Mùa xuân dâng tặng cho con người những kì thú hiếm hoi. Đất trời phát tiết những gì tinh túy để tô điểm cuộc đời. “Đọc lại những vần thơ của Bác mỗi dịp tết đến xuân về, ta như được sống lại những năm tháng trong tình thân ái bao la của Bác”. Mùa xuân là mùa của yêu thương, dâng hiến. Mùa xuân, chúng ta nhớ đến “Bông huệ trắng”, về mối tình của anh Nguyễn Tất Thành và cô Lê Thị Huệ.
Trái tim đầy nhiệt huyết của người thanh niên ấy có một tình yêu lớn hơn, đó là tình yêu Tổ quốc. Anh đã bôn ba khắp năm châu tìm lẽ sống cho dân tộc, và hình bóng người phụ nữ trong trắng vẫn trinh nguyên. Cô gái cũng quyết lòng chờ đợi rồi trở thành một ni sư giữ vẹn lời thề. Tình yêu ấy, đẹp, thơm như Bông huệ trắng trong những ngày xuân tinh khôi.
Cảm thức xuân tràn về khiến lòng người chộn rộn, và có lẽ đây là thời điểm con người và thiên nhiên cảm ứng sâu sắc nhất với nhau. Những dòng thơ văn về ngày giáp tết mưa phùn rồi nắng nhẹ hồng trên muôn sắc hoa, về khói nhang trầm lặng lẽ nhớ người xưa cũ… khiến miền ẩn khuất cũng ngời ánh nhìn thánh thiện. Truyện ngắn “Bếp lửa”, câu chuyện tình cảm man mác trong mối quan hệ giữa người giàu và người nghèo, dẫu rằng ở một phía khác, tình cảm đã san bằng mọi quan niệm. Cuộc đời vốn hằn sâu nhiều mặc cảm, khiến ai cũng đáng thương. Tuồng như là câu chuyện kể bên bếp lửa, uẩn khúc mà vẫn mời gọi. Có lẽ từ trong sâu thẳm, không gian quê mùa đã tạo nên phẩm giá, như vẻ dịu dàng vốn có luôn mê hoặc lòng người trong nỗi nhớ cội nguồn đầy bao dung.
Từ những trang báo tết xưa đến nay đã có những gam màu khác lạ, mở thêm không gian trí tưởng, khiến con người muốn vượt thoát để hòa nhịp cùng thiên nhiên. Rồi những kỷ niệm tết ở Trường Sơn Tây giữa thời chiến gian khổ mà ấm áp nghĩa tình. Ngày xuân rộn ràng với nhiều cuộc chơi sang trọng như Đổ xăm hường trong một bài viết khá chi tiết ở số báo này. Và nữa, Chơi Chữ là một thú tao nhã đầy trí tuệ của người xưa, điều này được thể hiện trong những bài thơ trên kiến trúc cung đình Huế. Một bài viết về đề tài này cũng là dịp chúng ta lắng nghe thâm ý của tiền nhân, trong mối giao hòa giữa con người với đất trời; đồng thời minh chứng cho một loại hình nghệ thuật thi ca đặc sắc của bậc hoàng đế thi sĩ mà trước hết là thể hiện tấm lòng trước vạn vật cộng sinh.
Sông Hương số Tết, ngoài những bài viết về con giáp Canh Tý nối ở mục văn, rải trong số báo đều có hình ảnh con chuột, như một vườn xuân nhỏ tươi vui cùng những bí ẩn được gợi mở. Mục Thiếu nhi còn có truyện ngắn “Chuột ly hương” với góc nhìn thú vị, vừa nhiều suy niệm phản biện, vừa ấm tình: “Lấy gen chuột, trời nghiên cứu cấu tạo gen người. Để chi? Để một khi người mắc bịnh, thì chuột phải hy sinh làm con vật thí nghiệm tìm ra thuốc trị bịnh cho người”. Con chuột đã được soi chiếu ở nhiều góc độ, từ tâm linh cho đến văn chương, từ hình tượng tranh đấu đến hòa bình, từ đời sống thực cho đến nghệ thuật ảo hóa. Và qua đó nhắc con người cũng nhìn lại mình trong cách ứng xử với loài vật và môi trường, như chúng ta đang ứng xử đầy tế nhị trước mùa xuân trăm hoa đua nở.
Năm mới, Ban Biên tập Tạp chí Sông Hương kính chúc quý bạn đọc an lành, cùng mang hạnh phúc đến cho nhau.
MỤC LỤC:
BAN BIÊN TẬP