Tháng 5 về luôn khiến chúng ta nhớ đến Người với tấm lòng nhân ái bao dung với người dân Việt Nam và hướng đến những người còn bị áp bức và bị tước nhân quyền trên thế giới. Bài viết “Bao la nhân ái một con người” mở đầu cho Sông Hương số này sẽ làm bật lên Tư tưởng Nhân văn của Bác Hồ - là ánh dương soi sáng suốt cuộc trường chinh kháng chiến đến ngày thắng lợi, cả hôm nay và mai sau; bởi suy cho cùng ở mọi thời đại, chỉ khi tư tưởng nhân văn của những vị lãnh đạo phát sáng chiếu soi lên mọi hành động, vận nước mới thật bình an.
Mục văn xuôi kỳ này. Ký ức về một người lính từ “đứa trẻ” một ngày bỗng nhận ra mạ nuôi giấu cán bộ giữa giai đoạn “Luật 10/1959” giám sát khắc nghiệt. Người lính ấy sau này là một thương binh, vô tình gặp lại đứa trẻ ngày nào cùng chia sẻ tâm tư trong hầm bí mật ở một hoàn cảnh đặc biệt thời bình. Từ nhân vật chính, “đứa trẻ” năm xưa đã lặng lẽ lui xuống vai phụ, làm bật lên một tình đồng đội đầy ân nghĩa. Truyện ngắn Mầm nhói, bức ký họa về ngọn đồi Anh Hài trắng nhức san sát những nấm mộ nhỏ nhoi; nơi bao sinh mệnh bị tước đoạt quyền sống ngay khi còn trong bào thai. Nhưng hết thảy các em nơi ngọn đồi này đều đã trở thành thiên thần, những thiên thần chấp chới giữa hư không chờ lần siêu thoát. Ở truyện ngắn còn lại, con Bù nhìn được bện bằng rơm từ tay một người đàn ông không bình thường, đã thức dậy niềm hạnh phúc trần tục từ người con gái đêm đêm thức với nỗi khát khao được làm mẹ; và đó cũng là sự thức dậy nỗi đau của người chồng bất lực. Tác giả dường như tự bện một con bù nhìn có hồn, sống động lặng thầm giữa bao la cánh đồng ngập ngụa ánh trăng, là một hình ảnh đẹp dẫu rất buồn.
Mục Nghiên cứu và bình luận. Phần cuối của bài viết “Phạm trù nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam theo xu hướng hậu hiện đại” khởi đăng từ số trước, tác giả đã đào sâu hơn về tâm thức nhân-vật-con-người thời hậu hiện đại bị hành hạ bởi cảm thức nghi ngờ, bi quan về chính sự tồn tại của họ trước một xã hội bị chi phối bởi các sức mạnh siêu nhiên trong lúc con người lại chối bỏ sự tìm hiểu để hòa đồng vào nó. Đó cũng chính là “sự ám thị của nhà văn về một thế giới không hoàn tất, một thế giới mà trong quan hệ phải đối diện với sự hỗn độn và ám ảnh bởi hư vô”.
“Nguyễn Trọng Tạo, một cây si với một cây bồ đề” - bài viết về đời/thơ của con người luôn cố giữ thăng bằng giữa thế tục và hư vô; “một người đi giữa đất trời lồng lộng, thấy cái nhỏ và cái lớn, thấy trước và sau, biết sợ hãi cái vĩnh hằng”. Bên cạnh đó là chân dung nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ với những linh cảm về dấu lặng cuộc đời: “Em chết trong nỗi buồn/ Chết như từng giọt sương/ Rơi không thành tiếng”…
- BAO LA NHÂN ÁI MỘT CON NGƯỜI - Trần Nguyên Hào
VĂN:
- Mầm nhói - NHỤY NGUYÊN
- Bù nhìn - NGUYỆT CHU
- Ký ức về một người lính - PHẠM XUÂN PHỤNG
THƠ:
- HUỲNH GIA
+ Bài ca dao của Mẹ
- LÊ HÀO
+ Bài hát và niềm mơ
- PHAN DUY
+ Mênh mông đồng chiều
+ Những chuyến rơi xanh
- TRẦN HUY MINH PHƯƠNG
+ Khúc rụng 2
+ Khúc rụng 1
- NGUYỄN THÁNH NGÃ
+ Tháp trôi sông
+ Về thôi
- BÙI KIM ANH
+ Giấc ngủ quê
- NGUYỄN HÀN CHUNG
+ Ngày em trăm tuổi
- PHAN NAM
+ Bản phác thảo đêm trắng
- SƠN TRẦN
+ Về với cha
+ Ký ức tháng Tư
- NGUYỄN CHÍ NGOAN
+ Nỗi buồn thinh lặng
- VÕ VĂN LUYẾN
+ Ngày cũ phố cũ hồn cũ
- NGUYỄN THÚY HẠNH (giới thiệu chùm thơ)
+ Mỹ dạ ngâm
+ Mù(ư)a thu
+ Bóc một lớp vỏ
NHẠC:
- Mưa Huế tình yêu - Nhạc và lời: NGỌC ÁNH
- Sen hồng Thành Nội - Nhạc và lời: ÁNH MAI
NGHIÊN CỨU BÌNH LUẬN:
- Nguyễn Trọng Tạo, một cây si với một cây bồ đề - NGUYỄN ĐỨC TÙNG
- Phạm trù nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam theo xu hướng hậu hiện đại (Phần cuối) - NGUYỄN HỒNG DŨNG
CỬA SỔ NHÌN RA VĂN HỌC THẾ GIỚI ĐƯƠNG ĐẠI:
- Hệ hình mỹ học tiếp nhận như là chân trời mới cho diễn giải lịch sử văn học - HOÀNG PHONG TUẤN dịch
HUẾ DÒNG CHẢY VĂN HÓA:
- Ruộng tịch điền và vị vua khởi xướng dưới triều Nguyễn - TRẦN ĐÌNH BA
- Lại bàn về nơi an táng đại thi hào Nguyễn Du - MAI VĂN HOAN
TÁC GIẢ - TÁC PHẨM:
- Lâm Thị Mỹ Dạ - Trái tim sinh nở - TRUNG TRUNG ĐỈNH
- Văn hóa đọc và đọc văn hóa - PHẠM PHÚ PHONG
- Đi giữa lằn ranh giữa thực và mộng - NGUYỄN VĂN SƯỚNG
- Thư tín Sông Hương
- Bìa 1: Tác phẩm “SELFIE” (Sơn mài 100x100cm) của họa sĩ Đinh Khắc Thịnh
- Phụ bản bìa 2, bìa 3: “LẠI VỀ LẠI 2018” VÀ KHÚC ĐỒNG VỌNG CỦA QUÁ KHỨ - Khả Hân
- Minh họa: Đặng Mậu Tựu
BAN BIÊN TẬP