VỌNG RA BIỂN
Những viên đá nhỏ có ý nghĩa lớn
15:42 | 10/08/2011
Sáng qua, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cùng Quân chủng hải quân đã tổ chức hội nghị sơ kết ba năm “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương”.
Những viên đá nhỏ có ý nghĩa lớn

Chương trình bắt đầu từ năm 2009, mỗi năm có hàng trăm đoàn viên thanh niên, sinh viên tiêu biểu từ khắp mọi miền Tổ quốc lên tàu đến với Trường Sa, với nhà giàn DK1... Hàng trăm món quà thiết thực, hàng ngàn cánh thư động viên, an ủi và hàng ngàn bài thi “Sinh viên VN với biển đảo quê hương” đã được các bạn trẻ cả nước chắt chiu, dành dụm, bày tỏ với mong muốn góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

“Đem ra tình cảm, đem về niềm tin”

Đánh giá về kết quả chương trình, đại tá Đinh Gia Thật - phó chủ nhiệm chính trị Quân chủng hải quân - cho rằng không ít đoàn viên thanh niên, cựu đoàn viên thanh niên đến với Trường Sa đã gọi đó là “chuyến đi cuộc đời”, “đem ra tình cảm, đem về niềm tin”. Và không chỉ có thế, thật cảm động biết bao khi đúng dịp 20 năm kỷ niệm nhà giàn DK1, từ tình cảm của những người làm báo với biển đảo và trách nhiệm của công dân với Tổ quốc, báo
 Tuổi Trẻ đã phát động phong trào “Thắp sáng nhà giàn DK1”.

Gần đây nhất, báo
 Tuổi Trẻ đã tổ chức phong trào “Góp đá xây Trường Sa”. Đó là những phong trào rộng lớn, những sự kiện mang tính đột phá. Vật chất mà hàng vạn thanh niên, người dân đóng góp qua các phong trào đó rất quan trọng, to lớn.

Nhưng ý nghĩa chính trị xã hội mà các phong trào mang lại còn quan trọng và to lớn hơn gấp bội. “Những viên đá nhỏ từ lòng yêu nước của từng người có sức cuốn hút và lan tỏa sâu rộng, lôi cuốn mỗi người VN hướng về biển đảo. Vì vậy hành trình ấy không chỉ là của những đại biểu cụ thể, những chuyến tàu cụ thể, ở một thời điểm cụ thể, mà là hành trình liên tục của cả dân tộc” - đại tá Thật xúc động.

Bí thư Trung ương Đoàn Phan Văn Mãi khẳng định tổ chức Đoàn sẽ tiếp tục phối hợp với Quân chủng hải quân duy trì các hành trình cho thanh niên, sinh viên ra thăm biển đảo. “Hành trình ra biển đảo sẽ đi vào chiều sâu bằng những hành động, chương trình cụ thể hơn nữa để xây dựng biển đảo.

Chẳng hạn sinh viên, trí thức ra đảo cần suy nghĩ nghiên cứu những công trình, thiết bị phục vụ đời sống quân dân trên đảo, các doanh nhân ra đảo cần suy nghĩ về những dự án đầu tư cụ thể. Riêng Trung ương Đoàn chúng tôi đề xuất tổ chức các tour du lịch ra Trường Sa” - anh Mãi bày tỏ quyết tâm. Câu trả lời của đại tá Thật là “Quân chủng hải quân hoàn toàn ủng hộ và sẽ phối hợp thực hiện đề xuất của Trung ương Đoàn”.

Không chỉ hướng tới Trường Sa, thời gian tới Trung ương Đoàn và Quân chủng hải quân sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức hành trình ra đảo gắn với học kỳ quân đội để học sinh, sinh viên khám phá các vùng biển, đảo như Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cồn Cỏ, Phú Quốc..., kết nối hình thành các câu lạc bộ gồm những đại biểu đã tham gia “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” qua các năm.

Thông tin nhiều hơn, cụ thể hơn

Kết quả đạt được thời gian qua tuy lớn nhưng theo anh Mãi, thực tế hiện nay có độ “vênh” trong nắm bắt thông tin và hiểu về chủ quyền biển đảo trong thanh niên và nhân dân. Anh Mãi gợi ý trong năm học tới nên tổ chức cuộc thi tìm hiểu về Hoàng Sa, Trường Sa, về chủ quyền biển đảo đồng loạt trong các cấp học từ học sinh tiểu học đến sinh viên.

Phát biểu tại hội nghị, tổng biên tập báo
 Tuổi Trẻ Phạm Đức Hải chia sẻ: “Chúng tôi làm công tác thông tin mà còn thấy thiếu thông tin, thử hỏi đến thời điểm này sinh viên bao nhiêu trường đại học đã được nghe cặn kẽ, tường tận về biển đảo?”.

Ông Hải cho hay: Sau khi trung tướng Nguyễn Chí Vịnh trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ, rất nhiều bạn đọc phản hồi cho biết qua bài phỏng vấn này họ mới hiểu được tương đối toàn diện tình hình biển Đông cũng như những chủ trương của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quân đội ta. Những thông tin như vậy cần được cung cấp thường xuyên và có tính hệ thống.

“Thông tin, tài liệu, bằng chứng, hiện vật... về Trường Sa, về biển đảo chúng tôi có rất nhiều. Chúng ta sẽ bàn bạc về cách thức cung cấp, trao đổi thông tin để nhân dân, nhất là các bạn trẻ, nắm bắt được toàn diện tình hình biển đảo của ta” - đại tá Nguyễn Kiều Kinh, trưởng phòng chính sách hải quân, đáp. Đại tá Kinh đồng thời đề nghị các báo mở chuyên trang về Trường Sa. Đại tá Đinh Gia Thật cũng hoàn toàn ủng hộ: “Cần thông tin, tài liệu gì, cần báo cáo viên thế nào các bạn cứ đề nghị, chúng tôi sẵn sàng cung cấp”.

Theo LÊ KIÊN - LÂM HOÀI - TTO





















 

Các bài mới
Các bài đã đăng