Trong lúc Philippines khởi binh một “cuộc chiến ốc sên” theo phương thức hòa bình, hợp pháp tại Tòa Trọng tài Thường trực La Haye (The Hague – Hà Lan), thì Trung Quốc vũ bão chạy đua thay đổi hiện trạng trên Biển Đông. Ai sẽ giành chiến thắng?
Trên thực tế Trung Quốc đã công khai “tẩy chay” các phiên tòa của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) trong vụ kiện của Philippines. Tuy nhiên, bất chấp sự trịnh thượng và tỏ ra xem nhẹ tòa của Trung Quốc, PCA vẫn tiếp tục trao cho Bắc Kinh cơ hội phản hồi trước những tuyên bố, tranh luận của Manila, từ bộ hồ sơ khổng lồ dài 10 chương được Philippines đệ trình lên vào tháng 3/2014, đến những tài liệu mới được bổ sung trong tháng 7 năm nay.
Các thẩm phán của tòa trọng tài vẫn luôn thể hiện sự thiện chí với việc Trung Quốc tham dự quá trình xét xử “vào bất kì thời điểm nào”. Điều này vừa lí giải tiến trình kéo dài của tòa trọng tài trong vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc, lại vừa cho thấy vụ kiện Philippines – Trung Quốc về những tranh chấp trên Biển Đông là một vụ kiện pháp lý với hồi kết mở.
Một trong những nhân tố làm phức tạp thêm vụ kiện Philippines – Trung Quốc là tình thế tiến thoái lưỡng nan của Tòa Trọng tài. Dù điều 9 của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 cho phép các phiên xét xử tiếp tục diễn ra với sự vắng mặt của một bên, song PCA vẫn phải hết sức cân nhắc tính hợp pháp của toàn bộ quá trình.
Về phía Trung Quốc, động thái duy nhất tính đến nay là việc nước này vào ngày 7/12/2014 đưa ra một văn bản trực tiếp đặt câu hỏi về tính phù hợp của Tòa Trọng tài cũng như năng lực xét xử những tranh chấp ở Biển Đông theo cơ chế của UNCLOS.
Nếu Philippines giành thắng lợi trong việc tranh luận về tính thẩm quyền của tòa theo ít nhất một vài tuyên bố của quốc gia này, hành trình đi đến một phán quyết cuối cùng tại La Haye lẽ dĩ nhiên chắc chắn cũng sẽ làm họ tiêu tốn không ít thời gian.
Để xúc tiến vụ kiện, Philippines cũng đã đề nghị tòa đồng thời phân xử tính thẩm quyền của tòa lẫn những vấn đề tồn tại trong vụ kiện của Philippines. Song đề nghị này đã bị tòa bác bỏ.
Trong khi đó, Hải quân Mỹ, lực lượng hải quân hùng mạnh nhất trên thế giới, dù xem các điều khoản liên quan UNCLOS là một vấn đề mang tính tập quán quốc tế, song quốc gia này hiện vẫn chưa thông qua UNCLOS với tuyên bố hiệp ước này không có lợi cho kinh tế và an ninh của Mỹ.
Thế cho nên, điều tòa trọng tài không hề muốn mạo hiểm là việc làm một phép thử với lời đe dọa ngầm sẽ rút khỏi UNCLOS của Trung Quốc.
Bởi dù muốn bảo vệ những tuyên bố của Philippines trước những hành vi vi phạm pháp luật trắng trợn của Trung Quốc trên Biển Đông, tòa cũng lại càng muốn bảo đảm các cường quốc sẽ không hoàn toàn bị ghẻ lạnh vì trên thực tế trật tự toàn cầu được chính những quốc gia này củng cố.
Một trong những giới hạn về mặt nguyên tắc cơ bản của Tòa Trọng tài là việc tòa không thể đưa ra phán quyết thẩm quyền với vấn đề sở hữu cũng như các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Điều tòa có thể làm là chất vấn giá trị pháp lý của tuyên bố đường chín đoạn gây tranh cãi của Trung Quốc cũng như những đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trái phép trênBiển Đông.
Đảo nhân tạo của Trung Quốc trên bãi Gạc Ma, quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam. (Ảnh: SIA)
Trong chưa đầy hai năm, Trung Quốc được cho đã cải tạo 810ha trên Biển Đông. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, diện tích cải tạo Trung Quốc đã thực hiện lớn “hơn của tất cả các quốc gia khác cộng lại... và hơn toàn bộ lịch sử của khu vực”.
Điều đáng lo là, cùng với việc bắt đầu lấn át không phận và biển cả trong khu vực, Trung Quốc thậm chí còn cố cản trở hoạt động trùng tu của Philippines và tạo ra mối đe dọa tới những con đường tiếp tế trong khu vực của quốc đảo này.
Trên thực tế tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông đều có động thái củng cố vị trí trên biển. Luật quốc tế không cấm các quốc gia tiếp tục các hoạt động này, cụ thể là tôn tạo và duy trì những công trình đã tồn tại trên những khu vực chiếm cứ, chừng nào những công trình này không làm thay đổi vĩnh viễn bản chất của những địa điểm trên, trái ngược với việc Trung Quốc đang ngang nhiên thực hiện khi biến các bãi nửa nổi nửa chìm, đá thành các đảo nhân tạo.
Rõ ràng, một cuộc chiến thật sự đang diễn ra trên Biển Đông. Cần nhận thấy rằng, những tranh chấp ở Biển Đông không phải là tranh chấp về đạo lý và là trận chiến của các luật sư. Điều đang diễn ra ở Biển Đông là những tính toán có quan hệ đến lợi ích quốc gia và tính toàn vẹn lãnh thổ trong cuộc đấu trí của những chiến lược gia tinh khôn trên thế giới.
Theo Dantri