“BV TW Huế sẵn sàng cơ sở vật chất và nhân lực để tiếp nhận lượng lớn bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch tại khu vực miền Trung khi dịch bệnh diễn biến dịch phức tạp…”
Đó là chia sẻ của GS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc BV TW Huế với PV Báo Sức khỏe và Đời sống.
PV: Hiện nay BV TW Huế chuẩn bị như thế nào cho việc điều trị bệnh nhân COVID-19 trong trường hợp các tỉnh miền Trung ghi nhận nhiều ca mắc nặng?
GS. Phạm Như Hiệp: Thực hiện chỉ đạo quyết định số 3616/QĐ-BYT ngày 29/7/2021 phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 nặng” và chỉ định thành lập Trung tâm hồi tích cực COVID-19 Quốc gia đặt tại BV TW cơ sở 2. Hiện nay, Trung tâm này có quy mô 500 giường Hồi sức tích cực, phục vụ điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19 từ Quảng Bình đến Khánh Hòa.
BV TW Huế đã sẵn sàng cơ sở vật chất và nhân lực để có thể tiếp nhận lượng lớn bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch khu vực miền Trung khi dịch bệnh diễn biến dịch phức tạp. Chuẩn bị sẵn các phương án thiết lập, chuyển đổi công năng BV TW Huế cơ sở 2 (tại huyện Phong Điền) trở thành Trung tâm Hồi sức COVID-19 khu vực miền Trung với quy mô 500-600 giường phù hợp với chức năng điều trị COVID-19.
Với kinh nghiệm tổ chức các khoa, đơn vị Hồi sức điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bắc Giang, Đồng Tháp, Bình Dương… và đặc biệt là Trung tâm Hồi sức người bệnh COVID-19 tại TP. HCM, BV TW Huế đã chuẩn bị kỹ càng về nhân lực cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, hóa chất sinh phẩm và các loại thuốc men…
PV: Năng lực điều trị khoảng bao nhiêu giường bệnh, số lượng cán bộ y tế, các trang thiết bị?
GS. Phạm Như Hiệp: Bệnh viện đã chuẩn bị đội ngũ y tế có trình độ chuyên môn tốt, giàu kinh nghiệm được đơn vị đào tạo các kỹ thuật chuyên sâu về Hồi sức cấp cứu như thở máy, liệu pháp thay thế thận, oxy hóa máu qua màng (ECMO) kiểm soát nhiễm khuẩn, vật lý trị liệu, chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nặng.
Hiện tại tổng số nhân lực BV TW Huế cơ sở 2 là 416 nhân viên và tổng nhân viên BV TW Huế hỗ trợ thêm là 224 nhân viên. Trong đó, đội ngũ chuyên gia, bác sĩ giàu kinh nghiệm là 157 bác sĩ.
Khi số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 tiếp nhận tăng lên, bệnh viện sẽ tiếp tục bổ sung, phân bổ nhân lực từ các cơ sở khác để hỗ trợ cơ sở 2 thực hiện nhiệm vụ thu dung, điều trị hồi sức các bệnh nhân COVID-19 trong khu vực. Số giường theo kế hoạch tại BV TW Huế cơ sở 2 là 615 giường, tuy nhiên trên thực tế có thể kê trên 900 giường.
PV: Hiện nay BV TW đang phân bổ lực lượng để làm nhiệm vụ tại Trung tâm hồi sức tích cực ở TP. HCM, nếu dịch ở các tỉnh miền Trung diễn biến phức tạp, bệnh viện có phương án xử lý như thế nào để đảm bảo công tác điều trị?
GS. Phạm Như Hiệp: Tính đến thời điểm hiện tại, bệnh viện đã điều động cử nhiều đoàn công tác hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 đến các tỉnh thành ở miền Bắc như Bắc Giang; miền Trung như Phú Yên, Quảng Ngãi; miền Nam như Đồng Tháp, Bình Dương, Đồng Nai và TP. HCM.
BV TW Huế đã thiết lập Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 BV TW Huế nằm trong khuôn viên Bệnh viện Dã chiến số 14 (quận Tân Phú, TP.HCM) là tuyến cuối trong bậc thang điều trị bệnh nhân COVID-19 tại TP. HCM.
Trung tâm có chức năng tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch và hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật trong cấp cứu, hồi sức tích cực và điều trị bệnh nhân COVID-19 cho các cơ sở trên địa bàn TP. HCM theo quy định Bộ Y tế.
Sau hơn gần 2 tháng hoạt động, Trung tâm ICU đã hoàn chỉnh và vận hành nhịp nhàng, và dự kiến cuối năm 2021, tình hình kiểm soát dịch bệnh đạt được một số kết quả tích cực, cơ bản kiểm soát được dịch tại một số địa bàn trên thành phố, tỷ lệ các ca dương tính giảm rõ rệt qua các đợt xét nghiệm, BV TW Huế sẽ bàn giao Trung tâm ICU cho Bệnh viện dã chiến số 14 TP. HCM.
BV TW Huế luôn chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực đáp ứng mọi tình huống trong công tác phòng chống dịch tại đơn vị và khi được huy động. Bệnh viện tăng cường mở các lớp đào tạo, tập huấn tập huấn cho các bác sĩ, điều dưỡng của đơn vị về khám, điều trị bệnh nhân COVID-19 ở các mức độ và biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Đồng thời lên kế hoạch dự trù nhân lực luân phiên thay đổi nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch trong Trung tâm ICU để đảm bảo nguồn nhân lực tốt nhất.
PV: Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, công tác khám chữa bệnh tại BV TW hiện nay như thế nào? Bệnh viện triển khai những biện pháp gì để đảm bảo hoạt động khám, chữa bệnh an toàn?
GS. Phạm Như Hiệp: Bệnh viện vẫn triển khai khám chữa bệnh bình thường trong bối cảnh “tình hình mới”. Bệnh viện luôn cập nhật các văn bản, quy định về phòng chống dịch của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên Huế để phổ biến cho nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà.
Bên cạnh đó, luôn nhắc nhở nhân viên y tế nâng cao cảnh giác, nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo trong công tác phòng chống dịch, hạn chế tụ tập nơi đông người, thực hiện tiêu chí “một cung đường 2 điểm đến”
Bệnh viện tăng cường công tác sàng lọc, phân luồng, siết chặt 3 tầng sàng lọc ở cổng tiếp đón, tại khoa, tại giường bệnh; nâng cao năng lực xét nghiệm, phát triển công nghệ thông tin hỗ trợ cho công tác khai báo y tế: quét mã QR code…cho tất cả bệnh nhân đến khám và điều trị tại BVTW Huế.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân ngoài tỉnh đăng ký khám chữa bệnh tại BV TW Huế, bệnh viện phối hợp Sở Thông tin & Truyền thông triển khai hệ thống "Đăng ký tái khám, tư vấn khám chữa bệnh trực tuyến", cho phép bệnh nhân đăng ký trước, bác sĩ phê duyệt sau, bệnh nhân tra cứu được kết quả phê duyệt đi khám chữa bệnh.
Triển khai và áp dụng mô hình khai báo y tế trực tuyến bằng “Thẻ kiểm soát dịch bệnh” trên phần mềm Hue-S trước khi đến bệnh viện nhằm giảm tải ùn tắc tại cổng vào bệnh viện cũng như giúp đảm bảo quy tắc giữ khoảng cách tại khu vực tiếp đón bệnh nhân và người nhà khi đến bệnh viện.
Đối với các bệnh nhân ở vùng có yếu tố dịch tễ, thuộc khu vực chỉ thị 15, 16 được hướng dẫn khám điều trị tại BV TW Huế cơ sở 2, tất các các trung tâm/khoa/phòng đã thiết lập “vùng đệm” cho các trường hợp nghi nhiễm để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Hiện tại, bệnh viện cũng đã ứng dụng công nghệ khoa học vào công tác khám chữa bệnh trong bối cảnh dịch COVID-19.
Từ khi có dịch COVID-19, việc khám chữa bệnh trực tuyến phát huy tác dụng rất cao vì vừa ngăn ngừa bệnh tật vừa giúp cho cơ sở y tế khám chữa bệnh cho bệnh nhân một cách tốt nhất trong điều kiện dịch bệnh. Telehealth giúp hoạt động khám chữa bệnh an toàn hơn trong đại dịch COVID-19.
Nền tảng công nghệ Telehealth đã tạo điều kiện cho các chuyên gia được tiếp xúc với các nhân viên y tế tại chỗ, nắm chắc tình hình bệnh nhân trong các khu cách ly. Nền tảng trực tuyến cũng giúp nhân viên y tế tiếp cận với bệnh nhân nhanh hơn, an toàn hơn. Tất cả những điều đó sẽ nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Áp dụng nền tảng Al Smartcare trong công tác triển khai hệ thống tư vấn, khám chữa bệnh từ xa cho bệnh nhân mắc COVID-19 và các bệnh mạn tính tại nhà. Bệnh viện cũng thường xuyên thực hiện xét nghiệm COVID-19 ngẫu nhiên cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cũng như nhân viên y tế tại các trung tâm/khoa/phòng, đặc biệt khu vực có yếu tố nguy cơ cao, khu vực hồi sức, bệnh nặng nhằm chủ động phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, giúp duy trì hoạt động khám, chữa bệnh an toàn.
Theo Sức Khỏe và đời sống