Chiều 20/9, tại Hội trường Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế (26 – Lê Lợi), Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế và Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế phối hợp tổ chức chương trình tưởng nhớ 200 năm (1820-2020) ngày mất của đại thi hào, danh nhân văn hóa Nguyễn Du với chủ đề “Nguyễn Du – Tiếng thơ ai động đất trời”.
Chương trình là dịp để các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu đã ôn lại cuộc đời, sự nghiệp, đặc biệt là bày tỏ sự ngưỡng vọng đối với những đóng góp to lớn của đại thi hào Nguyễn Du đối với nền thi ca của dân tộc. Đồng thời, bày tỏ mong muốn có một không gian Nguyễn Du tại Huế, vì Huế là một trong những nơi ghi dấu ấn sâu sắc đối với cuộc đời và sự nghiệp của ông. Không gian ấy có thể được tạo dựng dựa trên việc lần theo những bài thơ Nguyễn Du viết về Huế và nơi nguyên táng ông trước đây.
Nhà thơ Nguyễn Phước Hải Trung giới thiệu bản chép tay Truyện Kiều của Hoàng gia triều Nguyễn |
Tại đây, nhà thơ Nguyễn Phước Hải Trung đã giới thiệu văn bản đặc sắc trong di sản “Truyện Kiều” đó là đó là bản chép tay Truyện Kiều của hoàng gia triều Nguyễn. Về hình thức, bản Kiều chép tay này có tên gọi là Kim Vân Kiều tân truyện gồm 150 mặt giấy gió, ngoài có 4 mặt giấy phụ bìa vẽ nhũ hình long vân màu vàng trên nền đỏ. Sách có 146 mặt giấy gió tương ứng với 146 trang nội dung. Nội dung từng trang được trình bày thống nhất từ phần trích yếu nội dung, chữ châu phê, số trang, phần chữ Nôm, phần phụ bằng chứ Hán và có 146 bức tranh vẽ minh học cho nội dung bằng mực nho cực kỳ chi tiết. Về nội dung, theo nhận định, bản Kiều này tương đối thống nhất với các bản khắc in dưới thời Tự Đức, nhưng điều thú vị là có nhiều chữ trong bản chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn được sử dụng dưới dạng phương ngữ, dùng lối phát âm theo giọng Huế. Bản Truyện Kiều chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn trước đây chưa từng xuất hiện ở Việt Nam, do vậy đây là một bản Kiều cực kỳ quý hiếm.
Phương Anh