Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Từ cuộc đời Nguyễn Tri Phương nhìn về một thời đoạn lịch sử
09:20 | 12/11/2015

Võ tướng Nguyễn Tri Phương đã dành cả đời ông trong công cuộc giữ yên bờ cõi và chống ngoại xâm trải qua ba đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Khi Hà thành thất thủ vào tay quân Pháp, ông đã nhịn đói cho đến chết.

Từ cuộc đời Nguyễn Tri Phương nhìn về một thời đoạn lịch sử
Cuốn sách "Nguyễn Tri Phương"

Cuốn sách Nguyễn Tri Phương nằm trong tủ sách “Góc nhìn sử Việt” do NXB Hồng Đức và Alphabooks ấn hành đã phần nào làm sống lại cuộc đời vị võ tướng anh dũng này.

Hơn thế, thông qua cuộc đời Nguyễn Tri Phương, người đọc đã thấy lại một thời đoạn đầy biến động của nước ta trước ngoại bang phương Tây. Sách được viết bởi Phan Trần Chúc và Lê Quế in lần đầu năm 1956. Lần tái bản này, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn đã hiệu đính dựa trên bản in tại Sài Gòn 1956.

Võ tướng Nguyễn Tri Phương sinh tại Phủ Thừa Thiên, theo Đại Nam nhất thống chí, ngay từ nhỏ ông đã có chí lớn. Ông không ưa việc khoa cử mà chỉ đọc những cuốn sách có ứng dụng để giúp đời. Thời kỳ đầu triều vua Minh Mạng, nhà vua có chiếu kén những người hiền tài giúp nước. Nguyễn Tri Phương đã bước vào con đường hoạn lộ bằng một chức nhỏ mọn ở địa phương.


Cuốn sách "Nguyễn Tri Phương"

Làm nha lại không bao lâu, ở địa phương ông xẩy ra một vụ án rất bí mật. Quan huyện giao cho ông tra xét và ông đã khám phá ra được vụ án ấy. Đồng thời, ông đã thảo một tờ bẩm rất khúc chiết rõ ràng trình lên quan trên. Vụ án ông khám phá được báo lên tỉnh rồi vào cung vua. Tình cờ, vua Minh Mạng đọc được tờ bẩm và nhận ra tài năng của ông. Vua cho dẫn ông vào triều để từ đó cuộc đời Nguyễn Tri Phương thăng tiến rất nhanh trong triều đình.

Cuộc đời ông gắn liền với chiến chinh trận mạc trải qua khắp ba miền của đất nước. Khi biên thùy phía Nam bị ngoại bang xâm lấn, chính ông đã làm chủ tướng đánh giặc và buộc giặc đầu hàng. Trong nhiều năm cầm quân ở vùng sông nước Cửu Long, ông luôn chủ trương thu phục lòng người hơn là dùng vũ lực.

Nguyễn Tri Phương nói: “Công thành không bằng công tâm, toàn sự tức là toàn thắng”. Công cuộc “công tâm” của ông đã giúp các tỉnh vùng biên phía Nam yên bình không còn bóng giặc đánh phá nữa.

Số phận của Nguyễn Tri Phương gắn liền với số phận của đất nước. Khi phương Tây chế tạo ra súng đạn thì nhiều quốc gia ở châu Á phải chịu khuất phục vì gươm giáo, cung tên không thể địch lại. Việt Nam nằm trong số các quốc gia bị phương Tây đánh chiếm bằng sức mạnh khoa học kỹ thuật như thế.

Nguyễn Tri Phương đã nhận thấy điều này nên trình với vua đề nghị canh tân đất nước. Thế nhưng, nhiều quan lại trong triều đình đã chống lại ông nhằm hưởng nhàn cho tấm thân.

Kết cục, Hà thành đã thất thủ khi Nguyễn Tri Phương được giao trọng trách bảo vệ. Ông đã nhịn ăn cho đến chết với câu nói bất hủ: “Làm tướng phải chết và chết ở trận tiền không phải là cái chết nhục nhã”.

Tủ sách “Góc nhìn sử Việt” viết về các danh nhân Việt Nam lừng danh một thời với lòng yêu nước nồng nàn và bất khuất trước kẻ thù. Việc đọc và học sử Việt đang là mối lo cấp bách trong toàn xã hội khi mà môn sử trong nhà trường ít được học trò yêu mến.

Cuốn Nguyễn Tri Phương của Phan Trần Chúc và Lê Quế được viết theo loại “lịch sử ký sự” nên dễ đọc và hấp dẫn, lại được nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn hiệu đính rõ ràng, thiết nghĩ nên được phổ biến rộng trong các gia đình để lớp người trẻ biết sâu hơn về lớp cha ông.

Theo Thanh Kiều (Thethaovanhoa.vn)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Huế rặt (04/11/2015)