hợp pháp và “cần thiết”.
Tàu của Trung Quốc tuần tra tại bãi cạn Scarborough trên biển Đông. Trung Quốc được cho là chiếm bãi cạn này từ Philippines vào năm 2012 - Ảnh: Reuters
|
Truyền thông Trung Quốc bảo Mỹ đừng ‘xúi bậy’ về tình hình biển Đông
Cũng trong ngày 21.3, truyền thông nhà nước Trung Quốc gọi Mỹ là “kẻ thích xen vào chuyện người khác”, đề nghị ngừng “xúi bậy” và can dự vào vấn đề biển Đông.
Bài xã luận bằng tiếng Anh của Tân Hoa xã có tựa đề “Mỹ - Kibitzer trên biển Đông”. Kibitzer là một từ trong tiếng Đức cổ của người Do Thái ở Trung và Đông Âu có nghĩa là người thích xen vào chuyện người khác, đưa ra lời khuyên không cần thiết hay nói cách khác là “xúi bậy”, trong trường hợp này là “xúi bậy” về tình hình biển Đông, theo AFP.
“Chú Sam (tức Mỹ) lâu nay nghiện nhiều thứ, chẳng hạn như ra oai, dạy đời và mượn tiền, nhưng nay chuyển sang xúi bậy”, theo đoạn mở đầu của bài xã luận.
Bài xã luận cho rằng dấu hiệu nghiện “xúi bậy” gần đây nhất của Mỹ xuất hiện trong tuần này khi Tư lệnh Hạm đội 7 Mỹ, Phó đô đốc Robert Thomas, đề xuất các nước ASEAN tuần tra chung trên biển Đông.
Ông Thomas hôm 18.3 tuyên bố Hạm đội 7 của Mỹ sẽ sẵn sàng hỗ trợ ASEAN tuần tra chung trên biển Đông. Trước đó, ông Thomas từng kêu gọi Nhật Bản, đồng minh của Mỹ, tham gia tuần tra ở biển Đông. Bài xã luận còn lên án lá thư của các thượng nghị sĩ Mỹ kể trên.
“Những hành động xúi bậy như thế này là hành vi không phù hợp đối với một bên luôn công khai cam kết không đứng về phe nào trong tranh chấp biển Đông, tức giữa Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á”, theo bài xã luận.
Tân Hoa xã đăng tải bài xã luận vào ngày 21.3 được cho là để phụ họa cho những tuyên bố mà phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đưa ra trước đó vào ngày 20.3.
Ông Hồng nói đề xuất của ông Thomas “sẽ không thể giúp giải quyết tranh chấp trên biển Đông, không thể đóng góp gì cho hòa bình và ổn định trên biển Đông”, theo Tân Hoa xã.
Theo ông Hồng, Trung Quốc và ASEAN đã đề xuất một sáng kiến chung, theo đó họ sẽ đảm bảo hòa bình và ổn định trên biển Đông một cách độc lập mà không cần quốc gia nào khác can thiệp vào, đồng thời đề nghị Mỹ không đưa ra những tuyên bố “vô trách nhiệm”.
“Đã đến lúc Chú Sam chấm dứt đưa ra những bình luận vô trách nhiệm và rút lại bàn tay hay xen vào chuyện người khác, để giúp các bên liên quan trực tiếp giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông theo cách riêng của họ trong hòa bình”, theo bài xã luận của Tân Hoa xã.
Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” hay “đường 9 đoạn” nuốt trọn gần cả biển Đông, tuyến đường biển quan trọng với 5.000 tỉ USD hàng hóa được vận chuyển bằng tàu qua đây mỗi năm.
Theo Phúc Duy - Thanh Niên Online