Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Hội thảo khoa học "Huế – Kinh đô Áo dài Việt Nam'"
07:53 | 09/07/2020

Chiều ngày 8/7, Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức Hội thảo khoa học “Huế-Kinh đô Áo dài Việt Nam”. Tham dự hội thảo có Đại diện Bộ VH,TT&DL, Hội LHPN Việt Nam; có đồng chí Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Thái Sơn, UVTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Thị Ái Vân - TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; cùng dự có lãnh đạo các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh; các nhân sĩ, trí thức, các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân, nhà thiết kế - may mặc trong và ngoài tỉnh.

Hội thảo khoa học "Huế – Kinh đô Áo dài Việt Nam'"
Hội thảo nhằm tạo tiền đề để xây dựng hồ sơ công nhận Áo dài truyền thống Huế là di sản văn hóa phi vật quốc gia; đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Hội thảo là một trong chuỗi sự kiện kỷ niệm tri ân các vị tiền nhân, tôn vinh nét đẹp truyền thống của Áo dài Huế và chào mừng Festival Huế lần thứ XI năm 2020 với chủ đề: “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - Huế luôn luôn mới”.

Huế từng là Thủ phủ của xứ Đàng Trong vào thời các Chúa Nguyễn, là Kinh đô triều đại Tây Sơn và Nhà Nguyễn, là nơi hội tụ các giá trị văn hóa tinh túy, đặc sắc nhất của cả nước từ mỹ thuật, âm nhạc, kiến trúc, ẩm thực đến trang phục, trong đó có Áo dài truyền thống, lưu lại những giá trị văn hóa di sản tiêu biểu, đặc sắc của vùng đất Kinh kỳ và của dân tộc Việt Nam.

Năm 1744, sau khi lên ngôi xưng vương ở phủ chính Phú Xuân, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban hành nhiều chính sách, tổ chức lại bộ máy và đề cập đến việc cải cách triều phục. Chiếc Áo dài trên đất Huế được chú trọng, trân quý và trở trở thành trang phục chính của người dân ở vùng đất Đàng Trong, khẳng định tính tự chủ trong văn hóa. Năm 1802 vua Gia Long đã có ý định phải thay đổi phục trang trên toàn đất nước nhưng không thực hiện được. Từ năm 1826 đến năm 1837, chính vua Minh Mạng đã quyết liệt thay đổi trang phục trong cả nước; từ đó, chiếc Áo dài được áp dụng rộng rãi và thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Trải qua quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Thuận Hóa – Phú Xuân – Thừa Thiên Huế, chiếc áo dài xứ Huế đã đi qua một chặng đường dài phát triển với nhiều thăng trầm lịch sử. Hình ảnh Áo dài đã được tôn vinh trong các kỳ lễ hội lớn nhỏ và đã trở thành nét văn hóa đặc sắc, riêng có của miền núi Ngự, sông Hương.

Trình diễn áo dài tại Hội thảo


Tại Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh: Việc tổ chức Hội thảo lần này, trước tiên là một hoạt động nhằm tri ân công lao khai sáng Áo dài Việt Nam của chúa Nguyễn Phúc Khoát; đồng thời, tri ân vua Minh Mạng người có công lớn trong việc phổ biến Áo dài trở thành Quốc phục của Đại Nam. Từ đó, khẳng định Huế là “Chiếc nôi” của Áo dài Việt Nam. Mặt khác, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và giao thoa văn hóa ngày càng mạnh mẽ, bên cạnh việc giữ gìn các nét văn hóa truyền thống, Áo dài vẫn có những tiếp biến cách tân để phù hợp với thời đại nhưng Áo dài truyền thống là một phần không thể thiếu trong di sản văn hóa Việt Nam; tuy nhiên, đến nay chưa được chính thức công nhận là di sản văn hóa, vì vậy, hội thảo lần này nhằm tạo tiền đề để xây dựng hồ sơ công nhận Áo dài truyền thống Huế là di sản văn hóa phi vật quốc gia; đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.

Đồng thời chủ tịch UBND tỉnh mong muốn Hội thảo nhân diên được những thuận lợiv à thách thức của thương hiệu Áo dài Huế, áo dài Việt Nam, đưa ra những đề xuất, giải pháp tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc góp phần thúc đẩy các hoạt động du lịch, dịch vụ phát triển, khích lệ người dân mặc áo dài truyền thống trong dịp lễ và mở rộng ra các dịp sinh hoạt cộng đồng, làm cho Huế đẹp hơn, khẳng định áo dài là quốc phục Việt Nam.

Trưng bày áo dài xưa trong khuôn khổ Hội thảo


Tại Hội thảo, Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa nhấn mạnh: "Trang phục áo dài Việt Nam sản sinh từ kinh thành Phú Xuân - Huế đã dần dần thay thế các trang phục cổ truyền của xứ Đàng Ngoài, từng bước được điều chỉnh để trở thành trang phục chung cho đàn ông và đàn bà Việt Nam. Trải qua nhiều năm thăng trầm cùng thế cuộc, từ chiếc nôi ở xứ Huế, Áo dài Việt Nam trở thành một biểu tượng về bản sắc văn hóa của trang phục Việt, vừa trang trọng, vừa mang tính độc sáng, không lẫn vào đâu khi sánh vai cùng các biểu tượng văn hóa trang phục đa dạng của toàn cầu. Với xứ Huế, Áo dài còn mang một quá khứ vàng son, một kiểu cách rất riêng của vùng đất kinh kỳ".

Theo Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, vấn đề cải cách trang phục dưới thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát và vua Minh Mạng không chỉ dừng lại ở hình thức, mà còn phản ánh tư tưởng thống nhất, tự chủ về văn hóa của triều đại đang hưng thịnh. Hai sự kiện lịch sử này cũng là tiền đề rất quan trọng để chiếc áo dài ra đời và được phổ biến rộng rãi từ Bắc đến Nam. Áo dài trở thành trang phục của mọi tầng lớp trong xã hội, từ vua chúa, quý tộc, quan lại cho đến thường dân nam nữ và chính thức trở thành quốc phục của dân tộc”.

Họa sĩ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đình làng Việt cũng đã khái quát về lịch sử, nhận diện bản sắc Áo dài của đàn ông Việt. Nhấn mạnh đến những nguyên nhân khiến Áo dài của đàn ông (áo ngũ thân) bị lãng quên từ giai đoạn sau 1954 đến nay.

Hội thảo cũng đã đề cập đến bản sắc áo dài của đàn ông Vệt


Để hướng đến xây dựng thương hiệu “Huế-Kinh đô Áo dài Việt Nam”, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng cần khẳng định Áo dài Huế là một giá trị văn hóa độc đáo trong di sản văn hóa Huế, nổ lực mở rộng các phương thức hướng dẫn nữ sinh, vận động phụ nữ thường xuyên mang áo dài trong các sinh hoạt xã hội, cần tổ chức thêm các hoạt động quảng bá, tôn vinh vẻ đẹp của Áo dài Huế, đi tiên phong trong việc vận động khôi phục lại Áo dài Việt Nam cho cả nam và nữ, tập trung khôi phcuj áo dài Nhật Bình, xúc tiến thành lập hiệp hội nghề may Áo dài và kinh doanh Áo dài Huế, hình thành phố kinh doanh Áo dài Huế, hình thành các tiệm may Áo dài phục vụ du khách có đẳng cấp cao; tạo mội liên kết giữa các cơ sở du lịch và người làm dịch vụ may và kinh doanh Áo dài…

Họa sĩ Nguyễn Đức Bình cũng cho rằng: “Cần xác định các vấn đề liên quan tới kết cấu, hình dáng, chất liệu, ký thuật, cách mặc áo dài cách tân thời Nguyễn. Cần sớm thành lập Bảo tàng Áo dài Huế và Việt Nam nhằm sưu tầm, nghiên cứu và quảng bá Áo dài tới khách du lịch trong và ngoài nước. Cần phục hồi và phát triển nghề may Áo dài ngũ thân để lưu giữ những nét truyền thống của Áo dài Việt Nam. Hình thành đội ngũ nghệ nhân lành nghề, tên tuổi, thương hiệu gắn chặt với Huế – Kinh đô Áo dài Việt Nam…

 

Phương Anh

 

 

 


 

Các bài mới
Các bài đã đăng