Không có các bằng chứng và tài liệu đáng tin cậy để chứng minh “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc trên biển Đông, các học giả và quan chức Trung Quốc chơi trò ngụy tạo bằng chứng.
Nhà báo kỳ cựu của BBC Bill Hayton cho biết trong cuốn sách Contest for the South China sea (Cạnh tranh ở Nam Hải), tác giả Marwyn Samuels cho biết một bằng chứng của “chủ quyền” Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa có xuất xứ từ năm 1883.
Chôn bia giả
Theo Samuels, triều đình nhà Thanh khi đó chính thức phản đối một chuyến đi thám hiểm của các chuyên gia Đức đến Trường Sa. Samuels trích nguồn tham khảo là bài báo trong tạp chí Minh báo số ra tháng 5-1974 mà không hề có bằng chứng nào khác.
Các tác giả Hungdah Chiu và Choo Ho Park cũng đưa ra lập luận tương tự. Sau đó, học giả Đức Dieter Heinzig dựa vào sách của Samuels để khẳng định rằng sau khi triều đình nhà Thanh lên tiếng phản đối, phái đoàn thám hiểm Đức đã rút khỏi Trường Sa.
Tuy nhiên trên thực tế đây là thông tin giả mạo. Các tài liệu lịch sử của Đức cho biết các nhà thám hiểm Đức vẽ bản đồ quần đảo Hoàng Sa chứ không phải là Trường Sa từ năm 1881-1883.
Họ hoàn thành chuyến thám hiểm và xuất bản bản đồ này. Một ấn phẩm bằng tiếng Pháp được xuất bản năm 1885.
Samuels lập luận rằng Công ước Pháp - Thanh 1887 do Chính phủ Pháp đàm phán với triều Thanh để phân chia đường biên giới Bắc kỳ (Việt Nam) với Trung Quốc là thỏa thuận quốc tế công nhận quyền kiểm soát các đảo trên biển Đông cho Bắc Kinh.
Điều 3 của Công ước Pháp - Thanh quả thật là công nhận các đảo phía đông kinh tuyến Paris 105°43’ cho Trung Quốc.
Nhưng Samuels và các học giả khác vô tình (hay cố ý) không nhận ra rằng Công ước Pháp - Thanh được áp dụng đối với Bắc kỳ. Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở xa tại phía Nam Việt Nam và hoàn toàn không nằm trong phạm vi bao trùm của Công ước Pháp - Thanh.
Các học giả Trung Quốc và thân Trung Quốc còn khẳng định quan chức triều Thanh chính thức công du đến quần đảo Hoàng Sa vào năm 1902 rồi trở lại vào năm 1908. Các tác giả Samuels, Greg Austin, Daniel Dzurek đều dựa vào nguồn của Minh báo để đưa ra kết luận này.
Còn Hungdah Chiu và Choo Ho Park cho rằng chuyến đi trở lại diễn ra vào năm 1907. Tuy nhiên tài liệu do một ủy ban ở tỉnh Quảng Đông xuất bản năm 1987 cho thấy tháng 6-1937, ông Huang Qiang, lãnh đạo Khu hành chính số 9 của Trung Quốc, đã bí mật đi thuyền tới quần đảo Hoàng Sa.
Thuyền của Huang Qiang chở theo 30 tấm bia đá, một số khắc năm 1902, một số là 1912 và số còn lại là 1921. Tại Đảo Bắc ở Hoàng Sa, đoàn Trung Quốc chôn hai tấm bia đá khắc năm 1902 và bốn bia khắc năm 1912.
Trên đảo Linh Côn họ chôn một bia khắc năm 1902, một bia khắc năm 1912 và một bia khắc năm 1921. Trên đảo Phú Lâm họ chôn hai bia khắc năm 1921. Và trên đảo Đá họ chôn một bia khắc năm 1912. Các tấm bia này bị lãng quên cho đến năm 1974.
Sau khi dùng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974, quân đội Trung Quốc “phát hiện” các tấm bia này và báo chí nước này đồng loạt hò reo khẳng định “chủ quyền” của Trung Quốc đối với Hoàng Sa. Và thế là chuyến công du chính thức 1902 tưởng tượng được đưa vào sử sách Trung Quốc như là chuyện có thật.
Tuy nhiên nhà địa lý học người Pháp Francois-Xavier Bonnet đã lột trần sự giả dối này. Trong nghiên cứu năm 1997, tác giả Jianmeng Shen cũng khẳng định năm 1932 chính quyền Trung Quốc xem xét lại tên các đảo ở biển Đông.
Nhưng các tài liệu của chính Trung Quốc cho thấy nước này chỉ đơn giản dịch tên quốc tế hoặc tên tiếng Anh của các đảo ra tiếng Hoa. Và Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý cho thấy triều đình nhà Nguyễn đã thực hiện chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ rất lâu trước khi Trung Quốc nhòm ngó biển Đông.
Lời phản đối tưởng tượng
Một lập luận mà các học giả Trung Quốc hay sử dụng để khẳng định “chủ quyền” đối với quần đảo Trường Sa là nước này chính thức phản đối việc Pháp, với tư cách là nhà nước bảo hộ Việt Nam, khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa tháng 7-1933.
Tuy nhiên trên thực tế Trung Quốc không hề đưa ra bất kỳ lời phản đối chính thức nào. Trong nghiên cứu năm 1975, tác giả Tao Cheng dẫn nguồn một tờ báo Thượng Hải nói Trung Quốc chính thức phản đối Pháp vào năm 1935. Sau đó Chiu và Park cũng viết “có bằng chứng cho thấy Trung Quốc phản đối”.
Nhưng sau đó chính Chiu và Park thừa nhận ngày Trung Quốc gửi công hàm phản đối không tồn tại trong tài liệu nào, cũng không được ghi nhận trong Biên bản ghi nhớ về bốn quần đảo lớn của Trung Quốc ở Nam Hải do Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố tháng 2-1974.
Các tài liệu của Jianmeng Shen dẫn nguồn tham khảo của Tao Cheng cùng Chiu và Park, nhưng đều không đưa ra được bằng chứng cần thiết. Trên thực tế, học giả Pháp Francois-Xavier Bonnet tìm thấy tài liệu ở Mỹ cho thấy sau khi Pháp ra tuyên bố chủ quyền với Trường Sa, Trung Quốc đã không đưa ra lời phản đối chính thức nào.
Học giả Bonnet cho biết các tài liệu từ Trung Quốc cho thấy hội đồng quân sự nước này đã nhóm họp vào tháng 9-1933 và xác định quần đảo Trường Sa không thuộc chủ quyền của Trung Quốc nên không lên tiếng phản đối.
Sau đó, đến năm 1946 chính quyền Trung Quốc ghi vào tài liệu nhà nước rằng năm 1933 có lên tiếng phản đối chính thức như thể chuyện đó từng xảy ra. Nhưng sự thật là không hề có bất kỳ lời phản đối nào của Bắc Kinh.
Trong nghiên cứu năm 2002, Jianmeng Shen hùng hồn mô tả Trung Quốc đã tổ chức ba chuyến thăm dò quy mô lớn ở Trường Sa vào năm 1932, 1935 và 1947. Nhưng các tài liệu lịch sử cho thấy Trung Quốc chẳng hề tổ chức một cuộc thăm dò nào ở Trường Sa cả mà chỉ copy các tấm bản đồ quốc tế mà thôi. Nhưng rồi Trung Quốc vẫn cứ nhận vơ rằng Trường Sa là lãnh thổ cực nam của nước này.
Thêm những dối gạt
Bộ Ngoại giao Trung Quốc và các học giả nước này còn lập luận rằng trong Tuyên bố Cairo 1943, các nước đồng minh trao quyền kiểm soát các đảo trên biển Đông cho Trung Quốc.
Nhưng thực tế là Tuyên bố Cairo chỉ nhắc đến việc trục xuất lực lượng Nhật ra khỏi các vùng lãnh thổ bị họ chiếm đóng, chẳng có gì nói đến việc trao các vùng lãnh thổ này cho Trung Quốc.
Các tác giả Trung Quốc còn nhắc đến việc lực lượng Trung Quốc tiếp nhận sự đầu hàng của đơn vị đồn trú Nhật tại Hoàng Sa và Trường Sa sau Thế chiến II. Có ý kiến còn cho rằng quân đội Mỹ đã đưa lính Trung Quốc tới Hoàng Sa và Trường Sa để thực hiện việc tiếp nhận này.
Nhưng các tài liệu quân sự của Mỹ và Úc khẳng định đó cũng là những lập luận giả mạo. Trong Thế chiến II, Nhật có căn cứ quân sự ở đảo Phú Lâm và đảo Hoàng Sa thuộc quần đảo Hoàng Sa cùng đảo Ba Bình ở Trường Sa. Tàu ngầm Mỹ USS Pargo bắn phá đảo Phú Lâm vào ngày 6-2-1945. Đến ngày 8-3 máy bay Mỹ ném bom cả đảo Phú Lâm và đảo Hoàng Sa.
Một tàu ngầm khác của Mỹ là USS Cabrilla đến đảo Phú Lâm ngày 2-7. Máy bay Mỹ ném bom đảo Ba Bình ngày 1-5-1945. Sáu tháng sau, hải quân Mỹ đưa lực lượng do thám tới Ba Bình và phát hiện lực lượng Nhật đã rút đi.
Mãi đến tháng 12-1946, một đoàn Trung Quốc dùng tàu chiến đã cũ do Mỹ cho hải quân Trung Quốc mới mò đến đảo Ba Bình. Trên thực tế người Pháp đã đến Ba Bình hai tháng trước đó và tuyên bố chủ quyền ở đây nhưng chẳng tài liệu Trung Quốc nào nhắc đến sự kiện này.
Người Trung Quốc đổi tên đảo thành Taiping theo tên tàu Taiping chở họ. Trước đó tàu Taiping có tên là USS Decker khi còn phục vụ hải quân Mỹ.
Nhà báo Bill Hayton bình luận nếu Mỹ không cung cấp mấy tàu chiến cũ cho Trung Quốc thì Bắc Kinh đừng hòng lên giọng đòi chủ quyền Trường Sa một cách vô lý.
Với các phân tích trên, nhà báo Bill Hayton đánh giá trên thực tế Trung Quốc chẳng hề có chủ quyền lịch sử gì đối với biển Đông và hoàn toàn không kiểm soát vùng biển này trong nhiều thế kỷ, chính quyền Trung Quốc chỉ quan tâm đến biển Đông từ thế kỷ 20.
Và các tài liệu tiếng Anh do Trung Quốc xuất bản và công bố dù được giới học giả phương Tây nghiên cứu và tham khảo, nhưng đều dựa trên những bằng chứng ngụy tạo, vô căn cứ, mù mờ.
Điều đáng tiếc là nhiều ấn phẩm phương Tây đã trích dẫn các tài liệu thiếu thuyết phục này, khiến nhiều người tưởng nhầm đó là sự thật.
“Không thể cổ vũ cho đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc dựa trên những bằng chứng vô căn cứ như vậy” - nhà báo Bill Hayton nhấn mạnh.
Theo Hiếu Trung - TTO