Tuyên bố sắp ngừng việc bồi đắp các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc dường như đi nước cờ đôi, có vẻ xuống thang về mặt ngoại giao, nhưng lại leo thang nguy cơ quân sự hóa Biển Đông.
Trung Quốc sẽ hoàn tất quá trình bồi đắp các bãi đá trong khu vực tranh chấp trên Biển Đông trong vài ngày tới, phát ngôn viên mới của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng hôm qua tuyên bố.
Thông báo này được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-la lên tiếng thúc giục các bên có liên quan trong tranh chấp, đặc biệt là Bắc Kinh, "dừng ngay lập tức và mãi mãi hoạt động cải tạo". Từ tháng 3/2014, Bắc Kinh ồ ạt mở rộng diện tích 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc đánh chiếm.
Trung Quốc khi đó chẳng những không chấp nhận đề nghị trên mà còn ngang ngược phản pháo rằng những công trình mà Bắc Kinh xây dựng hoàn toàn thuộc về cái mà họ gọi là "chủ quyền" của nước này. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến bước thay đổi đột ngột này của Trung Quốc?
Xuống thang ngoại giao
Theo Diplomat, tuyên bố đầu tiên nhằm mục đích xoa dịu những diễn biến căng thẳng mà thời gian gần đây đang gia tăng nhanh chóng ở vùng biển tranh chấp, xuất phát từ thế đối đầu giữa Bắc Kinh và Washington. Trung Quốc ráo riết mở rộng đảo nhân tạo, trong khi đó, Mỹ không thể làm ngơ, bắt đầu có những động thái cứng rắn nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh.
Bằng cách thông báo sắp hoàn thành công tác cải tạo các bãi đá, Bắc Kinh dường như muốn trấn an các nước láng giềng rằng quá trình bành trướng rồi cũng sẽ đến hồi kết, nó không kéo dài mãi. Tuy nhiên, một số nhà phân tích đánh giá Trung Quốc có khả năng tái khởi động việc xây dựng này bất cứ lúc nào. Bắc Kinh đang áp dụng chiến lược "một mũi tên trúng hai đích" với mục tiêu vừa hoàn thiện chuỗi đảo nhân tạo, vừa thu về sự tín nhiệm, lòng tin của các quốc gia khác.
Theo nhà phân tích Shannon Tiezzi, Trung Quốc đã lên kế hoạch kỹ lưỡng khi ra quyết định dừng việc cải tạo. Lý do đơn giản nhất là bởi mùa mưa bão sắp bắt đầu trên Biển Đông. Nếu khăng khăng muốn tiếp tục xây dựng, Bắc Kinh sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi phải đối phó với những diễn biến bất thường của thời tiết.
Yếu tố chính trị cũng là điểm mấu chốt chi phối quyết định của Trung Quốc. Philippines hồi tháng 1/2013 đệ đơn kiện lên tòa án Liên Hợp Quốc nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo và bãi đá trên Biển Đông là vô giá trị và trái với luật pháp quốc tế. Tòa án The Hague, Hà Lan, dự kiến tiến hành phiên giải trình về vụ khiếu kiện của Manila đối với Bắc Kinh vào ngày 7/7 tới.
Mặc dù Trung Quốc liên tục từ chối tham gia và phủ nhận thẩm quyền xét xử vụ việc của hội đồng trọng tài quốc tế, đối với Bắc Kinh quãng thời gian này vẫn vô cùng nhạy cảm. Họ cần giảm thiểu tối đa những động thái khiêu khích, gây hấn nhằm tránh lâm vào thế bất lợi.
Quan hệ Mỹ - Trung đang có chiều hướng xấu đi bởi những xung đột giữa hai nước quanh vấn đề chủ quyền trên Biển Đông. Trước bối cảnh Đối thoại Kinh tế và Chiến lược sắp khai mạc vào tháng tới, đồng thời Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm đầu tiên đến Mỹ trong tháng 9, hai bên cần tạo dựng một số động lực tích cực để cải thiện mối giao hảo. Tuyên bố dừng xây đảo cũng nhằm phục vụ mục tiêu này.
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào năm sau, Trung Quốc không bao giờ mong muốn trở thành tâm điểm trong các cuộc tranh luận của những ứng viên chạy đua vào Nhà Trắng. Nói một cách khác, Bắc Kinh ngoài mặt mạnh miệng tuyên bố sức ép từ Washington không ảnh hưởng đến lập trường của nước này nhưng thực chất những chỉ trích từ giới quan chức Mỹ cũng có tác động không nhỏ tới quá trình mở rộng đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc, theo Diplomat.
Dù đã sử dụng dự án Con đường Tơ lụa mới để quyến rũ các nước trong khu vực nhưng theo bà Xue Li từ Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, chiến lược này không thể giúp Bắc Kinh tránh khỏi những rắc rối nảy sinh từ các tranh chấp chủ quyền. Chính vì thế, Trung Quốc "cần điều chỉnh chính sách và chiến lược ở Biển Đông" của mình.
Với các nước ASEAN, tuyên bố ngừng bồi đắp cho thấy Trung Quốc đang theo đuổi một chiến thuật nguy hiểm khi vừa khẳng định tuyên bố chủ quyền vừa mơn man, xoa dịu căng thẳng trong quan hệ với các nước có liên quan trong tranh chấp.
Thông báo hôm qua là một cách để Trung Quốc "quản lý khủng hoảng" và giảm bớt những mối nghi ngờ, AP dẫn lời ông Zhao Kejin, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc, bình luận.
Tuy nhiên, bà Tiezzi cảnh báo sau khi quá trình xây dựng hoàn tất, Trung Quốc sẽ có chính xác thứ mà nước này cần: những hòn đảo nhân tạo mới giúp Bắc Kinh củng cố khả năng hoạt động và tăng cường hiện diện trên Biển Đông. Việc tuyên bố ngừng mở rộng đảo chỉ là cách để nước này quay lại bước "trấn an" trong vòng lặp lại vô tận của mình. Khi mối quan hệ với láng giềng bắt đầu ổn định và tốt dần lên, Bắc Kinh sẽ lại trở về với cải tạo và xây dựng, thậm chí với tốc độ còn nhanh hơn trước.
Leo thang quân sự
Theo Ruan Zongze từ Viện nghiên cứu Quốc tế của Trung Quốc, việc Bắc Kinh công bố sắp hoàn tất quá trình cải tạo các bãi đá tranh chấp là dấu hiệu của cái mà ông này nhìn nhận là "sự minh bạch". Nó cho thấy Bắc Kinh đang tuân theo kế hoạch ban đầu. Nhưng đối với Mỹ, hành động này chỉ khơi dậy thêm nhiều mối ngờ vực xung quanh ý đồ thật sự của Trung Quốc là gì.
Washington vẫn hoài nghi động thái này của Bắc Kinh chỉ nhằm "thiết lập một hiện trạng mới" trên Biển Đông mà chắc chắn Mỹ không bao giờ chấp thuận, New York Times dẫn lời ông Shi Yinhong, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân, Trung Quốc, nói.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Bắc Kinh đã kết thúc hoạt động cải tạo ở vài bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, trong đó có đá Gạc Ma và đá Chữ Thập. Ở một số địa điểm khác, quá trình mở rộng cũng gần hoàn tất. Nhưng tại đá Subi và đá Vành Khăn, công tác cải tạo mới chỉ bắt đầu. Nếu Bắc Kinh ngừng các hoạt động ở hai bãi đá trên thì động thái này mới là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc thật sự đang hướng tới bước thay đổi lớn trong chính sách. Tuy nhiên, thông báo được phát đi hôm qua từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc không cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào của sự chuyển biến này.
Bên cạnh đưa ra thông tin về việc sắp hoàn tất các dự án cải tạo, Trung Quốc còn cho biết sẽ chuyển sang giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng trong thời gian sắp tới. Điều này đồng nghĩa với việc thế trận quân sự trên Biển Đông sẽ thay đổi.
Theo một số báo cáo, Trung Quốc sắp hoàn thành một đường băng dài hơn 3 km trên đá Chữ Thập. Giới quan sát đánh giá công trình này đủ dài để mọi loại phi cơ của Bắc Kinh cất và hạ cánh. Trung Quốc cũng tiến hành xây dựng các trạm radar cảnh báo và cơ sở liên lạc lớn tại một số đảo nhân tạo. Nước này còn bị nghi ngờ từng chuyển vũ khí tới đảo tranh chấp.
Các chuyên gia từ CSIS cho rằng việc Trung Quốc xây gì trên các đảo này và vận hành chúng như thế nào sẽ cho thấy Bắc Kinh có mục đích hòa bình hay gây chiến. Những động thái quân sự hóa gần đây của Bắc Kinh cho thấy vế sau của nhận định nhiều khả năng sẽ trở thành hiện thực.
Ông Rick Fisher, nhà nghiên cứu lâu năm về các vấn đề quân sự ở châu Á, dự đoán khi hoàn thành việc xây dựng các căn cứ mới, quy mô lớn ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ triển khai hải quân và không quân tại đây. Nếu Mỹ tiếp tục các hoạt động tuần tra, Bắc Kinh có thể sẽ gây "rắc rối", khiến tàu và máy bay Mỹ phải chịu thiệt hại.
"Trung Quốc muốn kiểm soát toàn bộ khu vực và sẽ chỉ đồng ý thực hiện các biện pháp ngoại giao hoặc đàm phán khi nhận thấy rằng những biện pháp quân sự không giúp họ đạt được mục tiêu của mình", Fisher nói.
Vị trí 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa đang bị Trung Quốc cải tạo. Đồ họa: The Diplomat. Xem ảnh cỡ lớn hơn |
Theo Vũ Hoàng - Vnexpress