Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Báo động cổ vật bị đánh cắp tại các di tích Huế
08:44 | 12/11/2013

Mặc dù có tổ bảo vệ trực ban đêm và có người ngủ lại ngay tại các điểm chính của di tích lăng Tự Đức - thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế, nhưng kẻ trộm vẫn lẻn vào và “cuỗm” đi nhiều cổ vật có giá trị. Đây không phải là lần đầu tiên di tích Huế bị trộm khoắng cổ vật, mà trước đó đã có nhiều vụ tương tự.

Báo động cổ vật bị đánh cắp tại các di tích Huế
Hai lư xông trầm hình con nghê bằng đồng bị mất

Nhiều cổ vật bị mất trong đêm

Đêm 7 và rạng sáng 8.11, tại lăng Tự Đức có 5 bảo vệ túc trực, canh chốt tại các điểm quan trọng của di tích này. Ở khu vực Điện Hòa Khiêm, một bảo vệ được cắt cử ở lại. Tuy nhiên đến lúc 3 giờ sáng thì các bảo vệ của lăng phát hiện các cổ vật ở Điện Hòa Khiêm “không cánh mà bay”, trong khi đó cửa sau của điện không chốt khóa.

Theo lời kể của nhân viên bảo vệ tại khu vực này, thì có thể kẻ trộm đã đột nhập vào lúc từ 1h30 đến gần 3h sáng 8.11. Trong khoảng thời gian này, nhân viên này cho biết mình có thức dậy và đi vệ sinh.

Những hiện vật bị đánh cắp đều là những cổ vật quý. Có 2 lư xông trầm hình con nghê bằng đồng có từ thời vua Tự Đức có ký hiệu TĐ 194 Đg 28 (nặng 40,7kg) và TĐ 195 Đg 29 (nặng 47,2kg). Cả hai chiếc lư xông trầm hình con nghê này đều có nắp. Tuy nhiên trước thời điểm bị đánh cắp, bộ phận bảo vệ đã cất giữ 2 chiếc nắp và kẻ cắp chỉ lấy hai con nghê không nắp. Và 4 ché đựng rượu làm bằng sứ cao khoảng 60cm (có từ thế kỷ XIX) có tráng men, được trang trí tinh xảo với những hình ảnh rồng, nghê, phong cảnh…

Trong quá trình vận chuyển, kẻ trộm đã làm vỡ một ché rượu và để lại ở khu vực la thành. Chiếc ché này đã được thu hồi nhằm phục vụ công tác điều tra. Ông Mai Xuân Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (TTBTDTCĐ) khẳng định, các cổ vật bị đánh cắp đều rất quý nhưng chưa thể định giá được. Ông Minh cũng cho biết 2 con nghê bằng đồng nói trên không phải là “độc bản”, bởi nhiều điểm di tích khác của Quần thể Di tích Cố đô Huế cũng có các con nghê bằng đồng tương tự.

Sau khi phát hiện bị mất cổ vật, lãnh đạo TTBTDTCĐ Huế đã nhanh chóng báo cáo đến cơ quan công an. Sáng cùng ngày, Công an TP Huế và Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có mặt tại hiện trường để thu thập thông tin, tiến hành điều tra vụ việc. Song song với công tác này, TTBTDTCĐ Huế cũng đã chỉ đạo các bộ phận liên quan thực hiện tốt việc phục vụ khách tham quan tại lăng Tự Đức ngay sau khi có việc mất cắp xảy ra. Nhiều du khách vẫn tham quan khu vực Điện Hòa Khiêm như bình thường.

 Các điểm di tích không có thiết bị giám sát

Không chỉ lần này bị trộm đột nhập mà trước đó lăng Tự Đức cũng bị kẻ trộm cuỗm mất một bức nhang (lư hương). Tuy nhiên, lãnh đạo TTBTDTCĐ Huế khẳng định rằng hiện vật này chỉ là vật phục chế, còn hiện vật cổ gốc đã được cất giữ tại kho.

Vào cuối năm 2010, lăng Khải Định cũng bị trộm đột nhập và khoắng đi nhiều cổ vật quý làm xôn xao dư luận. Tên trộm này sau đó còn đột nhập lăng Thiệu Trị thì bị phát hiện và bắt giữ, đó là Nguyễn Tiến Khanh (SN 1975, ngụ tại xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế).

Đối tượng này đã khai nhận từng 9 lần đột nhập các di tích để trộm cắp tài sản. Mặc dù TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tuyên phạt 16 năm tù giam đối với Nguyễn Tiến Khanh về tội trộm cắp tài sản; nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe những kẻ trộm có ý lẻn vào các di tích để cuỗm cổ vật.

Những chiếc ché đựng rượu ở Điện Hòa Khiêm bị kẻ trộm lấy đi (Ảnh do TTBTDTCĐ Huế cung cấp)
Những chiếc ché đựng rượu ở Điện Hòa Khiêm bị kẻ trộm lấy đi (Ảnh do TTBTDTCĐ Huế cung cấp)

Ông Nguyễn Phước Hải Trung, Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, đơn vị trực tiếp quản lý các cổ vật cho rằng, không chỉ phạt tù kẻ trộm mà cơ quan chức năng cũng cần làm rõ và xử phạt thích đáng đối với những cá nhân, cơ sở thu mua đồ cổ. Có như thế cổ vật mới không dễ bị đánh cắp.

Ông Trung cho biết tất cả các điểm tham quan, trưng bày cổ vật ở các di tích Huế hiện nay đều chưa có thiết bị giám sát nên công tác quản lý và bảo vệ vẫn gặp không ít khó khăn. “Điều quan trọng không chỉ là thiết bị giám sát nữa mà ở con người. Nếu họ đã cố tình ăn trộm thì họ sẽ tìm cách để tránh các thiết bị quan sát như trùm mặt, đeo kính đen, cải trang…”, ông Trung nói.

Với vụ việc trộm đồ cổ ở lăng Tự Đức lần này, một số người đặt ra giả thiết rằng kẻ trộm phải là vài người, và có tổ chức rất bài bản. Bởi khối lượng cổ vật khá nặng (gần 100 kg), có nhiều hiện vật dễ bị vỡ nên một người khó có thể cuỗm một lúc nhiều như thế được. Trong khi đó tại các điểm di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế đều có bảo vệ túc trực 24/24.

Vấn đề trộm cổ vật ở các di tích Huế thực sự đáng báo động. Hiện TTBTDTCĐ Huế kêu gọi và mong muốn người dân, dư luận cùng đóng góp thông tin để nhanh chóng tìm được kẻ trộm tại lăng Tự Đức vừa qua. Trước đó, ở các điểm di tích khác như Đại Nội Huế, lăng Minh Mạng cũng bị trộm đột nhập và lấy đi thùng phước sương.

Theo Baovanhoa

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng