Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Lễ cài hoa hồng nhân mùa Vu Lan báo hiếu
09:14 | 31/08/2012

SHO - Nhân mùa Vu Lan báo hiếu, chiều ngày 30/8 (14/7 Âm lịch), Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán - Huế đã tổ chức buổi Lễ Cài hoa hồng và chương trình văn nghệ mừng Vu Lan, diễn ra tại số 15 Lê Lợi, Huế.

Lễ cài hoa hồng nhân mùa Vu Lan báo hiếu

Tục cài hoa hồng vào mùa Vu Lan báo hiếu bắt đầu ở nước ta vào năm 1962, được xuất phất từ câu chuyện khi thiền sư Nhất Hạnh sang Nhật Bản và được các sinh viên Nhật Bản cài lên một bông hoa Cẩm chướng màu trắng trong Ngày Mẹ (Mother’s day) của người Nhật Bản. Năm đó, thiền sư Nhất Hạnh phổ biến đoản văn “Bông hồng cài áo” về tục lệ cài hoa lên áo của người Nhật Bản:

Cụ già cài bông hồng trắng với đôi mắt rưng rưng đăm chiêu nhớ mẹ... "Tôi nhìn lại bông hoa trắng trên áo mà bỗng thấy tủi thân. Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc khốn nạn nào; chúng tôi không có được cái tự hào được cài trên áo một bông hoa màu hồng..."


"...Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ ( Mother"s Day ) mồng mười tháng năm. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với Thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Đông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ Thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy ở trong sắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng.

Tôi nhìn lại bông hoa trắng trên áo mà bỗng thấy tủi thân. Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc khốn nạn nào; chúng tôi không có được cái tự hào được cài trên áo một bông hoa màu hồng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan...”.  Và mùa Vu Lan năm 1962 tục cài hoa hồng lên áo được phổ biến ở nước ta. Cảm xúc từ bài viết của thiền sư Nhất Hạnh, nhạc sỹ Phạm Thế Mỹ đã lấy ý từ bài văn trên viết ca khúc “Bông hồng cài áo”, một ca khúc cảm động về mẹ được vang lên vào mùa báo hiếu Vu Lan.

và niềm hạnh phúc, sung sướng khi còn có mẹ của cụ bà


Buổi Lễ cài hoa hồng đã diễn ra trong không khí trang nghiêm, cùng với niềm hạnh phúc của những người đang còn mẹ và nỗi buồn của những không còn có mẹ. Buổi lễ đã thu hút hằng trăm tăng ni phật tử, đặc biệt lễ cài hoa năm nay với sự hiện diện của nhạc sỹ Phạm Tuyên, nhiều cụ già - những người con hiếu thảo luôn nhớ về cha mẹ “Công cha như núi Thái sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.


Trước đó, vào chiều ngày 28/8, Trung tâm Văn hóa Phật Giáo Liễu Quán - Huế đã khai mạc phòng triển lãm tranh thêu Tâm kinh mùa báo hiếu của nghệ nhân Lê Văn Kinh. Với 46 bức tranh thêu tại phòng trưng bày được tập trung về chủ đề Vu Lan báo hiếu được nghệ nhân Lê Văn Kinh thực hiện trong hàng chục năm qua, phòng tranh mở cửa đến hết ngày 02/9/2012.

Hai màu hoa hồng và trắng - cho những người đang còn mẹ và những người - mẹ đã đi xa. "Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa..."


PV

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng