Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Trường Nữ Công học hội Huế và vai trò của Đạm Phương nữ sử
14:08 | 21/10/2015

Đề cao vai trò cũng như trách nhiệm của người phụ nữ trong gia đình cũng như trong xã hội, lần đầu tiên tại Huế, cũng là lần đầu tiên ở nước ta, có một tổ chức giáo dục đã nêu rõ quan điểm, lập trường, bảo vệ quyền của người phụ nữ: trường Nữ Công học hội.

Trường Nữ Công học hội Huế và vai trò của Đạm Phương nữ sử
Đạm Phương nữ sử và chồng, ông Nguyễn Khoa Tùng (Ảnh tư liệu)

Nữ Công học hội được thành lập vào ngày 15/6/1926, với sự khuyến khích của nhà yêu nước Phan Bội Châu, doĐạm Phương nữ sử làm Hội trưởng. Với tài lãnh đạo của Đạm Phương nữ sử, trường Nữ Công học hội được xem là tổ chức hội phụ nữ đầu tiên ở nước ta mà nhờ đó, “từ chốn buồng the, từ nơi cung cấm, từ những công việc quẩn quanh trong bếp núc, từ những xó tối của kiếp cơ hàn, nhiều phụ nữ đã bước ra khỏi ngưỡng cửa nhà mình, đã vươn tới hòa nhập cùng xã hội bằng những công việc mà hàng trăm năm trước đó chỉ nam giới mới được làm” trong giai đoạn đầu của thế kỷ XX.

Khi nàng tôn nữ đòi quyền bình đẳng

Sinh ra trong một gia đình hoàng tộc, thuộc dòng dõi vua chúa, Đạm Phương nữ sử (tên thật là Công Nữ Đồng Canh) là ái nữ của Hoằng Hóa Quận Vương Miên Triện, cháu nội của vua Minh Mạng. Tuy lúc bấy giờ đất nước bị đô hộ nhưng Đạm Phương nữ sử vẫn được hưởng nền giáo dục truyền thống và nghiêm túc của Hoàng tộc. Nhờ sự giáo dục truyền thống của chốn hậu cung, bà đã được học rất nhiều thứ tiếng thông thạo như chữ Pháp, chữ Hán, chữ Quốc ngữ, ngoài ra bà còn rất giỏi cầm kỳ thi họa, nữ công gia chánh… Với vốn am tường kiến thức về các giá trị văn hóa truyền thống, năm 20 tuổi, bà được mời vào cung lo việc cho hoàng hậu; dạy cho các công chúa, cung nữ. Bà dạy giỏi và được triều đình phong cho chức “nữ sử” nên bà thường ký tên là Đạm Phương nữ sử.

Được học hành đến nơi đến chốn, bà nhận thức được vai trò quan trọng của người phụ nữ, cũng như thấy được cái lợi của việc học, cái thiệt của việc không được học của đại đa số phụ nữ lúc bấy giờ, khi những lễ giáo phong kiến “trọng nam khinh nữ” vẫn bủa vây. Cùng với sự ảnh hưởng từ tư tưởng duy tân của người cha – hoàng tử Miên Triện, vị hoàng tử đầu tiên của triều Nguyễn được cử dẫn phái đoàn Việt Nam sang Pháp năm 1889 để tìm hiểu nền văn minh phương Tây, tất cả đã tạo nên tiền đề cho Đạm Phương trở thành một người toàn tài với những đóng góp đáng kể cho quyền bình đẳng của phụ nữ sau này.

Hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực như báo chí, văn học và cả chính trị, xã hội, ở vai trò nào Đạm Phương nữ sử hầu như cũng đều hướng về việc làm sao để giải phóng cho người phụ nữ. Đó là tư tưởng xuyên suốt cuộc đời bà. Bà Đạm Phương là nữ tác giả đầu tiên có số lượng tác phẩm lớn nhất gồm nhiều thể loại như thơ, truyện, tiểu thuyết, sách giáo dục, khảo cứu và có đến hơn 200 bài báo... Hầu hết trong số đó đều bàn về vấn đề phụ nữ. Bởi vậy, bà được xem là nhà nữ quyền tiêu biểu nhất đầu thế kỷ XX, là nhà văn nữ đầu tiên viết tiểu thuyết, nhà giáo dục học tân tiến của thời kỳ cận đại, là người có công khai ngành gia đình học, phụ nữ học và giáo dục mầm non Việt Nam…

Trong cuốn tiểu luận “Đạm Phương với vấn đề nữ học: Giáo dục phụ nữ và trẻ em trong gia đình” của tác giả Đoàn Ánh Dương, đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 8 – 2013 có nêu: Ngày 15/6/1926, khánh thành Nữ Công học hội tại kinh thành Huế, trong tư cách Hội trưởng, diễn văn của bà cũng hết sức nhấn mạnh đến vấn đề nữ học. Đến năm 1929, một lần nữa vấn đề này được bà trở lại, nhân trả lời trưng cầu của báo Phụ nữ tân vănxung quanh tôn chỉ của báo, ở phạm vi rộng lớn hơn: vấn đề phụ nữ”. Trước đó, với tư cách là một nhà báo, bà cũng đã dành rất nhiều tâm huyết khi viết về quyền lợi người phụ nữ trên các tờ báo lớn ba miền lúc bấy giờ nhưNam Phong tạp chí, Trung Bắc tân văn… với những lời lẽ vừa gần gũi, ôn hòa nhưng cũng hết sức mạnh mẽ, quyết liệt, đặc biệt qua chuyên mục Lời đàn bà mà bà phụ trách trên Trung Bắc tân văn. Có thể kể đến một số bài viết tiêu biểu như: Dạy con gái nên kiệm ước làm đầu (số ra ngày 27/11/1923), Cách trang điểm của người đàn bà thế nào là đẹp (30/10/1923), Cách phục sức của người đàn bà (11/02/1924), Người đàn bà phải biết cách ăn ở với chồng (28/06/1923), Trăm nết thảo làm đầu (14/06/1923), Dạy trẻ con khi giao thiệp với người ngoài (11/10/1925)...

Có thể thấy rằng, xuyên suốt quá trình hoạt động văn học, báo chí cũng như xã hội của mình, Đạm Phương nữ sử vẫn luôn đấu tranh vì sự tiến bộ của nữ giới chung, trong đó sự nỗ lực, cống hiến của bà là một minh chứng điển hình cho sự đấu tranh đó.

Nữ Công học hội - đề cao vai trò phụ nữ trong xã hội

Trong mục II – Phong trào yêu nước trước năm 1930 của cuốn Lịch sử Đảng bộ Thừa Thiên Huế ghi rõ: “ Tháng 6/1926, cụ Phan Bội Châu đề xướng và tổ chức ra Nữ Công học hội, với mục đích đưa phụ nữ vào con đường hoạt động xã hội, nâng cao kiến thức và vai trò phụ nữ trong gia đình và xã hội… Hội do bà Đạm Phương làm Hội trưởng…

Sự ra đời của Hội Nữ Công đã thu hút đông đảo chị em tham gia vào các hoạt động xã hội… Hội đã giác ngộ tinh thần yêu nước, hướng chị em phụ nữ vào những hoạt động tích cực, chống lại các hủ tục, những ràng buộc lễ giáo phong kiến”.

Ngay từ khi mới được thành lập, Đạm Phương nữ sử đã tự dự thảo tôn chỉ, mục đích, nội quy, chương trình hoạt động của Hội. Mặc dù tên gọi của Hội gắn với nữ công nhưng mục đích của bà Đạm Phương không dừng lại ở đó, mà thông qua Nữ Công học hội thể hiện mục đích giáo dục phụ nữ rất toàn diện của bà. Diễn văn tại lễ khánh thành Nữ Công học hội, bà chỉ rõ: “Nữ công chẳng những giúp cho đàn bà về đường tự lập, mà lại về đường sinh kế, và thứ nữa là cái mầm mống của sự công nghệ thực nghiệp nước nhà sau này vậy...”.

Lễ khánh thành Nữ Công học hội tại Huế (1926) (Ảnh tư liệu)


Bà cũng nhấn mạnh thêm rằng: “Một cái xã hội tốt hay là xấu là do tại gia đình tốt hay xấu, mà gia đình tốt hay xấu là do sự giáo dục của mỗi gia đình đối với mỗi cá nhơn mà tạo ra, đàn bà vẫn có một phần trách nhiệm trong cuộc tạo nhân kết quả ấy. Vì vậy mà gây dựng một cái gia đình tốt không gì bằng xây dựng một nền đạo đức luân lý cho phụ nữ thật hoàn toàn…”.

Hoạt động của Nữ Công học hội cũng rất đa dạng, cụ thể và thiết thực. Không chỉ dạy chữ, dạy nghề thông dụng, dạy đại cương về giáo dục phụ nữ, dạy cách nấu ăn…, Hội còn cung cấp kiến thức và kinh nghiệm tổ chức gia đình, nuôi dạy con cái, tạo điều kiện cho chị em làm quen với hoạt động tập thể, tiến tới tham gia công việc xã hội.

Với phương pháp giáo dục toàn diện, cộng với sự mềm dẻo, linh hoạt trong các mối quan hệ của mình, Đạm Phương nữ sử đã buộc chính quyền thực dân phong kiến lúc bấy giờ phải thừa nhận Nữ Công học hội là tổ chức phụ nữ phi chính phủ, được hoạt động công khai. Xu hướng tiến bộ của Nữ công học hội Huế dưới sự lãnh đạo của Đạm Phương nữ sử được dư luận, báo chí đánh giá cao và nhiệt tình cổ vũ. Đặc biệt, khi bà Đạm Phương đứng ra thành lập Nữ công học hội ở Huế thì được sự hưởng ứng tức thời của chị em phụ nữ khắp ba miền, gồm 18 hội có cơ sở đặt trên 18 tỉnh, thành, thị xã. Riêng ở Đà Nẵng, Đà Thành nữ công học hội cũng được thành lập vào ngày 29/7/1928. Ảnh hưởng của Hội lan truyền khắp cả nước, đã dấy lên phong trào hoạt động xã hội tích cực của phụ nữ ở các vùng Vinh, Thanh Hoá, Hà Nội, Hải Phòng, Hội An, Nha Trang, Sài Gòn, Gia Định, Cần Thơ... Các bậc chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng và các trí thức trẻ Đào Duy Anh, Đoàn Nồng, Nguyễn Lân rất hoan nghênh và nhiệt tình tham gia nhiều hoạt động của Hội, đã góp phần vào thành công và nâng cao uy tín của Hội.

Như vậy, với việc đưa một người phụ nữ lên nắm quyền trong thời đại lúc bấy giờ đã là một điều hiếm có; để người phụ nữ lãnh đạo, hướng dẫn, dạy dỗ chị em phụ nữ về mọi mặt, từ đó để thay đổi nhận thức, thay đổi lối sống, tư duy hiện đại lại càng đặc biệt. Nữ Công học hội, vì vậy mà được xem như một trường học, cũng là một địa chỉ tin cậy cho chị em phụ nữ lúc bấy giờ có thêm niềm tin, nghị lực vào bản thân để phấn đấu và cống hiến cho gia đình và xã hội, từ đó hoàn thiện nhân cách của mỗi người: dù cách tân nhưng vẫn không buông bỏ truyền thống.

Theo nhận định của tác giả Bùi Trân Phượng, trong cuốn Tuyển tập Đạm Phương nữ sử (NXB Văn học, 1999, tr.211): “Trong chủ nghĩa nữ quyền chánh trị xã hội... người đã để lại số lượng sách báo đồ sộ và những hoạt động thực tiễn không kém ấn tượng là Đạm Phương nữ sử, nhà giáo dục có tính cách tân đáng kinh ngạc; tôi nhận diện ở bà một nhà hoạt động nữ quyền ôn nhu, trầm tĩnh nhưng tâm huyết và quyết đoán trong sứ mạng khai trí của mình. Là mẹ và là bà của hơn một thế hệ thanh niên trí thức nam và nữ, tất cả đều được bà cho học lấy một nghề để mưu sinh, sống tự lập hay đã dấn thân hoạt động cách mạng, suốt đời bà chuyên tâm đào tạo và tổ chức đào tạo nhiều nhà giáo dục nữ khác, chia sẻ với họ tri thức, năng lực giáo dục và niềm tin rằng “giáo dục không phải là một công trình trói buộc người ta. Giáo dục là một công trình bồi bổ để nảy nở tất cả những năng lực cao quý trong một người”.

Nữ Công học hội – nơi cổ súy tinh thần yêu nước

Không chỉ là một trường học, Nữ Công học hội được xác nhận là phong trào yêu nước trước những năm 1930 và vai trò bà Đạm Phương đã góp phần hình thành tổ chức tiền thân, sự ra đời của tổ chức Đảng Cộng sản Thừa Thiên mà các con bà Nguyễn Khoa Tú, Nguyễn Khoa Văn (Hải Triều) đã tham gia từ đầu.

Là một công nữ triều Nguyễn rồi trở thành tù chính trị năm 1929, mặc dù ra tù không có án nhưng tư tưởng, lòng yêu nước của bà Đạm Phương đã phát triển theo con đường cách mạng. Theo thuathienhue.gov.vn, ngay từ khi mới được thành lập, Hội này thường mời cụ Phan Bội Châu và một số nhà cách mạng khác đến nói chuyện tình hình thế giới, về vai trò của phụ nữ giúp chị em hiểu biết thêm nhiều mặt. Năm 1926, cụ Phan Chu Trinh mất, Hội tổ chức truy điệu, bà Đạm Phương đã đọc điếu văn, có đoạn: "Mấy mươi năm góc biển chân trời, vằng vặc tấm cô trung, trên vì nước, dưới vì dân, tinh thần vẫn lai láng sông núi Việt. Đã nhiều thuở khua chiêng gióng trống, thiết tha hồn cố quốc, trước hiệp lòng, sau hiệp sức, sự nghiệp đành phó thác cháu con Hồng".

Trong bài viết “Công nữ Đồng Canh – nữ sử Đạm Phương: Một phụ nữ nổi tiếng ở Huế đầu thế kỷ XX” của tác giả Ngô Kha (nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế) có viết: “ Năm 1931, tại Sài Gòn, ông Nguyễn Khoa Tú, con trai bà Đạm Phương bị Pháp bắt tra khảo đến chết, tiếp đó, Hải Triều cũng bị bắt giải ra Huế làm án. Bà rất đau xót nhưng chí hướng của bà càng rõ thêm. Cũng trong năm 1931, bà đã vận động Nữ Công học hội quyên góp ủng hộ đồng bào trong vụ Pháp đàn áp Xô Viết Nghệ Tĩnh. Ủng hộ đồng bào bị đàn áp là ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh – chính quyền công nông đầu tiên ở nước ta do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Bà đã có công dẫn dắt nữ sinh Đồng Khánh trong phong trào bãi khóa, tham gia Nữ Công học hội. Một số người đã trở thành những cán bộ phụ nữ tiêu biểu như bà Trần Thị Như Mân, Đào Thị Xuân Yến (Nguyễn Đình Chi), Nguyễn Khoa Diệu Hồng, Nguyễn Thị Lý, Nguyễn Thị Lài…, trong đó có liệt sĩ Nguyễn Thị Lài, tỉnh ủy viên Đông Dương Cộng sản Đảng tỉnh Thừa Thiên năm 1929, hy sinh năm 1934”.

Với tổ chức Hội Nữ Công và các hoạt động văn chương, báo chí của bà Đạm Phương, cụ Phan Bội Châu đã viết “Nữ quốc dân tu tri” (quốc dân nữ giới cần biết) có 25 bài giáo huấn. Nữ Công học hội, với sự hoạt động công khai, đã xuất bản được cuốn “Nữ quốc dân tu tri” lần thứ nhất năm 1926, lần thứ 2 vào năm 1929 và được lưu truyền trong nữ giới ở Huế và ở cả hai miền Nam Bắc, trở thành lời kêu gọi:

Học Bà Trưng Trắc giận nước, thương chồng
Thề với non sông, liều thân giết giặc
Trả xong nợ nước, rửa sạch thù chồng
Ây nữ anh hùng, nghìn thu mấy kẻ?

Tuy thông tin tư liệu về Nữ Công học hội không nhiều nhưng chỉ bấy nhiêu thôi cũng có thể thấy được sức lan tỏa, sự lớn mạnh về nhận thức của chị em phụ nữ trường Nữ Công học hội, cũng như uy tín của bà Đạm Phương, mặc dù sau khi ra tù, bà đã xin thôi chức Hội trưởng vào tháng 9/1929.

Trong bài phát biều đề dẫn tại hội thảo khoa học Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Đạm Phương nữ sử (18/6/1881-18/6/2011), PGS.TS Đỗ Bang cho biết: “Nữ công học hội là một sản phẩm độc đáo vào thời cận đại Việt Nam, ra đời tại kinh đô Huế do một nữ Hoàng phái – cháu nội của vua Minh Mạng sáng lập theo tư tưởng canh tân đất nước là một hiện tượng hiếm có trong lịch sử. Nữ công học hội ra đời trước tất cả các đảng phái chính trị tại Huế và là tổ chức phụ nữ đầu tiên của Việt Nam có tôn chỉ, điều lệ, trụ sở, ban lãnh đạo, tài khoản riêng; hội viên đóng hội phí, được tổ chức kết nạp và bãi miễn. Vị thế của Hội nhanh chóng ảnh hưởng đến các cấp, các ngành ở xứ sở Đông Dương, phạm vi hoạt động của Hội không những trên cả nước mà còn lan tỏa sang Lào”. Dù chỉ hoạt động trong một thời gian không lâu nhưng Nữ Công học hội tại Huế xứng đáng được xem là một mốc son trong việc giáo dục, tôn vinh thành công hình ảnh người phụ nữ những năm đầu thế kỷ XX, không chỉ đảm việc nhà, mà còn giỏi việc nước, mà tiêu biểu nhất là Đạm Phương nữ sử.

 
Theo Khám phá Huế

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng