Dân làng vẫn truyền tai nhau tại gò đất bên cạnh thôn Tư bây giờ trước đây vốn là một bãi đất trống, nhưng sau một đêm mưa gió, sấm chớp đùng đoàng, đất trời rung chuyển, đến sáng ra đã thấy tượng Bà nằm sừng sững trên mặt đất, ...
Dời chùa tới nơi có bức tượng Phật Bà Lồi
Trong dân gian vẫn còn lưu giữ chuyện Phật Bà Lồi hiền lành, luôn cứu nhân độ thế, đặc biệt là với biệt tài khống chế nước lũ, đã bao lần Bà cứu dân làng Ưu Điềm thoát khỏi lưỡi hái của tử thần khi dòng nước cứ cuồn cuộn nhấn chìm tất cả.
Chùa Bà Lồi có tên chữ là chùa Ưu Đàm, tọa lạc tại gò "đất nổi" thuộc Thôn Tư, làng Ưu Điềm (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế). Chùa quay mặt về hướng chính Nam, lấy cánh đồng ruộng lúa làm tiền án, sau lưng có con sông Ô Lâu huyền thoại ôm lấy làm hậu chẩm.
Theo dân làng kể lại thì vào khoảng thế kỷ thứ 16, khi chúa Nguyễn vào Nam lập nghiệp, để bình định và vỗ an dân chúng, hầu hết các làng xã đồng loạt xây chùa dựng tượng để con dân sinh hoạt tín ngưỡng, ổn định tinh thần mà chăm lo làm ăn, chùa Ưu Đàm cũng ra đời trong thời điểm đó.
Trước đây, chùa Ưu Đàm không nằm tại thôn Tư mà là ở thôn Chùa, cách nền đất hiện tại gần 2km theo hướng Đông Nam. Chuyện dời chùa một cách đột ngột và ly kỳ này, cũng bởi sự xuất hiện của Phật Bà Lồi tại gò đất nổi.
Dân làng vẫn truyền tai nhau rằng, tại gò đất bên cạnh thôn Tư bây giờ trước đây vốn là một bãi đất trống, nhu cầu nhà ở lúc ấy không nhiều nên chẳng ai quan tâm đến. Nhưng sau một đêm mưa gió, sấm chớp đùng đoàng, đất trời rung chuyển, đến sáng ra đã thấy tượng Bà nằm sừng sững trên mặt đất, xung quanh là các phù điêu và tiểu thực khí tạc bằng đá xếp cạnh.
Nhận thấy đây là vùng đất linh thiêng, nên các bô lão trong làng quyết định dời chùa về thánh địa này. Ngôi chùa được dời về bên cánh tả của tượng Bà.
Ông Nguyễn Tư (ngụ Thôn Tư, làng Ưu Điềm) một vị cao niên trong làng cho biết: "Theo dòng chảy của thời gian, chùa Ưu Đàm được tu sửa nhiều lần.
Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí mục chùa quán, biết chùa là nơi thần thánh hiển linh, đến năm Minh Mạng thứ 2, Tân Tỵ (1821) chùa được nhà vua ban chiếu, cấp bổng lộc để trùng tu, tôn tạo.
Nhưng điều kỳ lạ thay, vào năm 1954 vùng đất này là trận địa bị giặc Pháp ném bom và bắn phá ác liệt, ngôi chùa kiên cố chẳng mấy chốc mà tan nát, chỉ riêng thánh địa Bà Lồi là không bị hề hấn gì.
Sức mạnh của thời gian và bom đạn không tàn phá được Bà, chính điều ấy khiến dân chúng nơi đây tin rằng Bà Lồi có sức mạnh kỳ bí nào đó, có thể cứu nhân độ thế giúp chúng sanh thoát khỏi hoạn nạn".
Giai thoại chuyện nước dâng, chùa nổi
Theo vị trí địa lý, thôn Tư giáp nằm sát sông Ô Lâu, vốn là vùng đất bồi tụ nên so với các thôn như Bàu, Niêm, Chùa, Chợ thì thôn Tư có nền đất yếu và thấp nhất.
Vào mùa lũ hàng năm, ở vùng đất thấp trũng và dễ sụt lún này dù những ngôi nhà được làm móng kiên cố cao hơn 2m nhưng dòng nước vẫn phăng phăng dâng trào như muốn nhấn chìm tất cả. Mạng sống của người dân như ngàn cân treo sợi tóc khi chỉ còn biết bơi trong biển nước và sống chung với những cơn lũ kéo dài.
Theo lời kể của ông Nguyễn Khoa Bạch (75 tuổi, thôn Bàu, xã Ưu Điềm) thì vốn dĩ trong làng chẳng ai biết thánh địa Bà Lồi không bị ngập nước, cho đến khi có một ông chăn vịt ở làng Vĩnh An, do chăn đồng xa nên khi lũ ùa về thì trở tay không kịp, trên đường đưa số vịt ít ỏi trở về nhà mới phát hiện được sự tình.
Ông ta kể với dân làng rằng, do không quen địa thế nên ông đi lạc vào địa phận chùa, thấy nơi này không ngập nước nên ông ghé tạm vào đây trú chân, đợi khi nào nước hạ, mưa dứt rồi trở về nhà, chứ mò mẫm trong đêm hôm thể nào cũng bị mất mạng.
Sợ kinh động nơi linh thiêng nên ông neo ghe vịt vào một gốc cây lớn, còn mình thì vào nằm tạm trong miếu Bà, quá kiệt sức nên lão ngủ từ lúc nào chẳng biết. Đến sáng mai lại, khi quay trở ra xem đàn vịt như thế nào thì thấy ghe đã lật úp, tiếc của nên ông mò mẫm lội ra hòng vực lại được chiếc ghe.
Nhưng mới đi có vài bước thì ông hụt chân, rớt thẳng xuống dòng nước sâu, quá hoảng loạn nên ông bơi lại vào bờ. Thấy kỳ lạ nên ông chú ý quan sát và nhận ra rằng dòng nước khi chảy đến nơi ông đang đứng đều rẽ sang hai bên, chứ không nhấn chìm và đánh tan những vật cản như chúng ta thường thấy.
Sau lời kể đó, dân làng đã đến đây kiểm chứng, và kỳ lạ thay, hơn 500m2 đất quanh khu vực Bà Lồi ngự trị chưa bao giờ ngập nước, mọi thứ vẫn khô ráo mặc cho ngoài kia mưa gió bão bùng, nước càng dâng cuồn cuộn thì chùa cũng nổi theo.
Ngay cả trong cơn đại hồng thủy năm 1999, nơi này vẫn chưa bao giờ ngập nước. Tin tưởng vào sự linh thiêng kỳ lạ này, mà suốt mấy chục mùa lũ qua dân Thôn Tư đều mang cơm gạo đến đây tránh lũ, cầu xin sự chở che của Bà Lồi để mong thoát khỏi cảnh bể dâu.
Trưởng ban Hộ Tự chùa Ưu Đàm ông Trần Lý Thố (70 tuổi) cho biết: "Gia đình tôi suốt mấy đời nay nhận nhiệm vụ trông coi và săn sóc miếu Bà, nên mọi diễn biến thật hư ra sao gia đình tôi là người nắm rõ nhất.
Ngoài chuyện Bà cho dân làng đến đây tránh lũ, Bà còn cứu nhân độ thế, chỉ cần thành thật và không quá tham lam, thì ai cầu gì, xin gì cũng được Bà cho toại nguyện.
Bên cạnh miếu Bà có cây bưởi, ai xin Bà cũng cho, nhưng xin một trái thì hái một, nếu hái hai thì thể nào cũng ngồi trên cây không xuống được. Còn những ai đến đây nghiên cứu, quay phim, chụp ảnh, nếu không xin phép trước thì mọi chuyện thể nào cũng chẳng thành".
Niềm tin vào sự linh thiêng và từ bi của Phật Bà Lồi thêm một lần nữa được khẳng định, sau câu chuyện tượng Bà bị các đạo tặc đánh cắp. Nguyên tượng Bà được tạc bằng sa thạch, sau giải phóng được dân làng sơn son thếp vàng và khoác áo cà sa để thể hiện lòng thành kính. Năm 1980 những "đạo tặc" thiếu kiến thức tưởng là bằng vàng thật nên nảy sinh ý định trộm cắp.
Trong vụ xử kín, các tên trộm khai rằng lúc đầu muốn bưng cả bức tượng đi nhưng nhấc không đặng nên mới nghĩ đến việc cưa tay, cưa đầu.
Sau khi cưa được thì chúng bỏ chạy ra phía ngoài đồng ruộng, thoát khỏi nơi đây đã mới tính chuyện cạo vàng đem bán. Nhưng càng đi chúng càng thấy nặng, dù chỉ mang theo một tảng đá nhỏ nhưng lại không lê nổi bước chân, sợ quá nên chúng bỏ của chạy lấy người hòng thoát nạn.
Ông Trần Lý Thố cho biết: "Lúc phát hiện tượng Bà bị cưa trộm, cả làng lúc đó xáo trộn lắm, ai cũng lo lắng, sợ bị Bà trừng phạt. Người dân tản ra khắp nơi tìm kiếm, dò la tin tức nhưng vẫn không có hồi âm.
Cho đến khi thấy trên cánh đồng cạnh cồn Chim gần chùa, từng đàn chim ở đâu bay về, chúng chao qua liệng lại, rồi cắm đầu nhào thẳng xuống một địa điểm trên mặt đất. Thấy lạ nên làng cử người ra xem xét, và quả đúng vậy cả bầy chim đang đậu xung quanh đầu và tay của Bà.
Dân làng lúc đó làm lễ xin thỉnh về hàn lại. Mấy ngày sau, lũ trộm cũng tự tìm đến chùa để nhận tội và xin Bà tha thứ".
Với một lòng thành kính đặc biệt, ông Thố cho biết thêm rằng: "Khu thánh địa này rộng hơn 2000m2, bằng một sức mạnh kỳ bí nào đó nên dù tồn tại hàng ngàn năm mà vẫn giữ nguyên được hiện trạng cũ.
Từ rất lâu tôi đã nghe ông bà kể về khu thánh địa này, chuyện tượng Bà nổi lên từ mặt đất, chuyện dân làng đến đây tránh lũ, những điều kỳ lạ và linh thiêng mà chẳng ai giải thích được, chúng tôi chỉ biết nhờ ơn Bà mà dân làng thoát chết.
Cho đến khi tận mắt chứng kiến chuyện tượng Bà bị cưa trộm, tuy không trừng phạt thẳng tay như các thần linh khác, nhưng sau vụ ấy dân làng chẳng ai dám mạo phạm, mà luôn kính cẩn và một lòng thờ phụng".
Vùng đất có địa thế đặc biệt
Trao đổi với PV, ông Đoàn Văn Đính, trưởng thôn Tư (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết: "Qua ba trận lũ thế kỹ vào năm 1971, 1983 và 1999 thì nước vẫn không vào được chùa, vẫn còn nguyên 3 bậc cấp bước vào chùa. Lý giải về điều này, các nhà khoa học đến địa phương kết luận dưới gò đất của ngôi chùa có hệ thống rãnh thoát nước được hình thành một cách tự nhiên ở phía dưới gò. Mỗi khi nước lũ tràn đến thì thoát qua các đường rãnh này".
Di chỉ văn hóa Chăm còn lại
Nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Pa tại miền Trung Trần Kỳ Phương cho biết, khu thánh địa này là di chỉ Chăm Pa còn sót lại, Phật Bà Lồi chính là nữ thần Xika nổi tiếng, quang cảnh xung quanh chính là đám rước và lễ vật trong lễ cưới Siva- Parvati.
Bức tượng Bà cao 80cm có đôi vú tròn căng, chắp tay ngồi kiết già trên toà sen bằng đá có phù điêu vị thần với tư thế nâng đỡ.
Hằng năm, có các đoàn khảo cổ từ cấp trung ương đến cấp tỉnh cũng như các giáo sư tiến sĩ nước ngoài đến tìm hiểu khảo sát, nhưng những chuyện linh thiêng như đã kể vẫn chưa có lời giải đáp và chưa thể kiểm chứng được.
Tuy nhiên, câu chuyện ly kỳ về miếu Bà vẫn được người dân lưu giữ và truyền cho các thế hệ con cháu
Theo Nguoiduatin