Sông Hương xin đăng toàn văn Hướng dẫn số 01/BTCGBCHT về việc Tuyển chọn tác phẩm báo chí xuất sắc Dự Giải Báo chí Hải Triều lần thứ II – Năm 2021 ngày 20 tháng 02 năm 2021 của Ban Tổ chức Giải Báo chí Hải Triều.
Thực hiện Quyết định số 1129/QĐ-UBND ngày 08/5/2020 của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc ban hành Điều lệ Giải Báo chí Hải Triều, Hội Nhà báo tỉnh – cơ quan thường trực Giải Báo chí Hải Triểu ban hành Hướng dẫn tuyển chọn tác phẩm báo chí xuất sắc dự Giải Báo chí Hải Triều lần thứ II – Năm 2021 gửi các Chi hội Nhà báo trực thuộc, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương khác, các Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú trên địa bàn để phối hợp thực hiện.
Theo Điều lệ Giải Báo chí Hải Triều, cơ cấu Giải Báo chí Hải Triều lần thứ II – Năm 2021 gồm 03 nhóm thể loại và Giải đặc biệt do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định, như sau:
1. Nhóm A (truyền hình): Phóng sự, phóng sự điều tra, Phim tài liệu.
2. Nhóm B (báo in, điện tử, phát thanh): Xã luận, bình luận, bút ký chính luận, phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký báo chí, phản ánh.
3. Nhóm C: Ảnh và phóng sự ảnh.
Mỗi nhóm (A, B, C) có 01 (một) giải nhất, 02 (hai) giải nhì, 03 (ba) giải ba và các giải khuyến khích (nếu có). Tổng cộng tối đa 18 tác phẩm đoạt giải chính thức.
Cơ cấu giải thưởng được qui định:
a) Giải nhất của nhóm A, B, C mỗi giải là 15.000.000đ.
b) Giải nhì của nhóm A, B, C mỗi giải là 10.000.000đ.
c) Giải ba của nhóm A, B, C mỗi giải là 5.000.000đ.
g) Giải Khuyến khích: Mỗi giải là 3.000.000đ.
+ Giải đặc biệt do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định là 20.000.000đ.
- Các tác giả có tác phẩm đoạt giải chính thức, ngoài tiền thưởng theo qui định, sẽ được tặng Giấy Chứng nhận kèm theo Biểu tượng Giải.
I - Điều kiện dự Giải
1. Về tác giả: Là công dân Việt Nam, bao gồm các nhà báo chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh và cả nước có tác phẩm xuất sắc phản ánh về tỉnh Thừa Thiên Huế được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo in, đài phát thanh, đài truyền hình, báo điện tử…) do Bộ thông tin và Truyền thông cấp phép.
- Tác giả dự Giải không vi phạm các Qui định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, không vi phạm Luật Báo chí, và luật pháp khác.
- Trường hợp nhiều người cùng thực hiện một tác phẩm thì giải sẽ trao cho nhóm tác giả (Lưu ý: Số tác giả một nhóm tối đa là 05 người).
2. Về tác phẩm: Là tác phẩm đã được sử dụng từ ngày 30/03/2020 đến 31/03/2021 trên các phương tiện thông tin đại chúng đã được nêu ở trên.
Những tác phẩm được sử dụng trong thời gian này đã được trao giải thưởng ở các cuộc thi của địa phương, ngành hoặc liên ngành địa phương vẫn được quyền dự Giải Báo chí Hải Triều, nhưng cần ghi rõ thông tin về cuộc thi, đơn vị tổ chức và mức giải.
Những tác phẩm đăng hoặc phát sóng nhiều kỳ, nếu những kỳ đầu được sử dụng trước ngày 30/03/2020 mà chưa tham dự Giải Báo chí Hải Triều lần thứ I – năm 2020 thì được gộp vào các kỳ sau (đăng từ 31/03/2020) để thành tác phẩm hoàn chỉnh tham dự Giải Báo chí Hải Triều lần thứ II – Năm 2021.
II – Tiêu chuẩn xét chọn
1. Về nội dung
Bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, phản ánh các hoạt động của tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng thời cần tập trung đẩy mạnh quy hoạch, định hướng phát triển đô thị Thừa Thiên Huế theo hướng “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh” gắn với khát vọng về một xứ sở hạnh phúc, ngang tầm với các thành phố hàng đầu trong khu vực và trên thế giới. Phản ánh về đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh nhà, việc triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI của Đảng bộ tỉnh, Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết, Chỉ thị của Tỉnh ủy và UBND tỉnh trong năm 2020 và đầu năm 2021 – với nhiều sự kiện chính trị của đất nước; khuyến khích các tác phẩm báo chí về các điển hình tiến tiến, nhân tố mới, nhất là những nỗ lực trong phòng, chống thiên tai, lũ lụt, đại dịch Covid-19; phê phán, chống các hành vi tiêu cực, tham nhũng, những quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch…
Không xét tác phẩm có tính chất hư cấu (thơ, tranh vẽ, tiểu phẩm, ký văn học, câu chuyện văn nghệ, truyện ngắn, tạp văn…).
2. Yêu cầu chất lượng và hiệu quả xã hội của tác phẩm
+ Thông tin chính xác, trung thực, khách quan.
+ Nêu được những vấn đề mới, có phát hiện, tính thuyết phục cao,
+ Đề cập những vấn đề Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Nhân dân Thừa Thiên Huế quan tâm, có tính định hướng dư luận cao, thuyết phục, có tác động tích cực đến đời sống xã hội.
+ Biểu dương điển hình tiên tiến, nhân tố mới, có phát huy hiệu quả trong thực tế.
+ TP đề cập những vụ việc tiêu cực phải được các cơ quan có thẩm quyền kết luận là đúng sự thật hoặc đã được các tổ chức, cá nhân sai phạm thừa nhận và khắc phục.
+ TP đề cập đến lĩnh vực chuyên ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, lịch sử, còn có những ý kiến khác nhau thì phải được cơ quan có thẩm quyền chuyên ngành thẩm định.
3. Hình thức thể hiện
- Mỗi tác giả, nhóm tác giả được tham dự 01 (một) tác phẩm xuất sắc có văn bản xác nhận đã đăng, phát trên báo, tạp chí, chương trình phát thanh, truyền hình ngày, tháng, năm cụ thể.
a. Đối với báo in:
+ Mỗi tác phẩm là một bài hoặc một loạt bài (không quán 03 kỳ) của cùng một tác giả (hoặc nhóm tác giả cùng đứng tên), về cùng một đề tài. Không xét loạt bài ghép từ những bài độc lập của tác giả đứng tên riêng lẻ ở các thời điểm đăng báo khác nhau.
b. Đối với tác phẩm phát thanh:
+ Mỗi tác phẩm là một bài hoặc một loạt bài (không quán 03 kỳ) của cùng một tác giả (hoặc nhóm tác giả cùng đứng tên), về cùng một chủ đề, một sự kiện hoặc một đối tượng.
+ Thể hiện được đặc trưng của báo phát thanh là âm thanh rõ ràng, tiếng nói nhân vật, tiếng động, âm nhạc bảo đảm chất lượng, hấp dẫn.
+ Thời lượng dài nhất không quá 40 phút.
c. Đối với tác phẩm truyền hình:
+ Mỗi tác phẩm là một bài hoặc một loạt bài (không quán 03 kỳ) về cùng một chủ đề, một sự kiện hoặc một đối tượng.
+ Thể hiện được đặc trưng của báo hình là hình ảnh động; hình ảnh phải đạt yêu cầu chất lượng, hấp dẫn.
+ Thời lượng dài nhất không quá 40 phút.
d. Đối với tác phẩm báo điện tử:
+ Phải là tác phẩm sáng tạo lần đầu, viết riêng cho báo điện tử; không xét những tác phẩm lấy từ báo in.
+ Thể hiện đặc trưng của báo điện tử là ngắn, gọn, có tính liên kết, tính đa phương tiện.
+ Mỗi tác phẩm là một bài hoặc một loạt bài (không quá 03 kỳ) của cùng tác giả (hoặc nhóm tác giả cùng đứng tên), về cùng một đề tài. Không xét loạt bài ghép từ những bài độc lập của tác giả đứng tên riêng lẻ ở các thời điểm đăng báo khác nhau.
e. Đối với tác phẩm ảnh báo chí:
+ Tác phẩm ảnh báo chí được thể hiện bằng ảnh màu hoặc đen trắng.
+ Đối với nhóm ảnh hoặc PS ảnh, chỉ tuyển chọn mỗi nhóm ảnh hoặc PS ảnh không quá 10 ảnh, đăng trên cùng một số báo hoặc cùng thời điểm xuất bản (đối với báo điện tử).
+ Ảnh đơn hoặc nhóm ảnh phải có chú thích rõ ràng.
+ Không xét ảnh ghép, ảnh xử lý bằng vi tính, ảnh phong cảnh, ảnh nghệ thuật.
3
III. Các bước tiến hành tuyển chọn từ cơ sở
1. Lập Ban tuyển chọn và xét Giải
a. Các Chi hội Nhà báo thành lập Ban tuyển chọn từ 5 – 7 người tiếp nhận tác phẩm từ tác giả - hội viên gửi đến. Thành phần Ban tuyển chọn gồm Thư ký, Phó Thư ký Chi hội Nhà báo, lãnh đạo cơ quan báo chí và những nhà báo có chuyên môn cao, có uy tín ở đơn vị.
2. Cách thức tuyển chọn
- Tất cả các tác phẩm dự Giải Báo chí Hải Triều của các tác giả (là hội viên hay không phải là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam) đều phải thông qua các Chi hội cơ sở (nơi không có tổ chức Hội cơ sở thì thông qua cơ quan báo chí ở đó). Ban Tổ chức Giải không nhận tác phẩm dự giải của cá nhân tự gửi đến. Những tác giả không phải là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam thì tác phẩm đăng, phát sóng ở báo, đài nào, tác giả có quyền gửi tác phẩm dự giải thông quan cấp hội hoặc cơ quan báo chí đó.
- Đối với tác giả ngoài các Chi hội Nhà báo trực thuộc Hội Nhà báo tỉnh, các cơ quan báo chí của tỉnh Thừa Thiên Huế (có bài đăng, phát sóng ở Trung ương và địa phương khác) trực tiếp gửi tác phẩm về cơ quan thường trực Giải là Văn phòng Hội Nhà báo tỉnh. Tác phẩm phải có xác nhận của cơ quan báo chí nơi đăng, phát sóng tác phẩm đó.
- Riêng đối với Ảnh báo chí: Ban Tổ chức Giải Báo chí Hải Triều chấp nhận các tác giả có thể tự gửi tác phẩm (đủ điều kiện nêu ở trên) về thường trực Giải là Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế, không qua Ban tuyển chọn ở cơ sở.
3. Tổ chức thực hiện
- Thư ký các Chi Hội Nhà báo cùng lãnh đạo cơ quan báo chí phối hợp phổ biến văn bản Hướng dẫn này tới toàn thể các nhà báo, các cộng tác viên, thông tin viên và công chúng, đăng tải trên các cơ quan báo chí.
- Cơ quan thường trực Giải và Văn phòng Hội Nhà báo tỉnh liên hệ các cổng, trang thông tin điện tử công bố rộng rải Hướng dẫn này.
- Các tác giả tự chọn, gửi tác phẩm đăng ký dự Giải tới Ban tuyển chọn ở cơ sở.
- Để đảm bảo khách quan, công bằng, sau khi xem xét, Ban tuyển chọn tiến hành bỏ phiếu kín. Tác phẩm được chọn phải có ít nhất từ 2/3 số phiếu tán thành trở lên.
IV. Qui định về số lượng tác phẩm, tác giả dự Giải
1. Số lượng tác giả, tác phẩm
- Chi hội cơ sở và cơ quan báo chí: Báo Thừa Thiên Huế, Đài Phát thành và Truyền hình Thừa Thiên Huế chọn gửi 20 tác phẩm của 20 tác giả hoặc nhóm tác giả (kể cả tác giả không phải là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam có bài đăng, phát ở cơ quan báo chí đó).
- Chi hội Nhà báo Thường trú chọn tối đa gửi 10 tác phẩm của 10 tác giả.
- Các Chi hội khác chọn gửi từ 02 đến 05 tác phẩm của 05 tác giả hoặc nhóm tác giả.
- Các tác giả là PV thường trú (chưa sinh hoạt tại Chi hội NB thường trú) mỗi tác giả chọn, gửi 01 tác phẩm xuất sắc có xác nhận của cơ quan báo chí đăng, phát trên sóng tác phẩm đó.
2. Khi tuyển chọn tác phẩm dự Giải, các Ban tuyển chọn cần lưu ý bảo đảm cân đối số lượng của các loại hình báo chí và các loại giải. Không chọn nhiều tác phẩm thuộc một loại hình hoặc thuộc một thể loại.
V – Lập hồ sơ dự Giải gửi về Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên Huế
Theo quy định của Điều lệ Giải Báo chí Hải Triều, đề nghị các Ban tuyển chọn ở cơ sở hết sức lưu ý các điểm sau:
1. Tất cả các tác phẩm dự Giải phải ghi rõ: Họ và tên tác giả (cả tên khai sinh và bút danh nếu có), tên tác phẩm, thể loại báo chí, đơn vị, địa chỉ điện thoại của tác giả; ngày, tháng, năm đăng báo, tạp chí hoặc phát sóng tác phẩm. Nếu là tập thể tác giả, phải ghi tên từng tác giả, nếu sử dụng bút danh phải ghi rõ tên thật (trong hồ sơ). Những hồ sơ không đúng Hướng dân sẽ bị loại. Ban Tổ chức Giải sẽ không giải quyết tất cả các khiếu nại, đề nghị về việc thay đổi hoặc bổ sung tên tác giả đối với tác phẩm đoạt Giải, không chấp nhận đổi tên bút danh sang tên thật.
2. Đối với tác phẩm báo in phải là bản chính hoặc sao chụp từ báo in, nhưng phải sạch, đẹp, rõ ràng. Nếu tác phẩm có sự tiếp nối nhỏ, lẻ, phải cắt dán phần tiếp nối trên giấy trắng khổ A4 hoặc A3 và đánh số trang rõ ràng phần nối tiếp. Tác phẩm viết bằng tiếng nước ngoài, phải có bản dịch ra tiếng Việt. Tác phẩm thể hiện bằng tiếng dân tộc phải có bản dịch/thuyết minh tiếng phổ thông.
Lưu ý: Đối với báo điện tử phải gửi đường link tác phẩm và bản in chụp từ giao diện điện tử (không nhận tác phẩm đánh máy lại). Ban Giám khảo chấm theo đường link tác phẩm.
3. Đối với tác phẩm phát thanh, phải ghi lên đĩa DVD, USB, trên nhãn đĩa hoặc file trong đĩa/USB cung cấp đầy đủ thông tin tên đơn vị, tên tác phẩm, tác giả, thể loại, nơi phát sóng, thời lượng và thời gian phát sóng; kèm theo văn bản phần lời của tác phẩm. Nếu phát thanh bằng tiếng dân tộc phải có bản dịch ra tiếng phổ thông.
Lưu ý: Các tác phẩm phát thanh phải gửi kèm đướng link tác phẩm trên trang điện tử của đài (nếu có).
4. Đối với tác phẩm truyền hình, phải ghi lên đĩa DVD, USB, trên nhãn đĩa hoặc file trong đĩa/USB cung cấp đầy đủ thông tin tên đơn vị, tên tác phẩm, tác giả, thể loại, nơi phát sóng, thời lượng và thời gian phát sóng; kèm theo bản thuyết minh. Nếu là truyền hình bằng tiếng dân tộc phải dịch ra tiếng phổ thông.
Lưu ý: Các tác phẩm truyền hình phải gửi kèm đướng link tác phẩm trên trang điện tử của đài (nếu có).
5. Đối với tác phẩm ảnh báo chí: Cùng với ảnh đã đăng trên báo, tạp chí… phải kèm theo ảnh phóng trên giấy cỡ 18cm x 24cm (ảnh đơn) và 12cm x 18cm (đối với ảnh trong nhóm hoặc phóng sự ảnh). Không chấp nhận ảnh chụp/photo lại từ ảnh gốc. Các tác giả tự gửi tác phẩm ảnh dự giải về Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên Huế cũng thực hiện đầy đủ quy định này và quy định tại điểm 2 điều 7 của Điều lệ Giải.
6. Những tác phẩm bị coi là phạm quy (bị loại) là tác phẩm không đáp ứng các quy định đã nêu trong Hướng dẫn này.
7. Biên bản tuyển chọn tác phẩm dự Giải: Phải ghi rõ danh sách tác giả, tác phẩm, có chữ ký và đóng dấu của cơ sở (Đề nghị ghi rõ cả tên khai sinh từng người và bút danh trong mẫu thống kế danh sách tác giả gửi kèm theo, không ghi chung là nhóm tác giả để tránh một tác giả đứng tên ở nhiều tác phẩm). Bản mềm của danh sách tác giả, tác phẩm dự Giải gửi về Tổ Thư ký tổng hợp Giải Báo chí Hải Triều qua email: duongphuocthu@gmail.com
Lưu ý: Tất cả các TP không đúng tên trong danh sách đăng ký của Chi hội cơ sở sẽ bị loại. Đề nghị các Chi hội Nhà báo và các cơ quan báo chí lập danh sách chính xác, đầy đủ.
8. Thời hạn gửi tác phẩm dự Giải về Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế:
Hạn cuối cùng là ngày 10/4/2021 (theo dấu Bưu điện). Theo địa chỉ:
Tổ Thư ký tổng hợp Giải Báo chí Hải Triều – Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế
Số 22B đường Lê Lợi, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngoài bi ghi rõ: Dự Giải Báo chí Hải Triều lần thứ II – Năm 2021
Ban Tổ chức không hoàn trả các tác phẩm dự Giải.
***
Ban Tổ chức Giải Báo chí Hải Triều đề nghị các Chi hội, các cơ quan báo chí, các cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử trên địa bàn cho đăng, phát trên báo, tạp chí, phát trên đài phát thanh, truyền hình, trên cổng, trang TTĐT và phổ biến sâu rộng văn bản này tới các nhà báo, các hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, các cộng tác viên, thông tin viên của các cơ quan thống tấn, báo chí và công chúng biết và dự Giải.
Đề nghị các Chi hội cơ sở lưu ý những điểm mới trong cơ cấu Giải và những quy định mới trong Hướng dẫn này để tránh sai sót. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề gì cần trao đổi hoặc giải đáp, đề nghị các Chi hội liên hệ với:
Tổ Thư ký Tổng hợp Giải Báo chí Hải Triều
Điện thoại: 0234.3831442 – 0914126537 – Email: duongphuocthu@gmail.com./.
TM. BAN TỔ CHỨC GIẢI BÁO CHÍ HẢI TRIỀU
CHỦ TỊCH HỘI NHÀ BÁO THỪA THIÊN HUẾ
(Đã ký)
Nguyễn Thị Hồng Hạnh