Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Gặp mặt cộng tác viên và trao tặng thưởng tác phẩm hay năm 2020
16:00 | 30/01/2021

Chiều ngày 29/01/2021, Tạp chí Sông Hương đã tổ chức buổi gặp mặt Cộng tác viên và trao tặng thưởng tác phẩm hay năm 2020.

Gặp mặt cộng tác viên và trao tặng thưởng tác phẩm hay năm 2020
Nhà thơ Lê Vĩnh Thái - Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương phát biểu tại buổi gặp mặt

Năm 2020, Tạp chí Sông Hương tiếp tục nâng cao chất lượng, tôn vinh những giá trị truyền thống văn hóa Huế, bên cạnh đó, Tạp chí đã giới thiệu nhiều tác phẩm của tác giả nổi tiếng của nước ngoài trên tạp chí. Tạp chí đã xuất bản được 12 số báo thường kỳ và 4 số Đặc biệt Sông Hương với nhiều bài vở phong phú, chất lượng được bạn đọc đón nhận và đánh giá cao. Tạp chí đã đăng tải gần 2.000 tin, bài trên trang thông tin điện tử Sông Hương Online.

Tạp chí Sông Hương cũng đã thực hiện tuyên truyền quảng bá về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và nhiều bài viết về chủ để, chủ điểm nhân các sự kiện trọng đại của Đất nước, về việc thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị đã hướng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với tính chất bảo tồn và phát huy di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

Đông đảo văn nghệ sĩ tham gia buổi gặp mặt


Tạp chí tập trung tuyên truyền về các lĩnh vực Văn hóa văn nghệ; Tuyên truyền về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh. Tạp chí số Đặc biệt tháng 3 đã mở một Chuyên trang về Huế xanh qua những bài viết gắn với việc làm thực tế; là góc nhìn qua nghệ thuật nhiếp ảnh, qua văn chương.

Bên cạnh đó, Tạp chí còn có các chuyên trang tuyên truyền về Kỷ niệm 45 năm ngày thống nhất Đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020), kỷ niệm Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2020), Chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Chào mừng Đại hội đại biểu Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Kỷ niệm 255 ngày sinh (1765 - 2020), 200 năm (1820 - 2020) ngày mất Danh nhân văn hóa thế giới - Đại thi hào Nguyễn Du, Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Tố Hữu (4/10/1920 - 4/10/2020). Tạp chí cũng đã dành Chuyên trang để nói về tình hình dịch bệnh Covid – 19, đợt lũ lụt vừa qua ở Huế và miền Trung.

Nhà văn Lê Minh Phong - Thư ký Tòa soạn Tạp chí Sông Hương - đánh giá tác phẩm hay trên Sông Hương trong năm 2020


Với sự tham gia cộng tác của các văn nghệ sỹ, cộng tác viên, và với sự cố gắng của đội ngũ cán bộ, biên tập viên, viên chức cơ quan Tạp chí Sông Hương, trong năm Tạp chí Sông Hương đã được Bộ Thông tin và Truyền thông tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lĩnh vực Báo chí.

Cũng tại buổi gặp mặt, Tạp chí Sông Hương đã trao tặng thưởng cho các tác giả có tác phẩm hay năm 2020. Tác phẩm thuộc 4 Chuyên mục thơ, Văn xuôi, Thơ, Nghiên cứu - bình luận, và Huế dòng chảy văn hóa. Truyện ngắn Giấc mơ lơ lửng, tác giả Lê Thị Kim Sơn, Hai bài viết: Truyện Kiều, bản chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn và bài Mấy suy ngẫm từ câu Kiều “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai” ở bản Nôm chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn của Tác giả Nguyễn Phước Hải Trung, Bài viết Quy hoạch vườn tượng để Huế luôn luôn mới hướng tới Festival lần thứ XI, tác giả Phạm Đăng Nhật Thái và Chùm thơ ba bài: Đêm Bảo Yến, Phố Ta, Chuyển mùa tác giả Lữ Mai.

Trao tặng thưởng cho các tác giả đạt giải


Theo nhận định, truyện ngắn " Giấc mơ lơ lửng" của tác giả Lê Thị Kim Sơn, là một truyện ngắn có giá trị nghệ thuật cao xét về cả hai phương diện nội dung và hình thức. Truyện ngắn là sự dung hợp của nhiều kiểu dạng ngôn ngữ nghệ thuật như phi lý, siêu thực, thoát khỏi văn chương nệ thực hướng tới văn chương ý niệm. Tác giả khéo léo kết nối giữa mơ và thực, truyện ngắn trôi đi một cách tự nhiên trong một mớ chi tiết phi lý. Ngôn ngữ truyện đầy chất thơ, cách triển khai chi tiết truyện để làm rõ ý tưởng rất tài tình và linh hoạt.

Hai bài viết "Truyện Kiều, bản chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn" và bài "Mấy suy ngẫm từ câu Kiều “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai” ở bản Nôm chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn" của Tác giả Nguyễn Phước Hải Trung, SH số 379 và số 380, tháng 9 và tháng 10 năm 2020.

Trong bài viết "Truyện Kiều, bản chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn", tác giả đưa một dạng thức tồn tại mới của văn bản Kiểu mà trước đây chúng ta chưa từng biết tới, văn bản được lưu truyền trong bản chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn. Chính điều này tạo nên giá trị của bài viết. Nội dung Truyện Kiều trong bản chép tay này về cơ bản là thống nhất với các bản khắc in thời Tự Đức. Nhưng cái mới trong bản chép tay này là có nhiều chữ được sử dụng dưới dạng phương ngữ, dùng lối nói phát âm theo giọng âm Huế.

Nhà thơ Nguyễn Phước Hải Trung phát biểu tạ buổi gặp mặt


Bài “Mấy suy ngẫm từ câu Kiều “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai” ở bản Nôm chép tay của hoàng gia triều Nguyễn” tác giả đi sâu vào bàn luận về câu thơ cụ thể: “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai” từ đó đem ra những minh chứng để khẳng định cho lập luận: Bản chép tay này là do Vua Tự Đức đích thân chép. Qua đó đi tới phản bác lại các ý kiến về giai thoại vua tức giận khi đọc đến câu thơ “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai” trong Truyện Kiều.

Bài viết "Quy hoạch vườn tượng để Huế luôn luôn mới hướng tới Festival lần thứ XI", tác giả Phạm Đăng Nhật Thái, SHSĐB 37, tháng 6 năm 2020. Bài viết đưa ra một cái nhìn tổng quan về vườn tượng Huế. Từ đó người đọc nhận thấy sự giàu có tính biểu hình, các giá trị nghệ thuật cao ở các tác phẩm. Đây chủ yếu là các tác phẩm xuất phát từ các trại sáng tác điêu khắc của các kỳ Festival trước. Bằng việc đi sâu vào phân tích một số tác phẩm, chúng ta nhận thấy các tác phẩm đa dạng về hình khối, chất liệu, sự phong phú về ý tưởng, nhiều đột phá về ngôn ngữ nghệ thuật.

Chùm thơ ba bài " Đêm Bảo Yến"," Phố Ta", "Chuyển mùa" tác giả Lữ Mai, SH số 379, tháng 9 năm 2020. Lữ Mai là một nhà thơ trẻ tiêu biểu trong nền thơ ca Việt Nam đương đại. Thơ Lữ Mai có một thi giới riêng. “Đêm Bảo Yến, Phố Ta, Chuyển mùa” là những thi phẩm tiêu biểu cho phong cách của tác giả, một phong cách không lẫn lộn. Về thi pháp, Lữ Mai không đứng về phía cách tân ồn ào về hình thức mà tác giả quan tâm nhiều đến tứ thơ. Những tứ thơ mới lạ, gây ra sự ngạc nhiên bởi những hình ảnh thơ được lựa chọn một cách tự nhiên, từ đó cái dư âm của một bài thơ hay trở nên ám ảnh người đọc. Lữ Mai thường có những cách kết hợp từ ngữ tạo ra những ngữ nghĩa biểu đạt khác lạ, tất cả làm nên một cá tính thơ khó lẫn lộn của một thi sỹ sẽ đi đường xa.

 

 

Phương Anh

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng