Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Phòng tranh KHÁT VỌNG - Sự thăng hoa trong cảm xúc trước cuộc sống của các họa sĩ khuyết tật
16:22 | 28/06/2012

Nằm trong Chương trình Phát triển Không gian Văn hóa và Chương trình Tình Sông Hương của Tạp chí Sông Hương; vào chiều ngày 28/6, Tạp chí Sông Hương đã tổ chức khai mạc phòng triển lãm tranh của các họa sĩ khuyết tật mang tên Khát vọng, diễn ra tại Tòa soạn Tạp chí, số 09 Phạm Hồng Thái, Huế.

Phòng tranh KHÁT VỌNG - Sự thăng hoa trong cảm xúc trước cuộc sống của các họa sĩ khuyết tật
Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc - Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương phát biểu khai mạc triển lãm

Phát biểu khai mạc triển lãm, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc - Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương đã nhấn mạnh về thông điệp mà các họa sĩ đã gửi đến phòng tranh và cảm ơn các họa sĩ đã vượt qua khó khăn, bệnh tật để gửi đến người xem những tác phẩm đẹp, đầy cảm xúc: “Ngay lúc này đây, chúng ta tề tựu ở đây để chứng kiến sự hiện diện của khát vọng chân chính. Chứng kiến nghị lực vượt qua tật nguyền, chứng kiến khát vọng vươn tới cái đẹp của các họa sĩ khuyết tật; chứng kiến sự thăng hoa trong cảm xúc trước cuộc sống của họ. Chúng ta cảm ơn các họa sĩ khuyết tật đã trao lại cho chúng ta thông điệp về sự nhân văn: đừng nản lòng, hãy hướng tới cái chân thiện mỹ dù bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào...”

Họa sĩ Đặng Mậu Tựu - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế và anh Lê Xuân Bình - Phó Giám đốc Sở VH, TT và DL Thừa Thiên Huế cắt băng khai mạc triển lãm


Phòng triển lãm tranh Khát vọng của các họa sĩ khuyết tật gửi đến người xem với 25 tác phẩm được các anh vẽ về mái ấm gia đình, phong cảnh quê hương cùng khát vọng vươn lên của chính các anh, được thể hiện trên các chất liệu sơn dầu, sơn mài, acrylic... với sự tham gia của 6 họa sĩ, đó là họa sĩ: Lê Quang Lĩnh (Hà Tĩnh); Nguyễn Tấn Hiền (Đà Nẵng), Nguyễn Mạnh Cương, Nguyễn Văn Tiến, Lê Xuân Lãm, Phan Đình Công ( Huế).

Tác phẩm Hạnh phúc đơn sơ 1 của họa sĩ Nguyễn Tấn Hiền


Có thể nói đây là sự nỗ lực phi thường của các họa sĩ khuyết tật.

Họa sĩ Lê Quang Lĩnh bị tàn tật do bệnh não khi 1 tuổi, năm lên 7 tuổi chân tay anh bị co quắp lại do di chứng căn bệnh não. Để hòa nhập với cộng đồng anh đã đi học vẽ và sau đó tham gia nhiều cuộc triển lãm cũng như các cuộc thi vẽ tranh và đạt giải nhất với tác phẩm “Alaxan - Chiến Thắng Nỗi Đau”... Với đôi tay run và co giật, anh đã nỗ lực vượt qua bệnh tật và gửi đến người xem tác phẩm: Hình bóng 2, Hình bóng 3, Khát vọng 2, Lễ hội, Nhựa sống, Thơ ấu 2, Vui mùa.

Họa sĩ Lê Quang Lĩnh bên tác phẩm Vui mùa của anh


Cùng sáng tác tranh như họa sĩ Lê Quang Lĩnh, họa sĩ Nguyễn Tấn Hiền (Đà Nẵng) có hoàn cảnh thật đặc biệt. Bố anh mất khi anh mới 7 tuổi, mẹ anh năm nay 82 tuổi. Anh nguyên là bộ đội Lữ Đoàn pháo phòng không 573 ở Bình Định. Năm 2002, anh xuất ngũ và thi đỗ vào khoa Toán trường Cao đẳng sư phạm Đắc Lắc, cũng trong năm này tai nạn không may đã xảy đến với anh - anh bị té xuống hố ga khi đang đạp xe và gãy xương cột sống, liệt 2 chân, hai tay còn lại rất yếu. Để vượt qua bệnh tật và một phần khó khăn cuộc sống, anh đã tự học vẽ. Thời gian đầu rất khó khăn do đôi tay của anh quá yếu, anh đã phải nhờ người thân cột cọ vào tay để vẽ. Đến năm 2010 anh bắt đầu vẽ về chủ đề gia đình, con người, tĩnh vật và vẽ tranh để bán, trang trải một phần viện phí. Các tác phẩm của anh gửi đến triển lãm rất mộc mạc như ước mơ của chính anh, đó là tác phẩm: Cha và con, Hạnh phúc đơn sơ 1, Hạnh phúc đơn sơ 2, Niềm hạnh phúc của nàng, Suy ngẫm, Hắn của ngày hôm qua.

Tác phẩm Chân dung Phật của họa sĩ Phan Đình Công và tp Hoa hướng dương 1 của họa sĩ Lê Xuân Lãm 
Tác phẩm Tĩnh vật của họa sĩ Nguyễn Văn Tiến và tác phẩm Gia đình của họa sĩ Nguyễn Mạnh Cương 


Cùng tham gia tại phòng tranh Khát vọng có các họa sĩ Nguyễn Mạnh Cương, Nguyễn Văn Tiến, Phan Đình Công và Lê Xuân Lãm. Các anh là học viên Trung tâm bảo trợ người khuyết tật Tịnh Trúc Gia ngoài công lập (phường Thủy Xuân, thành phố Huế). Họa sĩ Nguyễn Mạnh Cương, Nguyễn Văn Tiến và Phan Đình Công bị bệnh câm điếc bẩm sinh; họa sĩ Lê Xuân Lãm bị bệnh chậm phát triển trí tuệ. Mặt dù bệnh tật nhưng các anh đã cố gắng bằng khả năng cùng với sự sáng tạo của mình để hòa nhập với cộng đồng. Tại triển lãm lần này các anh đã gửi đến người xem nhiều cung bậc cảm xúc, những mong ước của các anh qua các tác phẩm: Cá, Tĩnh vật hoa sen, Chân dung Phật (Phan Đình Công); Hoa, Tĩnh vật, Con voi (Nguyễn Văn Tiến); Hoa hướng dương 1, Hoa hướng dương 2, Hoa hướng dương 4 (Lê Xuân Lãm); Hoa sen 2, Neo đậu, Gia đình (Nguyễn Mạnh Cương).

Tác phẩm Nhựa sống của họa sĩ Lê Quang Lĩnh


Đây là cuộc triển lãm mang đầy tính nhân văn, ấm áp tình người được Tạp chí Sông Hương tổ chức dành cho các họa sĩ khuyết tật lần đầu tiên tại thành phố Huế. Triển lãm đến hết ngày 05/7.

Nhạc sĩ Lê Phùng - Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế và nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc - Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương trao Giấy chứng nhận cho các họa sĩ tham gia triển lãm


Câu chuyện tình cảm động có một không hai của chàng họa sĩ khuyết tật và cô gái Huế

Có thể nói đó là chuyện tình cảm động có một không hai của họa sĩ Nguyễn Tấn Hiền và người vợ của anh - chị Nguyễn Thị Lý.

Sau tai nạn đột ngột đến với anh vào cuối năm 2002 cùng với nhiều khó khăn do di chứng sau tai nạn để lại khiến cuộc sống của anh vô cùng khó khăn, từ việc học của một sinh viên mới 27 ngày nhập học phải bỏ dỡ, đến công việc sinh hoạt hằng ngày.

Mãi đến năm 2005 anh Hiền mới có điều kiện để từ quê nhà Đắc Lắc ra điều trị bệnh và phục hồi chức năng ở Bệnh viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng Đà Nẵng. Trong thời gian này anh quen cô sinh viên thực tập chuyên ngành kỹ thuật phục hồi chức năng được phân công chăm sóc cho anh. Từ những buổi đầu gặp gỡ anh Hiền, chị Lý đã quý mến và cảm phục anh bởi ý chí và nghị lực vượt qua khó khăn của anh.

Chị Nguyễn Thị Lý, anh Nguyễn Tấn Hiền và cháu Nguyễn Tấn Hy Hữu
bên tác phẩm Cha và con của anh Hiền


Sau khi ra trường, chị Nguyễn Thị Lý đã được nhận vào làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Bình Dân Đà Nẵng với chuyên ngành kỹ thuật phục hồi chức năng, trong thời gian này chị thường xuyên lui tới và quan tâm chăm sóc cho anh, và từ đây tình yêu đã nảy nở giữa hai người. Họ đã yêu nhau hơn 4 năm, đến năm 2010, họa sĩ Nguyên Tấn Hiền và cô kỹ thuật viên phục hồi chức năng Nguyễn Thị Lý, quê ở xã Phong Bình (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã đi đến hôn nhân. Đám cưới của anh Hiền và chị Lý cũng thật đặc biệt. Bệnh viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng Đà Nẵng đã tổ chức lễ cưới cho anh chị; những người tham dự lễ cưới - ngoài bà con của hai bên gia đình là anh chị em cán bộ công nhân viên bệnh viện, cùng với sự tham gia của các bệnh nhân và đám cưới diễn ra tại bệnh viện nơi anh Hiền điều trị - nơi chị Lý thực tập.

Một chuyện khác nữa tại phòng triển lãm khiến những người yêu nghệ thuật thật sự xúc động và cảm mến. Đó là ngày chị Nguyễn Thị Lý cùng chồng - họa sĩ Nguyễn Tấn Hiền ra Huế dự khai mạc triển lãm tranh tại Tạp chí Sông Hương và cũng là ngày, lâu lắm rồi chị Lý mới có dịp trở quê hương, nhưng chị gặp phải hoàn cảnh thật trớ trêu, mẹ chị đau nặng phải nhập viện do bị u tuyến tụy, điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế. Chị Lý quần quật, vừa chăm sóc chồng con và chăm sóc mẹ đang điều trị ở bệnh viện; không có đủ thời gian để trở về thăm ngôi nhà thân thương của mình, thăm những người thân để cùng trò chuyện, hàn huyên  sau bao năm xa cách. 

Cưới nhau một năm, anh chị Hiền Lý đã sinh một cháu trai kháu khỉnh và cháu được đặt tên cũng khá kỳ lạ. “Khi nghe tin vợ mang thai và sau đó sinh cháu, mình thật sự không tin được…” - anh Hiền nói. Đây là điều bất ngờ, là niềm hạnh phúc lớn đối với đời anh và cũng thật là hiếm có, theo anh đó là điều rất “hy hữu”, nên anh đã đặt tên cho con trai mình là Nguyễn Tấn Hy Hữu.

Bây giờ, dù luôn vất vả bộn bề của cuộc sống, vừa chăm sóc chồng bị bệnh do tai nạn - liệt hai chân và hai bàn tay chỉ còn duy nhất ngón cái tay phải cử động được, phải ngồi xe lăn và vừa chăm sóc cháu nhỏ mới hơn một tuổi, cùng với hoàn cảnh kinh tế đầy khó khăn, nhưng chị Lý vẫn luôn nở nụ cười yêu đời và tràn đầy hạnh phúc.

Chuyện tình yêu - gia đình của chàng họa sĩ khuyết tật đầy nghị lực vượt qua tật nguyền - Nguyễn Tấn Hiền và sự đảm đang, chịu khó của người phụ nữ Huế - chị Nguyễn Thị Lý là câu chuyện tình đẹp, đẹp như chuyện cổ tích, là một thông điệp tình yêu gửi đến mọi người.
 

PV

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng