VỌNG RA BIỂN
Tổ quốc ở phía Đông
10:28 | 10/06/2011
NGUYỄN HỮU QUÝTùy bútNhững người bất nghĩa tiêu vongNghìn xưa chỉ có anh hùng lưu danh…
Tổ quốc ở phía Đông
Không ít lần khi đi qua Trung tâm Hội nghị Quốc gia tại Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội tôi lại ngoái nhìn mái nhà hình sóng lượn. Chủ ý sâu xa của người thiết kế thế nào, có phải đó là hình tượng của Biển Đông dậy sóng được thể hiện bằng ngôn ngữ kiến trúc? Cái vùng nước mặn mênh mông ở phía Đông dải đất cong cong chữ S, một phần thiêng liêng của lãnh thổ Việt Nam chưa bao giờ yên ả. Đã có bao ngọn sóng dựng cao bởi xoáy lốc bão tố của thiên nhiên. Từ xưa đến nay, đã từng xảy ra những cuộc đối chiến đầm đìa máu giữa những người yêu nước và quân xâm lược ở đây. Cuộc chiến giữ gìn biển đảo của Tổ quốc đã, đang và sẽ vô cùng nghiệt ngã, vô cùng phức tạp, vô cùng dài lâu. Xét về mặt thời gian, có lẽ đây sẽ là cuộc chiến dằng dặc nhất, tính bằng con số hàng chục năm, hàng trăm năm và có thể hàng nghìn năm. Biển, từng ấy cây số vuông. Đảo, nổi chìm ngần ấy hòn. Nhưng, thời gian sẽ là thăm thẳm với những thách thức khổng lồ mà dân tộc Việt này nếu nhụt ý chí, non bản lĩnh, kém khôn ngoan sẽ bị lấn lướt, áp đặt, thua thiệt. Hình như, hình tượng Biển Đông dậy sóng trên mái nhà Trung tâm Hội nghị Quốc gia đã “vận” vào số phận định mệnh dân tộc ta ở hai chiều quá khứ và tương lai. Số phận của một dân tộc, đất không rộng lắm, người không đông lắm, đến đầu thế kỷ 21 mới rụt rè bước qua ngưỡng những nước có thu nhập trung bình đã từng, đang và sẽ gắn mãi với Biển Đông. Danh dự của dân tộc sẽ là đây, tương lai của dân tộc cũng sẽ là đây; nhất định như thế, không thể nào khác được.

Thuở bé thơ, tôi đã nhìn ra biển. Mùa lặng sóng. Cửa Gianh quê tôi sớm sớm mặt trời lên chói lòa rạng rỡ. Biển lộng lẫy trong những bình minh đỏ. Biển xanh biếc trong ánh nắng ban trưa. Và, biển dịu dàng tím lại khi trời đổ bóng hoàng hôn. Biển là một phần quê đau đáu của tôi với những cánh buồm nâu buồm trắng nhấp nhô, với mỗi cơn gió nồm mát rượi thổi căng bầu trời mùa hạ cao xanh, với mùi thơm cá trích nướng lan tỏa đêm đêm, với thìa nước mắm cốt đậm đà thít tha đầu lưỡi, với nụ hôn đầu đời bên chân sóng mặn…Chưa dứt trong tôi lời hát ru buồn buồn của mạ giữa mang mang gió biển thổi vào: Về Đá Nhảy lao xao sóng bể/ Nỗi buồn theo Vụng Hóp, Khe Giang/ Từ Đồng Miếu sang Cha Màn/ Lên Đá Bụt tới Mạ Ca năn nỉ/ Trời Nam biển Bắc bao nỗi nhớ thương/ Ơn cha nghĩa mẹ lỗi đạo thường báo đáp. Dân Việt mình, thường vận núi sông vào tình cảm con người hay mượn rừng biển để bày tỏ cái kín đáo ủ giữa tâm can. Trong những lần về quê, trước mênh mang trời biển, tôi vẫn thường đặt câu hỏi với Cửa Gianh: Ở đâu, năm 1471 Vua Lê Thánh Tông khi đi đánh Chiêm Thành đã tức cảnh sinh tình đưa bút phác nên bài thơ Linh Giang Hải tấn? Xin được trích 2 câu cuối trong bài thơ làm theo thể Đường luật của đấng Hiền minh này: Ký nam thánh hóa hoằng nhu viễn/ Khẳng hạn phong cương ngoại đạo vi (Dịch nghĩa: Bậc thánh nhân đi giáo hóa đến miền Nam để vỗ về phương xa/ Không vì ngoài biên cương hiểm trở mà bỏ người dân nơi hải đảo này). Chao ôi, từ thời xa xưa biên cương biển đảo đã là mối toan lo vời vợi của ông cha. Cân nhắc cương nhu để nghĩ ra những kế sách và tập trung nhân tài vật lực nhằm giữ gìn giang sơn bờ cõi mãi là việc phải làm, nên làm, đặng cho xứng với Tuyên ngôn Đại Việt: Nam quốc sơn hà Nam đế cư…

Nhắc lại, đọc lại người xưa  để ngẫm nghĩ kỹ hơn, sâu hơn về bàn cờ thế cuộc, thời vận bây giờ. Vật đổi sao dời, bao phen dâu bể, thế mà sau nghìn năm, những mưu toan bành trướng chiếm đoạt của kẻ láng giềng phương Bắc hình như không thay đổi mấy. Bán anh em xa mua láng giềng gần. Ta cũng mong điều ấy nên sau mấy lầnlấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều thành công vẫn chủ động bang giao hòa hiếu. Nhưng, lịch sử đã nhiều lần lặp lại chữ nhưng này, kẻ làm anh làm ả vẫn không biết ngả mặt lên (lấy ý từ câu thành ngữ ở quê tôi:làm anh làm ả phải ngả mặt lên) để sống nhu hiền với em út, trái lại cậy thế lớn, thế mạnh làm bao điều càn rỡ. Mấy phen kẻ ấy bí mật mặc cả mua bán quyền lợi ích kỷ của họ trên lưng dân tộc ta. Những cuộc đi đêm ấy đã bị phanh phui chỉ trích. Kẻ ấy, từng vượt biển đánh cắp Hoàng Sa của ta, từng gây ra cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc tàn khốc năm 1979 và nay lại cố tình gây hấn với vụ tàu Bình Minh 02 trên biển của Việt Nam trong mùa hạ nóng bỏng này. Vừa ăn cướp vừa la làng. Phải sòng phẳng gọi ra đúng tên sự việc như thế. Gây sự trong vùng biển của Việt Nam thế mà họ vẫn cứ leo lẻo mắng mỏ ta là làm mất ổn định khu vực. Họ, cái kẻ láng giềng cậy lớn, cậy mạnh đó vẫn ngang ngược cho việc làm của mình là đúng. Trời ơi, kẻ đi cướp lại lên giọng dạy bảo người bị cướp về sự tử tế. Tôi nghĩ, chưa bao giờ, vâng, chưa bao giờ, người anh em ấy người đồng chí ấy, người láng giềng ấy thực lòng với ta. Họ muốn ta mãi mãi là cái cây cớm nắng dưới cái bóng sum suê tầm cỡ đại thụ của họ.

Một kỷ niệm không quên với tôi trong chuyến đi Trung Quốc mùa Đông năm 2009. Bản đồ Trung Quốc với cái hình lưỡi bò tham lam muốn nuốt hết Biển Đông vẫn thường hiện ra trên màn hình ở máy bay. Một nhà văn ngồi cạnh tôi nói: “Ông coi, cái chất Đại Hán đang hiện lộ từng ngày”. Tôi nói: “Máu bành trướng của Trung Quốc vẫn nguyên vẹn. Dân tộc mình còn khổ sở với họ nhiều đấy”. Và, có vẻ như sau khi xây dựng lực lượng hải quân hùng mạnh trong đó có chiếc tàu sân bay đầu tiên sắp được hạ thủy họ đang từng bước biến cái lưỡi bò trên bản đồ thành chiếc lưỡi bò thật trên Biển Đông. Chiếc lưỡi bò Đại Hán do họ vẽ ra chiếm hàng triệu cây số vuông biển. Họ cũng biết rằng, trở ngại lớn nhất của họ khi thực thi chiến lược Biển Đông là Việt Nam và vụ Bình Minh 02 là khúc dạo đầu của Trung Quốc trong cuộc Nam tiến trên đại dương.

Đêm qua ngồi xem lại những trang nhật ký đi Trường Sa bỗng xao lòng quá. Cuộc đi của tôi ra quần đảo thân yêu của Tổ quốc đã hơn mười năm rồi mà những hình ảnh về cảnh vật và con người ở đây vẫn hiện rõ mồn một, rất sinh động. Văn hóa Việt đã cắm mốc trên những đảo nổi đảo chìm xa xôi mà vô cùng gần gũi đó. Hành trình Trường Sa ngân rung trong tôi những cung bậc tình cảm không dễ gì đánh đổi được qua những dòng ghi chép chân thật trên biển Tổ quốc yêu thương:

“...Đảo Trường Sa đây rồi. Cầu cảng. Bãi cát san hô vàng nhạt, hạt thô. Có nhiều cây xanh. Cây bàng vuông, cây bàng ta, phi lao và tất nhiên không thể thiếu cây bão táp (cây phong ba). Đảo có nhà hai tầng, bộ đội đã được ở nhà xây. Nhiều chó, lợn, gà, chim bồ câu…Gặp một số chiến sỹ ở đảo. Lính rắn rỏi, da biển mặn mòi. Rất hiền, rất tự nhiên và chân thành cởi mở với nhau. Lính để tóc dài, không phải là lính đầu sư như dạo trước. Chiều, sau giờ làm việc mặc áo phông, tắm xà phòng thơm lựng…Tối, ăn cơm với Trung đội Thông tin. Trung đội trưởng tên Xuân. Mình bảo có con gái đầu lòng 18 tuổi, các chú lính tranh nhau nhận làm bố vợ…Đoàn Văn công Quân khu 4 diễn ở mốc chủ quyền. Lính ngồi xem rất trật tự và nồng nhiệt. Vỗ tay luôn luôn. Không có hoa tươi tặng diễn viên, các chàng lính tặng hoa nhựa…

…Đá Tây là đảo chìm, ta phải xây nhà kiên cố lên. Có 4 điểm đảo. Đoàn lên điểm D. Điểm D, cột mốc chủ quyền ghi khắc bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt, trước có đặt lư hương. Không có cây xanh. Rau muống trồng trong khay. Khá xanh tốt. Hoa muống trắng ở đất liền nhìn bình thường ra Trường Sa thấy thương quá. Lính ta tuổi còn rất trẻ mà 5 anh tóc đã bạc lốm đốm. Những người lính mặt trẻ tóc già. Văn công biểu diễn giữa trời nắng chang chang. Lính lấy hoa rau muống trắng tặng diễn viên…

…Đảo Trường Sa Đông có những cây bàng ta rất xanh tốt. Lá đang non, xanh mượt. Anh em trồng nhiều loại bầu bí và rau. Cả ớt. Lính đảo thích ăn ớt tươi. Ớt chưa kịp già đã được hái ăn. Đảo không nuôi được lợn. Chỉ có chó. Nhưng anh em nuôi chim. Chim khướu, chim chèo bẻo nuôi trong lồng hót lảnh lót giữa trùng khơi...

…Tàu đến đảo Phan Vinh. Từ tàu Ti Tan trong ánh nắng chiều đã nhìn thấy đảo và vành khuyên san hô nổi chìm trong sóng. Đảo Phan Vinh phần chìm dựng đứng, nước sâu hoắm, sóng xô vào bị cuộn trở ra. Chỉ cần sóng cấp 5 xuồng đã khó vào đảo…Biển xanh màu ngọc bích. Trời trong. Thế mà khi vào bờ  sóng vẫn chồm nghiêng ngả. Cán bộ, chiến sỹ ta đã đứng đợi ở trên bờ, một số lính ta đứng sẵn dưới nước để phụ dìu xuồng cao su vào…Lính Trường Sa, ở đảo nào cũng đều có nước da đen mặn mòi, câu chào nụ cười luôn đi trước. Trường Sa quý người, hiếu khách lắm. Được người đất liền nắm tay cười hỏi đều bối rối cảm động. Phan Vinh có 3 cây bàng vuông và 1 cây dừa. Đều do bộ đội trồng. Cây dừa được trồng năm 1988. Dừa nay đã cao chừng 4 mét, đang ra 4 buồng quả non (như quả cau lớn). Các tàu lá ở rìa bị nắng đốt sém. Cây dừa Phan Vinh được trồng bên cột mốc chủ quyền, cạnh đó có tấm bảng xi măng ghi lời Bác “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài và tươi đẹp. Ta phải biết giữ gìn lấy nó”…

Tôi đã đi qua đảo Thuyền Chài, Tiên Nữ, Núi Le…rồi sau đó trên hải trình trở lại đất liền ghé thăm các Nhà giàn DK1. Đến đâu cũng gặp cuộc sống Việt, tâm hồn Việt, tinh thần Việt tỏa sáng. Tiếng Việt, ngôn ngữ mẹ đẻ của tôi nghe giữa trùng khơi càng thân quen thương mến. Những gì bình thường nhất ở đất liền khi ra đảo, nhà giàn cũng làm ta rưng rưng muôn nỗi. Một người lính trên nhà giàn đã nói với tôi: chúng em nghe tiếng gà gáy như nghe tiếng quê. Không có gì giản dị mà sâu sắc hơn thế. Đứng nơi đầu sóng ngọn gió, mỗi người lính, người dân trên biển đảo Tổ quốc là một cột mốc sống của cương vực bờ cõi. Những công dân Việt Nam ấy, từ người kỹ sư công nhân dầu khí, quan trắc khí tượng đến nhà khoa học, người lính đảo lính tàu tới những người dân bình thường đánh bắt hải sản trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa là một phần Tổ quốc ở phía Đông. Họ, bất chấp hiểm nguy để mỗi ngày, mỗi ngày khẳng định lãnh hải không thể chối cãi của Đất nước trên một vùng trời nước mênh mang. Đó cũng là sự kế tiếp hành trình xưa của ông cha ra biển đảo muôn vàn gian truân để hôm nay ta có những Bạch Long Vỹ, Cô Tô, Quan Lạn, Hòn Mê, Cồn Cỏ, Côn Lôn, Phú Quốc…và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa yêu dấu. Cả dân tộc chạy tiếp sức trong hành trình dài lâu ra biển với tinh thần tự tôn tự trọng Việt Nam. Sẽ có những thế lực ngáng trở phá hoại hành trình đó, sẽ có những cuộc xâm lăng mới của kẻ tham lam cậy thế mạnh giàu. Đừng nghi ngờ điều đó. Tôi nghĩ, sự ổn định bình yên thuận hòa sẽ rất mong manh ở Biển Đông dù đó là mong ước khát khao của chúng ta. Và, hệ quả của nó sẽ là Biển Đông dậy sóng. Dậy sóng không phải từ những tâm bão thiên nhiên mà từ những mưu mô xâm chiếm của kẻ vẽ nên chiếc lưỡi bò quái đản kia.

Kẻ gieo gió ắt sẽ gặp bão. Nói theo cách dân gian Đất Việt là thế. Nói theo cách của Lý Thường Kiệt là Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Thất bại đang chờ lũ chúng bay. Nói theo cách Nguyễn Trãi là Dơ bẩn thay! Nước bể không rửa hết mùi./ Lẽ nào trời đất tha cho,/ Ai bảo thần nhân nhịn được? Nói theo Hồ Chí Minh là: Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…

Vẫn tin rằng, sẽ có một ngày như Trương Hán Siêu ngày xưa, trước biển mênh mông, ta vừa đi vừa ca rằng:

Sông Đằng một dải dài ghê

Sóng hồng cuồn cuộn tuôn về Biển Đông

Những người bất nghĩa tiêu vong

Nghìn xưa chỉ có anh hùng lưu danh…

                                                                                                                                Tháng 6 năm 201












































Các bài mới
Các bài đã đăng
Sử thi… cháy (09/06/2011)