SHO - Sáng ngày 21/4, Bộ Thông tin & truyền Thông, Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội đồng Lý luận Phê bình VHNT Trung ương đã tổ chức Hội nghị Báo chí văn nghệ toàn quốc năm 2012, diễn ra tại thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đồng chí Đỗ Qúy Doãn - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đồng chí Trương Minh Tuấn - Phó Ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Hồng Vinh - Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương đồng chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị, đồng chí Hoàng Hữu Lượng - Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã báo cáo tình hình hoạt động của báo chí văn nghệ và nêu các giải pháp nâng cao chất lượng và định hướng hoạt động báo chí văn nghệ trong thời gian tới.
Theo đó, hiện nay cả nước có hơn 80 cơ quan báo chí văn học nghệ thuật thuộc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, các hội VHNT của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và báo chí văn nghệ của một số bộ ngành. Các cơ quan báo chí văn học, nghệ thuật đã bám sát hiện thực cuộc sống, nhịp thở của văn chương, khơi gợi và đặt ra nhiều vấn đề lớn và mới mẻ đối với sự phát triển của nền văn học, nghệ thuật nước nhà; có những đóng góp quan trọng trong việc giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Bên cạnh đó, do tính chất đặc thù về nội dung thông tin và lượng phát hành không lớn so với các khối báo chí khác, báo chí văn nghệ ít có điều kiện tổ chức các hoạt động khác để tăng thêm nguồn thu, vì vậy nguồn tài chính của báo chí văn nghệ khá khó khăn. Hiện nay, chỉ có một số rất ít cơ quan báo chí văn học, nghệ thuật có thể thực hiện được việc hoạch toán, còn lại chủ yếu hoạt động từ nguồn kinh phí nhà nước cấp, tập trung chủ yếu ở các báo, tạp chí địa phương. Đây chính là trở ngại lớn để báo chí văn nghệ có thể tiến tới tự chủ về kinh tế.
Đại diện hơn 80 cơ quan báo chí văn nghệ cả nước đã về dự Hội nghị |
Tại đây, các đại biểu đại diện các cơ quan báo chí văn nghệ đã đóng góp nhiều tham luận nêu bật nhiều vấn đề như chuyên nghiệp hóa, nâng cao chất lượng báo chí văn nghệ như: Nhận rõ đặc điểm riêng để báo chí văn nghệ (in, viết) luôn hay và đẹp, đến nhanh với người đọc; Báo chí Văn nghệ với việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; Báo chí Văn học nghệ thuật - Chuyên nghiệp hóa và chuyên nghiệp hóa; Nâng cao chất lượng hoạt động của báo chí văn nghệ: Một việc làm cần thiết; Vài điều về Tạp chí Văn nghệ địa phương…
Đặc biệt, tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã quan tâm đến vấn đề cơ chế - chính sách cho báo chí văn nghệ trong bối cảnh hiện nay với các đề tài: Tạp chí văn học trong bối cảnh kinh tế thị trường; Thực trạng hoạt động của tạp chí Văn nghệ hiện nay, một vài kiến nghị; Đôi điều về hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm nâng cao hiệu quả hoạt động của báo chí văn nghệ; Cơ chế chính sách - một yêu tố thúc đẩy hiệu quả của báo chí văn nghệ… Các tham luận đã nêu những khó khăn của báo chí văn nghệ, đó là vấn đề thiếu hụt tài chính nên việc thu hút cộng tác viên với nhiều bài viết hay còn hạn chế, cũng như việc chi trả nhuận bút của báo chí văn nghệ còn quá thấp, lương của những người làm báo không đủ sống nên không chuyên tâm với nghề. Những vấn đề đó là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của những tờ báo - tạp chí văn nghệ hiện nay.
PV