Sáng ngày 22/7, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế phối hợp với Bảo tàng Quảng Ninh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Nghề điêu khắc than đá Quảng Ninh”.
Chuyên đề trưng hơn 200 hình ảnh tư liệu quý và các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu nhằm giới thiệu đến công chúng những tác phẩm điêu khắc thể hiện sự kết tinh của trí tuệ, sức sáng tạo, bàn tay khéo léo và sự say mê không mệt mỏi với nghề của các nghệ nhân vùng đất Mỏ.
Bên cạnh đó, điểm lại các sự kiện lịch sử và sự phát triển của ngành công nghiệp than đá; trong đó đáng chú ý là Chỉ dụ năm 1840 của vua Minh Mạng đánh dấu sự ra đời, mốc son khai sinh ra ngành khai thác than tại Việt Nam, giới thiệu về di tích địa điểm khai thác than đá đầu tiên tại Việt Nam thuộc núi Yên Lãng (nay thuộc thôn Trại Hà, xã Yên Thọ, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) cũng như các hình thức khai thác than từ khi ra đời cho đến hôm nay.
Sau thời kỳ đổi mới năm 1986, công ty Mỹ thuật – Mỹ nghệ Quảng Ninh được thành lập đã có nhiều sản phẩm chạm khắc than đá được sử dụng làm quà tặng cho du khách trong nước và quốc tế. Từ những hòn than xù xì, thô ráp, để làm ra một sản phẩm có hồn là cả một quá trình sáng tạo tỉ mỉ, khéo léo, làm thủ công gần như 100% của người thợ. Chính sự cần mẫn, tỉ mỉ của nghệ nhân đã tạo ra vẻ đẹp, sự hấp dẫn cho các sản phẩm mỹ nghệ than đá. Mỗi tác phẩm đều mang trong mình nhiều giá trị nghệ thuật, văn hóa và dần trở thành nét đẹp văn hóa riêng của vùng đất Quảng Ninh, dần trở thành mặt hàng xuất khẩu có giá trị kinh tế cao cũng như làm đa dạng phong phú nét đẹp của các làng nghề thủ công truyền thống trên khắp cả nước nói chung.
Một số tác phẩm trưng bày:
Tác phẩm " Bác Hồ với công nhân Mỏ" |
Tác phẩm " Chân dung thợ Mỏ" |
Dụng cụ và nguyên liệu điêu khắc |
Thợ điêu khắc đá tại xưởng |
Điêu khắc Vịnh hạ Long, biểu tượng của Quảng Ninh từ than đá |
Mỹ nghệ từ than đá |
Phu Văn Lâu trên nền than đá |
Đại nội Huế trên nền than đá |
Phương Anh