Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Khai trương không gian Tàng Thư Lâu và giới thiệu nguồn thư tịch của triều Nguyễn
07:39 | 16/03/2021

Chiều 15/03, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức Lễ khai trương không gian Tàng Thư Lâu và giới thiệu nguồn thư tịch của triều Nguyễn.

Khai trương không gian Tàng Thư Lâu và giới thiệu nguồn thư tịch của triều Nguyễn
Cắt băng khai trương không gian Tàng Thư Lâu

Tàng Thơ Lâu được xây dựng vào mùa hè năm 1825, dưới thời vua Minh Mạng. Lúc bấy giờ triều đình đã giao cho Thự thống chế Đoàn Đức Luận đứng ra chỉ huy 1.000 binh lính để thi công lầu Tàng Thơ.

Tổng thể kiến trúc lầu Tàng Thơ được thiết kế rất khoa học nhằm đáp ứng chức năng cất giữ và bảo quản các sổ sách văn bản, giấy tờ quan trọng của triều đình, đặc biệt để đối phó với hai thứ họa lớn là nước và lửa. Lầu nằm trên một hòn đảo hình chữ nhật (diện tích khoảng 30m x 50m), ở giữa hồ Học Hải. Hòn đảo này nối với đất liền bằng một cây cầu xây bằng gạch và đá ở bờ hồ phía tây. Bốn mặt hồ xây tường gạch thấp.

Lầu Tàng Thơ là một tòa nhà 2 tầng đồ sộ, xây bằng gạch và đá, ngoài trát vôi, tường có độ dày 0,4m, mái lợp ngói đất nung. Tầng trên là nơi lưu trữ sổ sách tư liệu, có 7 gian 2 chái, trổ nhiều cửa chung quanh (7 cửa lớn và 11 cửa sổ), các gian thông thương với nhau bằng 3 lối cửa. Chung quanh xây lan can thông thoáng để không khí luôn lưu chuyển nhằm tránh sự ẩm mốc. Tầng dưới của tòa nhà có 11 gian với 18 cửa lớn.

Sau khi Tàng Thơ Lâu xây dựng xong, vua Minh Mạng cho dựng bia vào năm 1826, ghi lại mục đích, chức năng và ý nghĩa của việc dựng Tàng Thơ Lâu. Trải qua thời gian dài, Tàng Thơ Lâu được sử dụng với nhiều chức năng khác nhau, phần nào kết cấu của công trình cũng bị hư hại nhiều cùng với sự biến mất của tấm bia.

Tham quan không gian Tàng Thư Lâu


Trải qua thời gian và bao biến động lịch sử, Tàng Thơ Lâu đã bị hủy hoại và xuống cấp nghiêm trọng; công trình cũng không còn giữ được chức năng nguyên thủy mà bị sử dụng vào các mục đích khác; số tài liệu lưu trữ tại đây bị chuyển đi nhiều nơi, cả ở trong nước và thất tán ra nước ngoài…

Đến cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, ngôi “Tàng kinh các” danh tiếng ngày nào đã đứng trước nguy cơ xuống cấp trầm trọng. Dự án nghiên cứu, phục hồi lầu Tàng Thơ được khởi động từ đầu những năm 2000 sau khi công trình được bàn giao cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, đến năm 2014, dự án trùng tu phục hồi công trình này chính thức được khởi công. Đến nay, dự án đã hoàn thành, quần thể di tích kiến trúc cung đình Huế không chỉ có thêm một di sản độc đáo, mà điều quan trọng hơn là Cố đô lại phục hưng được một “Tàng kinh các” danh tiếng, mở ra cơ hội phục hưng các di sản tư liệu vốn dĩ rất phong phú tại đây.

Nhằm phát huy lợi thế vốn có của vùng đất Cố đô, trong chiến lược lâu dài của công tác trùng tu và bảo tồn di sản, Huế cần thiết có một trung tâm lưu trữ tư liệu. Nhận thức được điều đó, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã cho thực hiện việc trùng tu, tái dựng lầu Tàng Thơ, một Tàng kinh các của Việt Nam dưới thời Nguyễn. Nỗ lực cuối cùng của đội ngũ cán bộ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế không chỉ dừng lại ở việc phục dựng nguyên trạng hình ảnh Tàng Thơ Lâu trong quá khứ, mà hơn hết là “hồi sinh” một trung tâm lưu trữ tư liệu mang tầm cỡ quốc gia và khu vực, trả lại đúng vị thế và vai trò của nó như đã từng hiện diện trong lịch sử.

Tàng Thơ Lâu sẽ là địa chỉ để nghiên cứu, bảo tồn và lưu giữ bền vững các di sản ấy cho tương lai. Một trung tâm lưu trữ tư liệu, một trung tâm nghiên cứu về di sản văn hóa của cố đô Huế đã được hình thành, và trong tương lai, đây sẽ trở thành một trung tâm để kết nối các giá trị của quá khứ đến cuộc sống đương đại. Với ý nghĩa ấy, lầu Tàng Thơ không chỉ là nơi cất giữ tài liệu như tên gọi, mà thực sự sẽ là nơi bảo tồn và phát huy một loại hình di sản đặc thù của cố đô Huế - di sản tư liệu.

 

Phương Anh

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng