Sông Hương tháng 4 được mở đầu bằng một tin vui “Tượng cụ Phan Bội Châu đã được rước về bên bờ sông Hương”, vốn là một vấn đề được mong đợi nhiều năm qua mặc dù quãng đường từ di dời chỉ hơn 1km tính từ nhà cụ Phan Bội Châu xuống cầu Trường Tiền.
Nay tác phẩm của cố điêu khắc gia Lê Thành Nhơn đã được “đoàn tụ” bên sông Hương cùng với tượng Quan Âm và Người con gái Việt Nam của cùng tác giả.
Đặc biệt, Sông Hương số này thực hiện chuyên đề “KỶ NIỆM 55 NĂM THÀNH LẬP ĐẠI HỌC HUẾ (1957 - 2012)”. Bài viết “Một trong ba trung tâm đào tạo nhân tài của cả nước”, tác giả Lê Cung đã khái quát chặng đường lịch sử 55 năm qua bao thăng trầm biến cố với nhiều thành tựu đạt được của một trung tâm đào tạo nhân tài nổi tiếng khắp cả nước.
Phần THƠ Sông Hương tháng 4 dành trọn cho các tác giả thơ, vốn là giảng viên và cựu sinh viên Đại học Huế qua chuyên mục “THƠ TỪ NHỮNG GIẢNG ĐƯỜNG ĐẠI HỌC HUẾ”. Đó là các tác giả:
Ngô Kha - Hoàng Phủ Ngọc Tường – Trần Quang Long - Trần Xuân Kiêm Trần Vàng Sao - Thái Kim Lan - Đông Trình - Võ Quê – Trần Hữu Lục - Trần Phá Nhạc – Nguyễn Đông Nhật – Trần Hoàng Phố -Phan Công Tuyên -Lê Viết Tường - Hoàng Ngọc Quý - Văn Công Hùng - Phùng Tấn Đông
Trần Thị Huyền Trang – Nguyễn Đức Nam – Trần Tuấn – Nguyễn Hồng Hạnh – Nguyễn Trung Bình - Từ Dạ Thảo – Phạm Nguyên Tường - Bùi Long - Lê Vĩnh Thái - Fan Tuấn Anh.
Phần VĂN bắt đầu với truyện ngắn “Nụ sim và giấc mơ” của nữ tác giả Nguyễn Thị Kim Thoa. Một truyện ngắn chan chứa tình người, một câu chuyện cảm động
Với tinh thần phấn đấu Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Bài ghi chép “Một đô thị vệ tinh phát sáng” của Trần Nguyên Sỹ viết về đô thị Hương Thủy qua một góc nhìn phát triển và những nhận định về tương lai của một vùng đất vốn giàu truyền thống và tiềm năng. “Chợ Đông Ba, khi mình qua” là bài viết của tác giả Lê Vũ Trường Giang về ngôi chợ có lịch sử lâu đời bằng cảm nhận của một người con xứ Huế.
Tiếp đó, Nhà thơ Đông Hà với “Tiếng nói chung của lòng nhân ái”, nhà văn Việt Hùng với“Gặp gỡ những nhà văn một thời cùng “chia tuyến đường đi đánh Mỹ” biểu đạt những vấn đề, sự kiện dưới lăng kính nhà văn. Trong khi đó, nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch “Voi không dạo chơi trên lối mòn thỏ chạy”, soi chiếu về phần đời của một doanh nhân vững tâm trên lối Đạo có nhiều tâm sức dành cho Huế bài viết cũng nhưng bàn về văn học dưới lăng kính tri nhận Phật giáo.
Phần NHẠC hướng về bóng hình xứ Huế thơ mộng từ thuở nào qua hai nhạc phẩm “Đường xưa tìm lại” - Nhạc&Lời: Hoàng Trọng Mộc và “Huế khát mưa” - Nhạc: Trần Tôn - Phổ thơ: Lê Ngọc Ánh. Những cảm xúc ấy cùng tuôn chảy và hòa chung với lễ hội Festival 2012 đang rộn rã diễn ra trên vùng đất Cố đô.
Chuyên mục “TÁC GIẢ - TÁC PHẨM & DƯ LUẬN” số này đăng tải các bài viết “Còn đó những vết nứt hỗn nham” của tác giả Tràng Dương viết về truyện thơ Phù Hoa của nhà thơ Văn Cát Tiên. Cố tác giả của “Áo lụa Hà Đông” -Nguyên Sa tái hiện diện với bài viết còn lưu lại dương thế khi người mãi đi xa “Đôi mắt buồn đứng dưới mái Tam quan” cho những bài thơ của tác giả Trần Kiêm Thêm, một người con tha hương ngày đêm mong ngóng trở về quê cũ. Và anh đã trở về với những lời thơ da diết xứ Huế quê hương.
Tiếp đến chuyên mục “CỬA SỔ NHÌN RA VĂN HỌC THẾ GIỚI ĐƯƠNG ĐẠI” Giới thiệu Thơ Charles Simic qua phần dịch của tác giả Hoàng Hưng.
Phần “NGHIÊN CỨU & BÌNH LUẬN” nổi bật với bài viết “Nhận diện con rồng Việt Nam” của nhà nghiên cứu Lê Quang Thái, lạm bàn về biểu tượng rồng mang bản sắc dân tộc Việt. Sông Hương tiếp tục đăng tải hết nội dung bài viết “Phê bình nữ quyền” đã được đăng trong số tháng 3, của Raman Selden do Hồ Thị Dương Liễu dịch - Nguyễn Tiến Văn hiệu đính.
Chuyên mục HUẾ - DÒNG CHẢY VĂN HOÁ có sự cộng tác của nhà nghiên cứu Bùi Minh Đức, một cộng tác viên quen thuộc SH với nghiên cứu “Ảnh hưởng của căn bệnh vô sinh trên tâm lý của vua Tự Đức” qua sự biện giải của Y học.
Phụ bản 1: Họa sĩ Nguyễn Ánh Dương
Phụ bản 2: Bộ sưu tập thời trang cảm hứng từ hoa Sen và sơn mài.
Minh họa: ĐẶNG MẬU TỰU
SÔNG HƯƠNG