Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Hội thảo khoa học “Hà Nội- Huế- Sài Gòn: Dòng sinh mệnh dân tộc- nhìn từ các đô thị văn hiến”
15:03 | 08/10/2020

Sáng ngày 08/10, tại UBND tỉnh, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức hội thảo khoa học “Hà Nội- Huế- Sài Gòn: Dòng sinh mệnh dân tộc- nhìn từ các đô thị văn hiến”. Hội thảo diễn ra nhân kỷ niệm 60 năm kết nghĩa của ba thành phố Hà Nội - Huế - Sài Gòn.

Hội thảo  khoa học “Hà Nội- Huế- Sài Gòn: Dòng sinh mệnh dân tộc- nhìn từ các đô thị văn hiến”
Tại Hội thảo

Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Khoa Điềm, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Ngọc Thọ; GS.TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam; PGS.TS Đỗ Bang, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử tỉnh; GS.TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh. Cùng hơn 150 đại biểu đến từ ba thành phố kết nghĩa (Hà Nội - Huế- TP. Hồ Chí Minh) và các nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử trong nước và đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.

Vào tối ngày 8/10/1960, lễ kết nghĩa giữa ba thành phố lớn Hà Nội - Huế - Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh) được tổ chức trọng thể đúng vào dịp Thủ đô Hà Nội kỷ niệm 950 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Việc kết nghĩa này có ý nghĩa chính trị sâu sắc, mở ra phong trào kết nghĩa giữa các địa phương hai miền Nam - Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cũng chính vì vậy, Huế và cá miền Nam luôn gắn liền với sự chi viện của Hà Nội và miền Bắc ruột thịt. Kết tinh cao đẹp của sự đoàn kết Hà Nội - Huế - Sài Gòn là thắng lợi vẻ vang của dân tộc ta với chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Trong suốt 60 năm qua, Hà Nội - Huế - Sài Gòn càng gắn bó keo sơn, tình nghĩa. Mối quan hệ giữa Thăng Long với Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế đã hơn 700 năm và giữa Phú Xuân - Huế với Sài Gòn - Gia Định cũng hơn 320 năm. Với bề dày lịch sử của 3 trung tâm chính trị, văn hóa từng giữ vị trí hàng đầu của đất nước gắn bó trong một chính thể thống nhất là “cây một cội là con một nhà” có ý nghĩa to lớn về mặt lý luận và thực thực tiễn, không những là xu thế khách quan của lịch sử mà còn là tình cảm chính đáng của Nhân dân 3 miền, là sức sống mãnh liệt của dân tộc, trở thành động lực phát triển đất nước. Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội, Thừa Thiên Huế và Thành phố Hồ Chí Minh đã đoàn kết gắn bó, son sắt một lòng, cùng cả nước vượt qua bao khó khăn thử thách, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cùng với cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta lãnh đạo, giữa Đảng bộ, nhân dân ba thành phố kết nghĩa đã không ngừng nảy nở những tình cảm tốt đẹp, quan hệ gắn bó keo sơn và luôn được các thế hệ trân trọng gìn giữ và phát huy.

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, trong dòng chảy lịch sử của 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, hơn 710 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế và hơn 320 năm Sài Gòn - Gia Định, các yếu tố chính trị, kinh tế, văn hóa, phát triển đô thị của 3 địa phương mang tính tính quốc gia và quốc tế; mỗi một di sản, một sự kiện lịch sử của mỗi địa phương đều mang ý nghĩa đặc biệt trong sự giao thoa, tương hỗ, kế thừa của hành trình mở cõi và giữ nước của dân tộc ta. Hôm nay (8/10), đúng vào ngày kết nghĩa ba thành phố Hà Nội - Huế - Sài Gòn 60 năm về trước, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh và Hội khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học "Hà Nội - Huế - Sài Gòn dòng sinh mệnh dân tộc - nhìn từ các Đô thị Văn hiến" với sự có mặt của các đồng chí nguyên Lãnh đạo Đảng, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử lớn có tên tuổi đến từ Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Thừa Thiên Huế đã mang tầm quốc gia và có ý nghĩa chính trị sâu sắc.

PGS TS Đỗ Bang cũng đã nhấn mạnh: “Không có Phú Xuân- Huế sẽ không có Đồng Nai- Gia Định-Sài Gòn thế kỷ XVII-XVIII, nhưng nếu không có trục kết nối và ly tâm của Thăng Long từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVII sẽ không có Phú Xuân- Huế thế kỷ XVII- XVIII. Như vậy, mối quan hệ giữa ba trung tâm Hà Nội- Huế- Sài Gòn hình thành từ thời Trần đầu thế kỷ XIV, xác lập vào thời chúa Nguyễnthế kỷ XVII - XVIII, phát triển từ thế kỷ XIX, khi Huế là Kinh đô của cả nước và trong quá trình đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng quê hương, đất nước trong hơn thế kỷ qua. Đó là dòng chảy xuyên suốt của lịch sử Hà Nội- Huế- Sài Gòn liên quan đến sinh mệnh dân tộc”.

Hội thảo đã nhận được 29 tham luận chủ yếu làm rõ ba nội dung: Hà Nội - Huế - Sài Gòn với sứ mệnh dân tộc trong quá trình lịch sử, Mối quan hệ Hà Nội - Huế - Sài Gòn trong quá trình lịch sử, Những giá trị đặc trưng của ba Đô thị Văn hiến Hà Nội - Huế - Sài Gòn.

Hội thảo đã nhận định, mối quan hệ Hà Nội- Huế-Sài Gòn trong lịch sử vừa là mối quan hệsinh thành, hỗ trợ, tương tác mang tính đạo lý và lợi ích sống còn; vừa làquan hệ đẳng cấp quyền lực. Mối quan hệ đẳng cấp quyền lực tuy có xung đột, mâu thuẫn trong cấp lãnh đạo, chỉ huy, nhưng chỉ nhất thời khi đất nước chia cắt thế kỷ XVII-XVIII giữa Thăng Long- Phú Xuân và 1954-1975 giữa Sài Gòn- Hà Nội.

Bản chất vấn đề là Nước Việt Nam là một, Dân tộc Việt Nam là một,vì do cùng một cội nguồn lịch sử và cùng một sứ mệnh lịch sử trong đó có sứ mệnh đấu tranh thống nhất đất nước.

Một trong những giá trị đặc trưng của ba đô thị Hà Nội, Huế, Sài Gòn đó là giá trị văn hiến. Chính giá trị văn hiến đã kết nối bền chặt tình cảm và sứ mệnh của nhân dân của ba địa phương, đại diện cho ba miền đất nước đã đi đến việc Kết nghĩa của ba thành phố 60 năm trước.

 

 

 

Nguyên Phương

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng