Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Nỗi niềm Ca Huế
08:00 | 31/10/2013

Tới Huế mà chưa xuống thuyền nghe ca Huế coi như chưa biết đến đất Cố đô. Vì thế, dù bận đến đâu du khách cũng cố dành thời gian “tựa mạn thuyền rồng” để thưởng thức thú chơi tao nhã và độc đáo này. Nhưng trong thời buổi kinh tế thị trường, ca Huế trên sông Hương lại đang bị vướng vào lắm nỗi niềm.

Nỗi niềm Ca Huế
Nghe ca Huế trên sông Hương là lựa chọn của rất nhiều du khách khi đến Huế.

Không còn là “tâm ca”?

Cách đây khoảng 20 năm, có thể nói rằng, với bất cứ ai yêu ca Huế, từng có dịp thả tâm hồn mình qua những lời ca ngọt ngào trên sông Hương đều nhớ mãi cái cảm giác lâng lâng khó tả khi bước chân vào khoang thuyền. Bấy giờ, ca Huế còn giữ được “chất nguyên bản”, dọc theo hai bờ sông Hương, đoạn gần trung tâm thành phố Huế chỉ có rải rác vài con thuyền ca Huế, và trên mỗi con thuyền biểu diễn ca Huế ngoài số nhạc công và ca sĩ ra cũng chỉ có thêm từ 5 đến 7 du khách. Và khi thuyền ngược dòng, cũng là lúc bắt đầu một đêm ca Huế... Thế nhưng bây giờ, không khí ở các bến thuyền thật rộn ràng, tấp nập với rất nhiều thành phần như: ca sĩ, nhạc công, bầu sô, chủ thuyền, du khách và tất nhiên, thành phần không thể thiếu là… cò. Phía dưới sông thì cơ man nào là thuyền rồng, thuyền đôi, thuyền đơn. Tâm lý chung của du khách khi đến Huế thường thích nghe ca Huế trên sông vì ai cũng muốn đi dạo giữa dòng Hương trong những đêm trăng, thanh gió mát để tận hưởng cái hay, cái đẹp của non nước Thần Kinh, nhưng giờ đây, bước chân lên khoang thuyền ca Huế sao nghe khác lạ quá chừng. Thuyền san sát thuyền, cùng với tiếng la hét của những chủ thuyền để tránh nhau. Trên thuyền, vẫn một chương trình biểu diễn ca Huế như ngày nào nhưng không hiểu sao giờ lại ngắn thế. Người ta đã cắt xén thời gian biểu diễn, đưa những tiết mục ngoài chương trình vào để bù lấp cho những tiết mục khó thể hiện. Nhiều người cho rằng, ca Huế bây giờ đang khác xưa khá nhiều và thực tế cho thấy, một số ca sĩ ca Huế tuổi đời còn rất trẻ, giọng ca còn non nớt, đó là chưa nói đến một đội ngũ ca sĩ nghiệp dư, thấy hoạt động ca Huế trên sông có thể kiếm ăn được, đã tập tành vài ba bài hát rồi nghiễm nhiên trở thành “ca sĩ” ca Huế. Có cảm giác rằng, thời buổi kinh tế thị trường như bây giờ, người ta chỉ biết lo chạy “sô” chứ ít ai nghĩ đến ca Huế theo đúng nghĩa của nó, nói cách khác, không ít các ca sĩ chỉ biểu diễn ca Huế bằng “khẩu ca” chứ không phải bằng “tâm ca”.

Chấn chỉnh hoạt động biểu diễn

Từ năm 2000 đến nay, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế liên tục có các chỉ thị về việc chấn chỉnh hoạt động biểu diễn ca Huế trên sông Hương, trong đó, quy định cụ thể thời gian biểu diễn của một sô ca Huế, mức thù lao cho diễn viên, nhạc công, số lượng ca sĩ, nhạc công trong một sô diễn… cũng như nghiêm cấm các hành vi tiếp thị, mua bán các các sản phẩm ăn theo, nài ép du khách dưới mọi hình thức. Mới đây nhất, cơ quan chức năng của tỉnh đã thẩm định và cấp phép cho gần 500 nghệ sĩ, nhạc công tham gia biểu diễn ca Huế. Những nghệ sĩ này có người đang hoạt động tại Nhà hát nghệ thuật Ca kịch Huế, Nhà hát nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế, giáo viên và sinh viên của Trường Trung học Văn hóa-Nghệ thuật tỉnh và cả những người không hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp khác.

Theo quyết định mới nhất của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thì thù lao cho các nghệ sĩ, nhạc công tham gia biểu diễn ca Huế tối thiểu là 150 nghìn đồng/người/suất diễn (được áp dụng từ ngày 1-5-2013). Quyết định nói trên đã “gỡ” được nhiều khó khăn cho đời sống của các anh chị em nghệ sĩ biểu diễn ca Huế lâu nay. Những việc làm này đã có tác dụng “xốc” lại loại hình nghệ thuật độc đáo và quý giá này, để nguy cơ du khách quay lưng lại với ca Huế sẽ không xảy ra. Tuy nhiên, như trên đã nói, dù chất lượng ca Huế trên sông Hương được nâng lên đáng kể nhưng ở góc độ quản lý, nhiều bất cập vẫn còn tồn tại khiến một sản phẩm văn hóa - du lịch đặc trưng đất Cố đô vẫn chưa được hoàn thiện trong mắt du khách. Có thể nêu ra vài ví dụ: Trước đây, lợi dụng mức giá khá thấp (25, 30 nghìn đồng/vé), những đối tượng “cò” ca Huế đã tự ý nâng giá vé xem biểu diễn ca Huế trên sông Hương lên gấp đôi, gấp ba. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng ban hành giá vé mới (100 nghìn đồng/vé) thì các “cò” lại hạ giá vé xuống còn 60-80 nghìn đồng. Nhưng không chỉ có vậy, tình trạng đeo bám theo thuyền ca Huế để xin ăn trên sông Hương, những hình ảnh nhếch nhác, lộn xộn trên bờ, hay hệ thống chiếu sáng của công viên 3/2 quá yếu (đoạn gần nhà nổi còn không có hệ thống chiếu sáng)… vẫn còn tồn tại. Đặc biệt, tình trạng lộn xộn, chèo kéo và cả hiện tượng móc túi cũng đang là nỗi phiền lòng của du khách và lực lượng chức năng. Mặc dù thời gian qua các cấp ngành chức năng ở Thừa Thiên Huế đã có nhiều văn bản chỉ đạo chấn chỉnh những bất cập này, thế nhưng vẫn còn chưa đủ lực để đưa loại hình dịch vụ này vào khuôn phép.

Thiết nghĩ, để kịp thời “xốc” lại loại hình nghệ thuật độc đáo và quý giá này, các cơ quan chức năng của tỉnh Thừa Thiên - Huế cần tiếp tục có các giải pháp cụ thể để công tác kiểm tra, giám sát được thường xuyên và chặt chẽ hơn, nhất là vấn đề quản lý bến bãi, chấm dứt tình trạng chèo kéo, ghép khách.

Theo Bình Vân

Các bài mới
Các bài đã đăng