Washington cho rằng Tokyo có khả năng và năng lực để hoạt động trong các vùng biển quốc tế và kêu gọi Nhật Bản mở rộng tuần tra ra Biển Đông.
"Phòng vệ tập thể (CSD) cho phép Hạm đội 7 và Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) tập luyện và hoạt động trên biển Ấn Độ - châu Á - Thái Bình Dương", Reuters dẫn lời Phó đô đốc Robert Thomas, chỉ huy Hạm đội 7 của Mỹ, phát biểu hôm 31/3 trên tàu chỉ huy USS Blue Ridge ở Yokohama.
Nhật Bản " có khả năng va năng lực để hoạt động tại các vùng biển cũng như không phận quốc tế ở bất cứ nơi nào trên thế giới", ông Thomas nói với truyền thông trong buổi họp báo với Đô đốc Eiichi Funada, chỉ huy JMSDF.
Theo đó, các nhiệm vụ chung và hoạt động huấn luyện giữa Tokyo và Washington có thể mở rộng từ Nhật Bản qua Biển Đông, sang Ấn Độ Dương. Mỹ và Nhật Bản đều không có chủ quyền trên Biển Đông nhưng Hạm đội 7 hoạt động tại khu vực này,
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nói liên minh Mỹ - Nhật Bản "không nên vượt quá phạm vi song phương cũng như gây hại đến lợi ích của các quốc gia trong khu vực".
"Chúng tôi hy vọng sự hợp tác và phát triển các mối quan hệ giữa Mỹ với Nhật Bản có thể đóng vai trò tích cực và xây dựng cho hòa bình, phát triển và ổn định khu vực", bà Hoa nói trong một phiên họp báo thường ngày ở Bắc Kinh.
Tokyo và Washington thông báo họ sẽ quyết định những hướng mới trong quan hệ đồng minh lâu năm vào tháng 6, cho phép Nhật Bản có vai trò nổi bật hơn.
Hạm đội 7 sở hữu hạm đội hàng không mẫu hạm hoạt động ngoài khơi Nhật Bản, có khoảng 80 tàu, 140 phi cơ và 40.000 thủy thủ. Đây là hạm đội hải quân hùng mạnh nhất ở tây Thái Bình Dương. Trong khi đó, JMSDF của Nhật Bản có khoảng 120 tàu, trong đó có hơn 40 tàu khu trục và một lực lượng tàu ngầm khoảng 20 chiếc.
Theo Như Tâm - VnExpress